Như đã nói ở các kỳ trước, gia tộc Rothschild đã tạo nên một đế chế tài chính - ngân hàng tại châu Âu bắt đầu từ cuối thế kỷ 18. Sau hơn 300 năm, gia tộc này kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau và trở thành một trong những gia tộc có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới.
Gây dựng đế chế ngân hàng của gia đình tại Paris
James Mayer Rothschild hay còn được biết tới với tên khai sinh Jakob Mayer Rothschild (1792-1868). Ông là con trai thứ năm và là con út của Mayer Amschel Rothschild.
Năm 1810, ở tuổi 18, James gia nhập Công ty hợp tác gia đình. Năm 1812, ông chuyển đến Paris để điều phối việc mua vàng và kim loại cho anh trai Nathan Mayer Rothschild (1777-1836), và vào năm 1814 và 1815, ông là người chủ chốt trong kế hoạch của Nathan nhằm cung cấp ngân quỹ cho quân đội của Wellington.
Sau phi vụ kết hợp cùng anh trai Nathan Mayer Rothschild (1777-1836), James trở nên nổi tiếng ở Pháp. Ông đã xây dựng được ngân hàng Paris Rothschild. Giống như cách làm truyền thống của gia đình mình, James cũng chọn cách làm giàu bằng việc kinh doanh, hỗ trợ cho các cuộc cách mạng, chiến tranh của Pháp, Tây Ban Nha.
Cụ thể, sau sự thất bại ở trận Waterloo (1817), nước Pháp đã mất đi một lượng lớn lãnh thổ, đồng thời rơi vào cảnh bị bao vây chính trị, nền kinh tế quốc dân cũng ngày càng tiêu điều. Trước tình cảnh đó, Vua Louis XVIII không còn cách nào khác là chạy vạy khắp nơi để vay tiền nhằm ổn định nền tài chính quốc gia.
Thời điểm đó, Vua Louis đã hỏi vay ngân hàng Pháp và Ngân hàng Barings của Anh. Dù lúc đó Ngân hàng Rothschild có tiếng tăm lừng lẫy nhưng hoàn toàn không nhận được bất cứ lời đề nghị nào từ Vua Louis, điều này khiến cho James vô cùng lo lắng. Không đứng im tại chỗ, James đã tìm mọi cách để có thể tiếp cận được vua Louis, tuy nhiên tất cả mọi thứ đều vô ích.
Sau này, James mới biết được nguyên nhân về sự thờ ở của Vua Louis xuất phát từ việc Chính phủ Pháp cho rằng, họ là tầng lớp quý tộc với dòng máu cao quý thì không thể giao thiệp hay làm ăn với những người có xuất thân thấp hèn như nhà Rothschild. Mặc dù nắm giữ trong tay nhiều tiền bạc tuy nhiên James cũng phải bất lực trước sự kiêu ngạo của những người quý tộc Pháp.
Nghiễm nhiên, với dòng máu Rothschild chảy trong huyết quản, James không dễ dàng khuất phục, ông đã cùng anh em mình lên kế hoạch khống chế quý tộc Pháp. Kế hoạch bắt đầu từ tháng 10/1818, bằng quyền lực của mình dòng họ Rothschild đã ngấm ngầm mua vào các công trái Pháp trên tất cả các thị trường lớn ở châu Âu.
|
Điều này đã khiến cho công trái của nước này bắt đầu tăng giá. Sau đó bắt đầu từ ngày 5/11/1818, họ lại đồng loạt bán các trái phiếu này với số lượng lớn ra tất cả các thị trường châu Âu. Khi đó, giá công trái của Pháp liên tục giảm khiến thị trường trái phiếu hỗn loạn, hoang mang tột độ.
Trước tình cảnh đó, Vua Louis đã không thể ngồi yên và lo lắng cho ngôi vị Hoàng đế của mình. Lúc này, người đại diện của dòng họ Rothschild đã nói với Vua Louis rằng, tại sao ông không thử nhờ Ngân hàng Rothschild cứu vãn tình thế.
Và đương nhiên, khi đang đứng trước vực thẳm, Louis đã không còn màng tới địa vị cao sang của mình, và lập tức đòi cho gọi anh em nhà James đến điện Elysee. Khi đó, địa vị của anh em James đã thay đổi chóng mặt, từ chỗ bị khinh rẻ trước đây, giờ đi đến đâu cũng được tung hô. Và sau đó, chỉ với một cái búng tay của anh em James, thị trường trái phiếu đã bình ổn trở lại.
Từ sau sự kiện đó, ngân hàng của gia tộc Rothschild tại Pháp đã có lượt giao dịch tăng chóng mặt. Tài sản của họ nhanh chóng tăng lên hàng trăm triệu francs. Ở Pháp chỉ có tài sản của một người có thể sánh với ông ta, đó chính là nhà vua với khối tài sản trị giá 800 triệu francs.
Tài sản của các ngân hàng khác tại Pháp cộng lại vẫn thấp hơn 150 triệu francs so với khối tài sản của James. Và nguồn tài sản này bỗng nhiên đem lại cho ông quyền lực không tưởng, thậm chí đến mức bất cứ lúc nào cũng có thể khiến cho nội các chính phủ tan vỡ.
Bước chân vào giới quý tộc
Sau những sự kiện đó, James đã trở thành cố vấn của các bộ trưởng và vua, ông trở thành chủ ngân hàng quyền lực nhất đất nước và sau Chiến tranh Napoléon. Đồng thời, ông cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp tài chính cho việc xây dựng các tuyến đường sắt và kinh doanh khai thác đã giúp Pháp trở thành một cường quốc công nghiệp. Ông cũng đã tăng thêm tài sản của mình với các khoản đầu tư vào những thứ như nhập khẩu trà và ngành công nghiệp rượu vang.
Là một doanh nhân có ý chí mạnh mẽ và sắc sảo, James đã tích lũy được khối tài sản khiến ông trở thành một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới.Năm 1822, de Rothschild cùng với 4 người anh em của mình được Hoàng đế Francis I của Áophong tặng tước hiệu cha truyền con nối là Nam tước. Cùng năm đó, ông được bổ nhiệm làm tổng lãnh sự của Đế quốc Áo và năm 1823 được trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp.
Sau cuộc Cách mạng tháng 7/1830 khi Vua Louis Philippe lên nắm quyền, nhà Rothschild đã đưa ra một gói cho vay để ổn định tài chính của chính phủ mới, và vào năm 1834 một khoản vay thứ hai. Để tỏ lòng biết ơn vì những phục vụ của ông đối với đất nước Pháp, Louis Philippe đã phong ông lên tước vị Đại quan của Quân đoàn Danh dự.
Vua Louis Philippe buộc phải thoái vị sau khi Cách mạng Pháp năm 1848 bùng nổ. Dưới thời Hoàng đế Napoléon III, James đã mất một phần ảnh hưởng chính trị của mình, tuy nhiên, dù gặp một số khó khăn, công việc kinh doanh của gia đình vẫn tồn tại và thịnh vượng dưới chế độ mới.
Ngoài các hoạt động kinh doanh của mình, James còn là một nhà sưu tập nghệ thuật cuồng nhiệt, được thúc đẩy không chỉ bởi mong muốn thể hiện mình có sở thích và tài sản ngang bằng với bất kỳ tầng lớp quý tộc Pháp nào mà còn bởi sự quan tâm thực sự. Việc mua bức tranh của Greuze, La Laitière, vào năm 1818 đã tạo thành cơ sở cho một bộ sưu tập nghệ thuật tuyệt đẹp mà ông thường bổ sung khi mua sắm điên cuồng từ các đợt bán hàng lớn của các khách sạn ở Paris.
James cũng sử dụng khối tài sản kếch xù của mình cho các công việc từ thiện và trở thành lãnh đạo của cộng đồng người Do Thái ở Pháp. Những đóng góp của ông cho nước Pháp, cùng với những đóng góp của con cháu, có thể được tìm thấy trong nhiều lĩnh vực, bao gồm y học và nghệ thuật.
Nam tước James qua đời năm 1868, vào đám tang của ông, 4.000 khách đã đợi trong phòng khách của ông, trong khi 6.000 khách khác đợi ở sân trong. Các đường phố của Paris, từ Rue Laffitte đến Nghĩa trang Père Lachaise, chật cứng hàng nghìn công dân vô danh, những người đã bày tỏ lòng kính trọng đối với chủ ngân hàng.