Quảng Trị - đường lớn vẫy gọi nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với chiến lược ưu tiên xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, dự án trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các công trình giao thông mang tính đột phá, những năm qua tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách, kêu gọi đầu tư và đồng hành với nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án giao thông đã được quy hoạch trên địa bàn.
Một phương án thiết kế sân bay Quảng Trị được tư vấn TEDI báo cáo tại cuộc họp ngày 9/4/2021.
Một phương án thiết kế sân bay Quảng Trị được tư vấn TEDI báo cáo tại cuộc họp ngày 9/4/2021.

Xác định hạ tầng giao thông là khâu đột phá, đi đầu, tạo điểm nhấn kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay với cảng Cửa Việt, cảng Mỹ Thủy và hệ thống giao thông quốc gia; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Quốc lộ 15D, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Quốc lộ 1 về cảng Cửa Việt, đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây; hoàn thành và đưa vào khai thác cảng biển Mỹ Thủy; Cửa Việt bờ Bắc và bờ Nam…

Thời gian qua vấn đề kết nối giao thông…được lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã và đang tích cực làm việc với Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về chính sách, tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, tạo thế cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa và phát triển giao thông tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Đến nay, về cơ bản Chính phủ đã có sự chỉ đạo và giao cho tỉnh Quảng Trị thẩm quyền lập dự án, chuẩn bị các thủ tục đầu tư cho một số công trình quan trọng, trình Chính phủ xem xét và phê duyệt, cụ thể là:

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ và Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải kiểm tra hiện trường Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vạn Ninh (Quảng Bình) - Cam Lộ (Quảng Trị) tháng 3/2021.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ và Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải kiểm tra hiện trường Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vạn Ninh (Quảng Bình) - Cam Lộ (Quảng Trị) tháng 3/2021.

Dự án Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ xác định trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch với chức năng là cảng hàng không nội địa, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự; quy mô: Sân bay dân dụng cấp 4C và quân sự cấp II; Cảng có công suất: 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm; đến năm 2030 có diện tích sử dụng đất là 316,572ha của ba xã Gio Quang, Gio Mai, Gio Hải, huyện Gio Linh.

Tại Văn bản số 447/TTg-CN ngày 06/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Hiện dự án đã được các đơn vị chuẩn bị dự án PPP hoàn thành hồ sơ đầu tư giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 2.913 tỷ đồng (vốn do nhà đầu tư huy động 2.680 tỷ, ngân sách địa phương: 233 tỷ).

Hiện hồ sơ đã được trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành) các đơn vị liên quan đang hoàn thiện hồ sơ theo các ý kiến của Hội đồng thẩm định liên ngành để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; về phía tỉnh đã và đang chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng nhằm tạo điều kiện thuận lợi khi có quyết định triển khai dự án.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra các tuyến đường khu kinh tế và khu công nghiệp năm 2019.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra các tuyến đường khu kinh tế và khu công nghiệp năm 2019.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ: Điểm đầu dự án tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và điểm cuối nối với đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn; chiều dài tuyến khoảng 68km đi qua hai tỉnh Quảng Bình (khoảng 34km) và Quảng Trị (khoảng 34km); dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 9.564 tỷ đồng (vốn nhà đầu tư: 4.792 tỷ, ngân sách nhà nước hỗ trợ; 4.772 tỷ), thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 21 năm 4 tháng.

Việc đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ nhằm từng bước hoàn thiện nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối các Trung tâm kinh tế trọng điểm, các đầu mối giao thông, nâng cao năng lực vận tải Bắc - Nam, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên QL1, nhất là tại cửa ngõ các đô thị.

Trên cơ sở đã có quy hoạch, tỉnh đã chỉ đạo việc xây dựng, lập hồ sơ thủ tục trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc giao cho UBND tỉnh Quảng Trị là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án theo phương thức PPP.

Dự án tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo; với chiều dài khoảng 70km: nằm trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự án có quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe và tiến trình đầu tư và hoàn thành trước năm 2030; sau đầu tư xây dựng hoàn thành sẽ là trục giao thông quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối thuận lợi với các nước Myanma, Thái Lan, Lào; tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và trong khu vực, cũng như đảm bảo quốc phòng - an ninh; đặc biệt hỗ trợ công tác phòng chống thiên tai, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Hiện tỉnh Quảng Trị đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương chấp thuận giao UBND tỉnh Quảng Trị là Cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức PPP.

Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khảo sát thực địa dự án sân bay Quảng Trị.

Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khảo sát thực địa dự án sân bay Quảng Trị.

Dự án tuyến Quốc lộ 15D hình thành có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng, đồng thời cũng là điểm kết nối với tuyến đường chiến lược Quốc lộ 15B của nước bạn Lào và hệ thống đường bộ của Thái Lan và Myanma, tạo ra một trục hành lang song song với hành lang kinh tế Đông - Tây, nối liền Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN;

Đồng thời hình thành tuyến nối biển Đông và Ấn Độ Dương (khoảng hơn 1.300km), góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương; giao thoa, cộng hưởng trong giao thương, phát triển kinh tế - xã hội cũng như hợp tác thương mại, đảm bảo an ninh - quốc phòng, tăng khả năng kết nối trong khu vực; điều tiết giao thông, hỗ trợ cho nhau khi có sự cố về an toàn giao thông, thiên tai lũ lụt, gây ách tắc đối với các tuyến giao thông huyết mạch.

Hiện tỉnh Quảng Trị đang tranh thủ sự ủng hộ của các Bộ, ngành Trung ương để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp một số đoạn, đồng thời tích cực huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư nối thông toàn tuyến.

Dự án khu bến cảng Mỹ Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô 685ha, với 10 bến, đảm bảo tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn. Việc hình thành Khu bến cảng Mỹ Thủy có ý nghĩa rất lớn trong xây dựng và phát triển các dự án động lực thuộc Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh.

Dự án cũng là điểm phục vụ đắc lực cho nhu cầu của các khu công nghiệp trên địa bàn, thu hút lượng lớn hàng hóa quá cảnh cho Lào, Đông bắc Thái Lan trên tuyến (EWEC).

Dự án tuyến đường phía Tây Quốc lộ 1; có chiều dài khoảng 58km, điểm đầu giao với Quốc lộ 9D, huyện Vĩnh Linh cách QL1 khoảng 1,8km, nhánh đi về phía tây QL1 khoảng 3km đến 5 km, điểm cuối kết nối với Quốc lộ 15D tại vị trí cách QL1 khoảng 3,0km về phía Tây. Với mục tiêu tránh các điểm đông dân cư qua các thị trấn, thị xã, thành phố nằm dọc QL1 của tỉnh, đồng thời khai thác có hiệu quả quỹ đất dồi dào vùng phía Tây QL1; bên cạnh đó cũng góp phần đảm bảo an toàn giao thông ở các vùng đô thị; hiện nay, dự án đang triển khai nghiên cứu, hoàn thiện các thủ tục để đầu tư xây dựng.

Tuyến Quốc lộ 15D nối từ cảng biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay.

Tuyến Quốc lộ 15D nối từ cảng biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay.

Theo ông Trần Hữu Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị cho biết, nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế về giao thông phấn đấu đến năm 2025 Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, tỉnh xác định ưu tiên xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, hoàn thành một số dự án trọng điểm, động lực, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các công trình giao thông quan trọng, tạo bước đột phá năng động, táo bạo, góp phần “thay áo mới” về giao thông của tỉnh giai đoạn tiếp theo, đây sẽ là động lực thúc đẩy có ý nghĩa cho sự phát triển của tỉnh trong tương lai gần.

Thời gian qua cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc rất tích cực để hỗ trợ nhà đầu tư, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án về giao thông, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng đã có các buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Quảng Trị khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương.

Với mong muốn các nhà đầu tư hãy đến với Quảng Trị, mảnh đất lành - con người thật, đang dang rộng cánh tay chào đón và lãnh đạo tỉnh cũng sẻ tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư yên tâm khi đến và làm việc với Quảng Trị; nơi mảnh đất cằn cỗi, khói lửa năm nào, nay trở thành miền đất hứa, hiện thực hóa những khát vọng Hiền Lương…

Đọc thêm