Quảng Trị: Chật vật tìm đường “hồi sinh” cho cầu An Mô sau nhiều năm “đắp chiếu”

(PLVN) - Mặc dù công trình đã được xây dựng cơ bản hoàn thiện từ cuối năm 2014, tuy nhiên vì thiếu đoạn đường dẫn nối lên hai đầu cầu nên từ đó rơi vào ngưng trệ, rồi “đắp chiếu”. 
Song song với cây cầu cũ đã xuống cấp nghiêm trọng là cây cầu bề thế đến nay vẫn chưa hoàn thiện để sử dụng
Song song với cây cầu cũ đã xuống cấp nghiêm trọng là cây cầu bề thế đến nay vẫn chưa hoàn thiện để sử dụng

Sau hành trình dài tìm “đường sống” gian nan, đến năm 2020 đơn vị đầu tư đang cố gắng hoàn thiện những hạng mục còn dở dang để phấn đấu hoàn thành cây cầu, đưa vào sử dụng trong năm như kế hoạch đặt ra, để bà con thoát khỏi cảnh hàng ngày phải lưu thông qua cây cầu cũ chật hẹp, đã xuống cấp nghiêm trọng và không chịu được tải trọng lớn cùng mật độ giao thông đông đúc.

Cầu “treo” vì... “đói vốn”

Hơn 7 năm trước, tháng 11/2012, dự án xây dựng cầu An Mô mới vượt sông Thạch Hãn, nối thị trấn Ái Tử về các xã đồng bằng của huyện Triệu Phong được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt và khởi công để thay thế cây cầu cũ đã xuống cấp ở cạnh bên. Dự án có tổng mức đầu tư gần 160 tỷ đồng, trong đó riêng phần xây cầu An Mô là 75 tỷ đồng.

Cầu gồm 7 nhịp, dài 257,46m, rộng 10,5m, trong đó có 2 lan can mỗi bên 0,5m. Công trình được giao cho Ban quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng Giao thông (thuộc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị) làm chủ đầu tư và do Công ty TNHH MTV Công trình 793 thi công. Theo kế hoạch, công trình dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014. 

Đây là cây cầu mà người dân các xã nằm phía đông của huyện Triệu Phong mơ ước từ bao đời nay. Khi thông cầu sẽ thông đường ra QL1A, kết nối các xã gần với trung tâm huyện lị. Đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.

Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Mặc dù phần xây cầu cũng như đất đổ hai đầu cầu đã hoàn thành vào năm 2014 với khối lượng công trình đạt gần 87 tỷ đồng. Thế nhưng phần đường dẫn nối lên cầu vẫn chưa hoàn thiện. Từ đó công trình rơi vào tình trạng "đắp chiếu" suốt nhiều năm qua.

Mặt cầu An Mô cũ đã nứt nẻ và hư hỏng nhiều chổ
Mặt cầu An Mô cũ đã nứt nẻ và hư hỏng nhiều chổ 

Thực trạng này đồng nghĩa với việc người dân và các phương tiện ngày ngày phải qua lại trên cây cầu cũ chật hẹp, đã xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi khi lưu thông, mọi người luôn thấp thỏm, lo âu. Qua hàng chục năm sử dụng, chiếc cầu cũ đã rất yếu, tiềm ẩn nguy cơ cao cho người và phương tiện giao thông qua lại.

Một phần trụ ở lan can cây cầu cũ cũng đã bị lệch để trơ phần cốt sắt bên trong
 Một phần trụ ở lan can cây cầu cũ cũng đã bị lệch để trơ phần cốt sắt bên trong

Về nguyên do công trình cầu An Mô bị bỏ dở dang, theo đơn vị đầu tư vì khó khăn về nguồn vốn. 

Qua tìm hiểu được biết, trước đó công trình này nằm trong số các dự án được tỉnh Quảng Trị lập báo cáo đầu tư, đưa vào nhóm cứu hộ cứu nạn để chạy vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên về sau công trình không được chọn vào nhóm này nên không được bố trí vốn. Nguồn ngân sách của địa phương lại eo hẹp, vì thế mà sau khi thực thi được một số hạng mục đã buộc bỏ dở giữa chừng.

Những người tham gia giao thông cũng như bà con ở cạnh đây rất bức xúc vì công trình trì trệ kéo dài làm môi trường bị ô nhiễm. Những ngày nắng gió bụi cuốn mù trời, còn ngày mưa thì bùn đất, nước bẩn bắn tung tóe mỗi khi có phương tiện lưu thông.

Việc bỏ hoang công trình nhiều năm đã làm lớp sơn trên lan can cầu phai bạc; các phần sắt thép, mố cầu, trụ cầu hoen gỉ; cỏ dại mọc um tùm...

Mỗi ngày cây cầu cũ phải "cõng" hàng ngàn lượt phương tiện qua lại

Mỗi ngày cây cầu cũ phải "cõng" hàng ngàn lượt phương tiện qua lại

"Nếu thời tiết thuận lợi sẽ cố gắng thông cầu trước Tết Canh Tý"

Vì phần khối lượng mặt cầu và đường dẫn nối lên hai đầu cầu chưa thi công, địa phương lại không có khả năng cân đối được nguồn vốn nên để tìm đường sống cho cầu An Mô, tỉnh Quảng Trị quyết định đưa các hạng mục này vào dự án Đường nối đầu cầu An Mô vào Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, với tổng dự toán đầu tư xây dựng công trình là 66,6 tỷ đồng (từ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ theo chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng). Thời gian thực hiện từ 2018 – 2020. 

Tháng 7/2019, dự án Đường nối đầu cầu An Mô vào Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn triển khai. Riêng 25 tỷ đồng trung ương hỗ trợ cho tỉnh năm 2019 đã được sử dụng hết trong việc chi trả đền bù và thi công những đoạn đã giải tỏa của dự án này.

Dù chưa đưa vào sử dụng nhưng do bỏ hoang nhiều năm nên các phần sắt thép, mố cầu, trụ cầu đều hoen gỉ
 Dù chưa đưa vào sử dụng nhưng do bỏ hoang nhiều năm nên các phần sắt thép, mố cầu, trụ cầu đều hoen gỉ
Trả lời với PLVN, ông Võ Phong Luân - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Trị cho hay, đến cuối năm 2019, hai hạng mục gồm phần đường dẫn nối hai đầu cầu (mỗi bên 10m) và phần mặt cầu đã được thi công xong, với kinh phí gần 2 tỷ đồng. Hiện tại, các phương tiện thô sơ và tải trọng nhỏ có thể đi lại qua cầu mới.

"Sở GTVT cũng đã chỉ đạo nhà thầu tranh thủ những hôm nắng ráo tập trung nhân lực và máy móc, thiết bị, phấn đấu thi công hơn 50m đường dẫn lên cầu còn lại (hướng xã Triệu Long) cùng nút giao để sớm hoàn thiện công trình. Nếu thời tiết thuận lợi sẽ cố gắng thông cầu trước Tết Canh Tý để phục vụ bà con đi lại an toàn. Còn nếu không thì công trình này cùng những hạng mục còn lại của dự án sẽ tiếp tục được triển khai và hoàn thành trong năm 2020 như kế hoạch đã đặt ra”, ông Luân nói.

Đọc thêm