Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, sự phấn đấu vươn lên của bản thân các hộ nghèo, đồng thời với việc lồng ghép Chương trình giảm nghèo với Chương trình Nông thôn mới, Đề án 196, các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Để chủ động giúp hội viên, nông dân giảm nghèo bền vững, thời gian qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã tích cực, tập trung vào các giải pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi, tập huấn, hướng dẫn các mô hình sản xuất.
Trong 10 năm (2010-2020), thông qua nhiều nguồn lực lồng ghép, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 33 mô hình giảm nghèo bền vững cho 639 hộ, tổng kinh phí 6,59 tỷ đồng. Trong đó, hộ nghèo, cận nghèo tại các xã khó khăn của các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà đã được hỗ trợ 16 con trâu, 90 con bò, 192 con dê, 812 con lợn, 12.350 con gà giống, 150.000 cây keo giống, 62 tấn phân lân, 78.750 cây chè Ngọc Thúy, 1.500 cây dổi (che bóng).
Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, trong 3 năm gần đây (2018-2020), các cấp hội nông dân toàn tỉnh đã phối hợp tổ chức 350 lớp đào tạo nghề cho 10.750 lao động, trong đó gần 7.500 có việc làm, 214 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo, hội thi cho trên 17.600 người tham gia.
Các hộ sản xuất kinh doanh giỏi tạo việc làm cho khoảng 366.360 lượt lao động, bình quân hằng năm tạo việc làm cho gần 63.280 lao động. Thông qua hoạt động của các cấp hội nông dân đã hỗ trợ, giúp 885 hộ hội viên nghèo, bình quân hằng năm giúp được 295 hộ hội viên nghèo.
Để phát huy hiệu quả các dự án, mô hình, Hội Nông dân tỉnh đã mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, thú y, xây dựng chuồng trại chăn nuôi cho cán bộ hội và thành viên tham gia dự án, mô hình, thành lập Ban quản lý dự án, mô hình; ký hợp đồng trách nhiệm giữa Hội Nông dân tỉnh với cán bộ thú y, kỹ thuật tại các xã có dự án, mô hình, để trực tiếp theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng.
Đặc biệt, các cấp hội ngày càng chú trọng công tác nghiệm thu mô hình, qua đó, kịp thời điều chỉnh hoặc có giải pháp hỗ trợ các hội viên hiệu quả hơn trong phát triển các mô hình. Nhờ vậy, tỷ lệ thành công của các mô hình phát triển sản xuất của hội viên ngày càng được nâng lên.
Cùng với đó, tận dụng tối đa các nguồn lực từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, các nguồn vốn đối ứng để mở rộng mô hình chăn nuôi, tính đến 30/9/2020 tổng dư nợ cho vay theo Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 1.031 tỷ đồng, hỗ trợ 24.429 hộ vay vốn theo 16 chương trình tín dụng. Trong đó, chương trình hỗ trợ vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có số dư trên 370,3 tỷ đồng.
Đến hết năm 2019, toàn tỉnh còn trên 1.900 hộ nghèo, chiếm 0,52% tổng số hộ dân toàn tỉnh, mức giảm trung bình mỗi năm đạt 1,01%. Các hộ nghèo, cận nghèo đã có chuyển biến tích cực về mặt ý thức vươn lên thoát nghèo, chủ động đăng ký lộ trình, phấn đấu thoát nghèo, viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Người nghèo ngày càng được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội toàn diện hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống để các hộ vươn lên thoát nghèo.