Quỳnh Nhai bứt phá trong công tác giảm nghèo

(PLVN) - Những năm qua, nhờ việc triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đời sống của nhân dân các dân tộc huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Mô hình trồng sa nhân dưới tán rừng.
Mô hình trồng sa nhân dưới tán rừng. 

Ý thức vươn lên của người dân là yếu tố quyết định

Có lẽ mốc thời gian đáng nhớ nhất của nhân dân các dân tộc huyện Quỳnh Nhai là vào 2006, trong cuộc đại di dân để xây dựng công trình thủy điện Sơn La, một trong những công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. 

Thời điểm đó, Quỳnh Nhai đã phải di chuyển hơn 8.400 hộ dân và hơn 36.000 nhân khẩu, thuộc 9 xã ra khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện. Sau khi di dân tái định cư, phần lớn diện tích đất sản xuất đều bị ngập dưới nước, còn lại diện tích đất ít và độ dốc cao, chủ yếu canh tác lúa, ngô, sắn năng suất thấp, khiến cho đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thậm chí có nhiều hộ tái nghèo.  

Ông Hoàng Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết: Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, huyện thành lập BCĐ xóa đói giảm nghèo, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể trong từng giai đoạn và hàng năm về công tác giảm nghèo; triển khai hiệu quả các chương trình dự án hỗ trợ người dân tái định cư, người nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập…

Trong quá trình thực hiện, huyện chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước, kết hợp với phát huy vai trò của cộng đồng và chính quyền cơ sở, coi trọng ý thức tự giác vươn lên của người dân là yếu tố quyết định. Vận động nhân dân đóng góp nhân lực, vật lực trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, tham quan, giới thiệu các mô hình giảm nghèo phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, từng đối tượng. Giúp các hộ hộ nghèo có ý thức vươn lên thoát nghèo, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước.

Hàng năm, huyện giao chỉ tiêu đăng ký giảm nghèo cho các xã, đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng đơn vị, cơ sở. Tăng cường công tác đối thoại giảm nghèo, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, có biện pháp hỗ trợ kịp thời giúp người dân vươn lên. Tranh thủ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng như: Chương trình 135, 30a, nông thôn mới... Nhờ đó, kết cấu hạ tầng của huyện ngày càng được đáng kể, điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng đến tất cả các xã, mở ra cơ hội giao lưu hàng hóa, nâng cao thu nhập. 

Mô hình nuôi cá lồng ở Quỳnh Nhai.
 Mô hình nuôi cá lồng ở Quỳnh Nhai.

7.000 lồng cá cho 2,3 ngàn tấn/năm

Bên cạnh phát huy các nguồn lực hỗ trợ, huyện còn tập trung vận động nhân dân khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Nhất là tận dụng tiềm năng vùng lòng hồ thủy điện phát triển nuôi cá lồng. 

Từ những lồng cá ban đầu, đến nay đã có hàng nghìn hộ dân phát triển nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ. Hiện cả huyện đã có 47 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, với gần 7.000 lồng cá, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt ước đạt 2,3 nghìn tấn/năm. Đây là mô hình tiêu biểu nhất trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương, nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Bên cạnh việc nuôi thủy sản, huyện tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ đầu tư cho các vùng tái định cư thủy điện Sơn La để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trọng tâm là trồng cây ăn quả trên đất dốc và cây dược liệu dưới tán rừng, gắn với bảo vệ rừng. 

Hiện toàn huyện đã trồng được 150ha cây sa nhân dưới tán rừng, đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, cho thu nhập bình quân từ 200-300 triệu đồng/ha. Tại các xã Mường Giàng, Chiềng Ơn đã trồng mới hơn 100ha cây ăn quả các loại; gần 60ha cây mắc ca ở Chiềng Khay; trồng 103ha Dứa ở Mường Giôn, Mường Giàng, Mường Sại, Chiềng Ơn làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Ông Cường chia sẻ: Bên cạnh nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, huyện Quỳnh Nhai còn đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, coi đây là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện đã trở thành một điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Sơn La, với 6/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn không ngừng được cải thiện, 11/11 xã có đường ô tô đến trung tâm. Đây là yếu tố quan trọng tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm xuống còn 10,27% toàn huyện. 

Đọc thêm