Quy hoạch vùng ĐBSCL: Giải quyết bài toán tổng thể về phát triển vùng

(PLVN) - Hội nghị báo cáo và tham vấn về "Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Cần Thơ, được khai mạc sáng nay (26/11).
Dự kiến Bộ KH&ĐT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: monre.gov.vn

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng lãnh thổ có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước.

Trong điều kiện hiện nay, “Thách thức có nhiều, nhưng cơ hội cũng không ít để phát triển vùng ĐBSCL, quan trọng là nhận thức được thách thức để quản lý rủi ro hiệu quả, nắm bắt cơ hội để tận dụng triệt để”.

Bản quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là qui hoạch vùng đầu tiên được triển khai thực hiện theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch, dự kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tổ chức thẩm định, phê duyệt vào tháng 12 năm 2020.

Bản Quy hoạch được xem xét, lập cùng với lợi thế đặc biệt về các nguồn năng lượng tái tạo và đang nắm giữ cơ hội lớn trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế là cơ hội mang tính “thiên thời” "nhằm mở toang cánh cửa để đón nhận các dòng đầu tư từ các thành phần kinh tế, trong nước và quốc tế để phát triển vùng ĐBSCL một cách nhanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng nói.

Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng dựa trên nguyên tắc: “Bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường”. Quy hoạch được nghiên cứu tiếp thu từ kinh nghiệm của Hà Lan, nơi có điều kiện tự nhiên cũng như quy mô diện tích và dân số tương đồng với vùng ĐBSCL.

Tại hội nghị, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận 3 nội dung lớn có ý nghĩa rất quan trọng đối với vấn đề quy hoạch vùng.

Trước hết, nhận diện rõ các cơ hội chính, động lực chính để tạo nên sự phát triển đột phá của vùng ĐBSCL trong giai đoạn tiếp theo. Cùng với đó, định vị vai trò, vị thế của vùng ĐBSCL trong mối quan hệ với vùng Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh và trong bối cảnh quốc tế, cụ thể là khu vực ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông.

Sự phù hợp của các định hướng, giải pháp về phát triển ngành lĩnh vực có thế mạnh của vùng, định hướng tổ chức không gian phát triển, kết cấu hạ tầng, khai thác sử dụng tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước với đặc điểm, điều kiện đặc thù của vùng ĐBSCL, quan điểm phát triển thuận thiên của Nghị quyết số 120 và tính thích ứng với biến đổi khí hậu; việc xử lý các xung đột mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh để đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Mặt khác, Quy hoạch vùng ĐBSCL sau khi được phê duyệt là cơ sở để triển khai lập các quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan, như quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị…

Do đó, Quy hoạch vùng ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết bài toán tổng thể về phát triển vùng, xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, làm cơ sở cho các ngành, các địa phương triển khai xây dựng quy hoạch, kế hoạch thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, đạt hiệu quả cao.

Đọc thêm