Quảng Ninh tiếp tục liên kết dạy nghề cho người đang cai nghiện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giám đốc trung tâm Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh Phạm Minh Tứ, cho biết: thời gian tới, cơ sở tiếp tục liên kết với các trường đào tạo, dạy nghề mở các lớp dạy nghề ngắn hạn dưới 3 tháng cho những người đang cai nghiện.
Cán bộ trung tâm cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh dạy học nghề may công nghiệp cho học viên đang cai nghiện.
Cán bộ trung tâm cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh dạy học nghề may công nghiệp cho học viên đang cai nghiện.

Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh (tại xã Vũ Oai, TP Hạ Long), hiện quản lý là 519 học viên, gồm 233 người cai nghiện tự nguyện, 260 người cai nghiện bắt buộc, 26 người bị quản lý trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cai nghiện bắt buộc. Người cai nghiện sau thời gian cắt cơn, thực hiện cách ly theo quy định và thời gian học tập nội quy, quy chế được tham gia các hoạt động lao động trị liệu tại Cơ sở để rèn luyện ý thức, thói quen lao động và rèn luyện sức khỏe. Đây vừa là hình thức trị liệu, vừa đào tạo nghề cho học viên tại Cơ sở. Có rất nhiều nghề để học viên tham gia, đào tạo làm việc, như: Trồng rau, chăn nuôi, gia công đan lưới, đan chiếu, làm vàng mã, sửa chữa điều hòa, điện, may công nghiệp...

Từ năm 2021, Cơ sở đã phối hợp, liên kết với các trường đào tạo, dạy nghề trên địa bàn tỉnh mở các lớp sơ cấp nghề dưới 3 tháng, tập trung vào những nghề mà người lao động có thể tự tạo việc làm, như: Điện nước, hàn, chế biến món ăn, trồng hoa, bảo dưỡng điều hòa...

Sau thời gian học nghề, người cai nghiện được tham gia các hoạt động lao động trị liệu thông qua những nghề đã được học, được truyền nghề, giúp người cai nghiện hiểu được giá trị của sức lao động, nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Qua đó, giúp cho các học viên trong thời gian cai nghiện vẫn có cơ hội có tay nghề, được cấp chứng chỉ học nghề để sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng có cơ hội tìm việc làm, tham gia các hoạt động phát triển kinh tế tại địa phương, giảm nguy cơ tái nghiện.

Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, cho biết: Cơ sở đang phối hợp mở lớp dạy nghề may công nghiệp cho học viên. Khi học viên học nghề xong, Cơ sở sẽ phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ trong việc cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Cơ sở sẽ nhận gia công các sản phẩm may công nghiệp, để người cai nghiện được lao động trị liệu, rèn luyện, nâng cao tay nghề. Hoàn thành chương trình cai nghiện, người lao động có cơ hội tìm việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp hoặc các cơ sở sản xuất hàng may mặc trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý người sau cai nghiện khi trở về địa phương là việc làm hết sức cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc, quan tâm lớn của nhiều cấp, ngành, địa phương, cũng như gia đình, bản thân người sau cai nghiện. Hiện những học viên đã chấp hành xong thời gian cai nghiện được Cơ sở cấp giấy chứng nhận và gửi thông báo cho địa phương. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo tổ công tác cai nghiện cấp xã lập sổ theo dõi, đánh giá quá trình sau cai nghiện, phân công giúp đỡ, hướng dẫn người sau cai nghiện thực hiện tái hòa nhập cộng đồng theo quy định về quản lý người sau cai nơi cư trú.

Nhiều địa phương cũng đã huy động các tổ chức, cá nhân tham gia giúp đỡ, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện được học nghề, tạo việc làm và tham gia các mô hình, câu lạc bộ sau cai nghiện. Với những hành động thiết thực, cụ thể, đồng bộ về các giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là công tác phòng chống ma túy, gắn công tác cai nghiện ma túy với hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện, đã giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Đọc thêm