Quyết liệt chống hạn tại Đồng bằng sông Cửu Long

(PLVN) - Hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt khiến một diện tích lớn vùng lúa, rau màu, thủy sản của các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các địa phương lân cận bị ảnh hưởng nghiêm trọng…
Tình trạng hạn mặn gay gắt đang diễn ra tại ĐBSCL.  Ảnh: Duy Nhân
Tình trạng hạn mặn gay gắt đang diễn ra tại ĐBSCL. Ảnh: Duy Nhân

Gấp rút hoàn thành nhiều công trình

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn  Quốc gia cho biết, tình hình xâm nhập mặn tại ĐBSCL năm nay đến sớm và sâu hơn so với cùng kỳ năm 2015-2016. Hiện, xâm nhập mặn tác động đến 10/13 tỉnh với tổng cộng 71/137 đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc ở khu vực ĐBSCL.

Nhờ thông tin xâm nhập mặn được cảnh báo sớm, nhiều diện tích lúa đã được dịch chuyển thời vụ phù hợp nên tránh được hạn mặn. Ngoài ra, các công trình thủy lợi mới được đầu tư, kịp đưa vào sử dụng đã giúp các địa phương trong vùng phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn hiệu quả.

Ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, thống kê sơ bộ, vụ lúa Đông Xuân này trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện có gần 5.300ha có nguy cơ bị mất trắng. Tỉnh Trà Vinh thiệt hại khoảng 5.160ha, trong đó, có trên 30% diện tích mất trắng hoàn toàn. Tỉnh Long An ước tính có trên 15.000ha lúa và trên 11.000ha rau màu, cây ăn trái có khả năng bị ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn...

Dự báo của ngành Nông nghiệp cho thấy, mùa khô năm nay, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 136.000ha diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng của hạn, mặn, đồng thời, có hơn 158.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Cũng theo ông Khiêm, thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đến nay đã có 5 dự án công trình phòng chống hạn mặn tại ĐBSCL sử dụng vốn ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư đưa vào khai thác sử dụng kiểm soát mặn cho mùa khô 2019-2020, với diện tích trực tiếp được kiểm soát khoảng 83.000ha và tác động ảnh hưởng đến 300.000ha diện tích đất canh tác.

Ngoài ra, hiện nay 11 dự án công trình khác đang được gấp rút hoàn thành để đưa vào phục vụ công tác phòng, chống hạn mặn tại khu vực ĐBSCL.

Các địa phương quyết liệt vào cuộc

Ngay trong Tết Nguyên đán 2020, tỉnh Bến Tre đã khẩn trương xây dựng công trình đập tạm ngăn mặn trên sông Ba Lai, đoạn thuộc địa phận huyện Châu Thành, để tạo hồ chứa khoảng 1 tỷ m3 nước ngọt. Cùng với đó, tỉnh triển khai xây dựng hàng chục cống đập, công trình tạm và nạo nét các kênh mương để ngăn mặn, tăng cường tích trữ nguồn nước ngọt. Đồng thời, tổ chức vận hành hồ chứa Kênh Lấp, huyện Ba Tri với khoảng 1 triệu m3 nước để phục vụ cho nhà máy nước sinh hoạt nông thôn và trong khu vực.

Từ đầu năm 2020, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư nâng cấp, mở rộng các trạm cấp nước phục vụ cho hơn 8.000 hộ dân các huyện Châu Thành, Gò Quao, An Minh, Kiên Lương và Giang Thành; chủ động xây dựng phương án cụ thể đảm bảo nước sinh hoạt trên địa bàn 2 TP Rạch Giá, Hà Tiên, huyện đảo Phú Quốc và các khu dân cư tập trung.

Tại huyện đảo Phú Quốc, hiện nước hồ Dương Đông có thể cung cấp nước cho nhà máy hơn 3 tháng nữa và có thể được bổ sung nguồn nước mưa khi xuất hiện mưa trái mùa, mưa đầu mùa. Nhà máy nước Phú Quốc giảm công suất phát ra từ 21.000 - 22.000m³ thực hiện hạ áp từ 12-17 giờ hàng ngày...

Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.  

Cảnh báo tháng 3 kỷ lục xâm nhập mặn xuất hiện tại ĐBSCL

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn  Quốc gia (TTDBKTTVQG), dòng chảy trên sông Cửu Long về ĐBSCL trong tháng 3/2020 ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và năm 2016 từ 5-20%. Dự báo mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho ĐBSCL không nhiều, xâm nhập mặn tiếp tục gay gắt.

Từ nay đến ngày 5/3, xâm nhập mặn trên các sông ở Nam bộ giảm dần. Từ ngày 6/3, xâm nhập mặn có xu hướng tăng trở lại, đạt đỉnh điểm vào 11-15/3, sau giảm chậm. Tính theo ranh mặn 4g/l, xâm nhập mặn có thể vào sâu tới 110km trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, 78km trên sông Hàm Luông, 67km trên sông Hậu, 58km trên sông Cái Lớn.

Theo TTDBKTTVQG, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đỉnh điểm tháng 3 này ở mức tương đương và cao hơn đợt mặn đỉnh điểm giữa tháng 2/2020 cũng như tháng 3/2016 (năm xâm nhập mặn kỷ lục).

Đại diện TTDBKTTVQG  khuyến cáo, từ ngày 1 đến 5/3, do ảnh hưởng của kỳ triều thấp, các tỉnh ở ĐBSCL cần tranh thủ tích trữ nước ngọt. Từ 6 đến 15/3, hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn.

Cũng theo dự báo, mùa mưa ở Nam bộ sẽ đến muộn và ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa, tình trạng nắng nóng trên diện rộng sẽ bắt đầu từ nửa cuối tháng 3 và kéo dài đến giữa tháng 5/2020. Dòng chảy trên sông Cửu Long về ĐBSCL suy giảm. Do đó, thời gian còn lại của mùa khô năm 2020, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra và tăng cao trong các đợt triều cường.

Từ cuối tháng 3/2020, xu thế xâm nhập mặn giảm dần do các hồ chứa ở thượng nguồn có khả năng gia tăng lượng xả tương tự các năm gần đây. Riêng sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn, xâm nhập mặn nhiều khả năng duy trì ở mức cao và kéo dài đến tháng 4/2020, sau đó giảm dần…

Đọc thêm