Sự nghiệp lừng lẫy bắt đầu từ tuổi thơ cơ cực
Tuổi thơ của Charles là một chuỗi những ngày cơ cực và khó khăn khôn cùng. Ray Charles sinh ngày 23/9/1930 trong một gia đình nghèo vùng Albany, thuộc tiểu bang Georgia, nơi tập trung nhiều người da màu. Bố mất từ khi ông còn bé.
Vào năm 5 tuổi, sau khi chứng kiến người em trai của mình bị tai nạn chết chìm, ông phát hiện mình bị một căn bệnh lạ khiến mất dần thị lực. Có lẽ đó là những hình ảnh đau thương cuối cùng mà ông có thể nhìn thấy.
Năm lên 7 ông bị mù hẳn. Vào năm 1937, ông được thu nhận vào trường đạo St. Augustine dành cho trẻ em khiếm thị. Tại đây, ông đã học đàn dương cầm và học sáng tác nhạc. Cũng tại đây, Charles đã viết ca khúc đầu tiên để tưởng nhớ người em trai của mình. “Con trai tôi khiếm thị, nhưng nó không mất đi nghị lực, nó mất đi ánh sáng nhưng không mất đi ý chí” - Bà Aretha tự hào nói về con trai mình.
Làm quen với cuộc sống không ánh sáng Charles đã phải học chữ nổi, ngay từ khi đi học ông đã phải làm đủ nghề để kiếm sống, làm những nghề thủ công, học những nguyên lý về ô tô để làm việc trong một xưởng sửa chữa ô tô và đánh máy chữ thuê. Ông học chơi piano và bắt đầu sáng tác những ca khúc.
Chân dung ông Ray Charles |
Trong thời gian này ông chủ yếu sáng tác những bản Country, Blues và tỏ ra là người có hiểu biết rất sâu rộng về âm nhạc.Sau này ông chuyển sang chơi saxophone và có nhiều những tác phẩm nhạc Jazz. Đến năm 15 tuổi, cả thế giới như sụp đổ khi mẹ ông qua đời, ông trở thành kẻ mồ côi. Trong cuốn tự truyện của mình ông viết: “Điều làm tôi đau đớn nhất không phải là sự ra đi của em trai, không phải tôi bị mù, không phải sự khó khăn trong cuộc sống... mà chính là sự ra đi của mẹ”.
Có thể nói, ông là ví dụ tiêu biểu của một chuẩn “American dream”, từ khốn khó đến giàu sang, từ tăm tối vụt lên rực sáng. Năm 18 tuổi, với 6.00USD dành dụm được, Ray một mình đơn thương đến vùng Seattle xa lạ tìm chút ánh sáng. Tại đây ông lập ra nhóm nhạc 3 người Maxim và nhóm nhảy Charles Brown. Charles đã sáng tác cả album Confession Blues.
Một năm sau, Maxim tìm được chút danh tiếng khi “Confession Blues” leo được lên bảng tổng sắp R&B, trong đó có những tác phẩm bất hủ như Baby Let me hold your hand và Kiss me baby. Năm 1952, bản ghi âm Atlantic của ông đã được mua lại với giá 2500 USD.
Ngay sau đó những bản R&B của ông cũng thống lĩnh các bảng xếp hạng trên thế giới. Hit The thing I used to do giành giải bản ghi âm hay nhất năm. Một số bản R&B khác của ông cũng được đánh giá rất cao như: A fool for you, Drown in my own tears, Hallelujah I love her so và Lonely Avenue. Ray Charles là một hiện tượng nổi tiếng trong lịch sử thế giới nhạc nhẹ.
Vào năm 1954, ông thử nghiệm sáng tác và cho ra đời đĩa nhạc có tên “I got a woman” với hai dạng thể nhạc “Blues” và thánh ca trộn lẫn. Sau sự kiện này, ông đã được nhiều người thừa nhận là cha đẻ của thể nhạc Soul. Năm 1959 ông chuyển sang làm việc cho ABC Paramount. Tại đây ông cũng gặt hái được những thành công vang dội. Những hit pop như “Georgia on my mind, Ruby và Unchain my heart” luôn giữ được vị trí đứng đầu trên các bảng xếp hạng âm nhạc. Trong thời gian này album nhạc Jazz đầu tiên của ông Genius + Soul = Jazz cũng được đánh giá rất cao.
Ông từng nói rằng, “Từ lúc bị mù tôi không còn được chiêm ngưỡng cảnh người ta nhảy múa, vui đùa vì thế tôi mong ước mình sẽ sáng tác những bài ca mà khi nó cất lên có thể khiến tôi nhảy suốt ngày”. Thế nhưng vào năm 1961, ca khúc “Hit the road Jack” của ông đã ngập tràn trong các sàn nhảy, quán bar.
Không những thế, người ta mang nó ra nhảy ở ngoài đường, ở chốn công cộng, từ già đến trẻ, ai cũng bị thôi thúc bởi giai điệu tươi vui, dồn dập của nó. “Hit the road Jack” cũng được xem như là một trong những ca khúc “lôi con người ra ngoài đường”, tránh những nhàm chán thường gặp trong 4 bức tượng rặt đầy những khuôn phép gia đình kiểu Mỹ. Và năm ấy, ở tuổi 31 ông đã giành tượng vàng Grammy thứ 4 trong sự nghiệp âm nhạc của mình.
Không dừng lại ở đó, năm 1962 Charles cho ra đời những bản ballad bất hủ làm ngây ngất lòng người như “I can’t stop loving you, Born to lose và You don’t known me”. Lập tức những singer này đã bán được hàng triệu bản ngay từ lần phát hành đầu tiên. Ngay sau đó ABC Paramouth phát hành tiếp những hit “You are my sunshine, Your cheating Heart...” đưa Ray Charles lên đỉnh cao của dòng nhạc Ballad.
Trong thập kỷ 60, những sound track của ông đã xuất hiện trong rất nhiều những bộ phim: Swinging Along (1962), Ballad in Blue (1966), The Cincinnati (1965) và In the heat of the night (1967). Sau khi rời khỏi ABC Paramouth ông làm việc cho nhiều hãng ghi âm và hãng phim nổi tiếng như RCA record, Columbia... Năm 1985, ông thực hiện ghi âm cho kiệt tác “We are the world”. Năm 1993, ông ghi âm cho My World của Eric Clapton và hợp tác với hàng loạt những tên tuổi khác như Billy Preston, Mavis Staples và June Porter.
Với những tác phẩm xuất sắc của mình, người đời chọn cho ông một cái tên dễ nhớ, “Thiên tài”. Bởi chỉ có cái cái tên đó mới lột tả hết sức mạnh trong ông. Bởi lẽ ông là hiện thân của âm nhạc, hiện thân của tinh thần “dám là mình” mà không sợ những tinh thần xung quanh lấn át và trên hết ông biết cách đem tinh thần đó đến cho con người bằng tài năng âm nhạc bẩm sinh.
Kỳ diệu hơn, tuy ánh sáng mặt trời chưa bao giờ tỏa sáng trên con ngươi nhưng ông lại gần như là ánh sáng của biết bao người có đôi mắt lành lặn khác. Ông đem đến cho họ thứ âm nhạc qua cách cảm nhận của một người mù, đem đến cho họ một thế giới lung linh muôn ngàn màu mà nào ai cũng có thể nhìn thấu được.
Trong thế giới ngồn ngộn một màu đen của thứ ánh sáng sinh học, Ray Charles cảm nhận màu sắc bên ngoài bằng 10 đầu ngón tay lướt trên phím dương cầm, hít thở hương vị thanh xuân bằng đôi tai mở rộng và cảm nhận những tiếng cười trong trẻo, những gương mặt thân quen bằng hai bán cầu não làm việc hết mình. Ray đã từng nói “Âm nhạc là một phần không thể thiếu của cuộc đời tôi, giống như dòng máu chảy trong huyết quản, như đồ ăn, thức uống hàng ngày”.
Thế nhưng vào ngày 10/6/2004 ông đã qua đời ở tuổi 73, vì chứng đau gan. 73 tuổi, giành được 12 tượng vàng Oscar và vô số những giải thưởng thành tựu khác và có lẽ nó cũng đủ để Ray Charles hài lòng với những gì mình đã đạt được. Tuy đã qua đời nhưng ông vẫn luôn là nguồn cảm hứng cho những nghệ sĩ bị khiếm thị muốn đi theo con đường của ông. Âm nhạc của ông cũng ảnh hưởng không ít đến nhiều thế hệ ca sĩ, từ The Beatles cho đến Stevie Wonder, từ Loretta Lynn cho đến Joe Cocker….
Âm nhạc của ông vẫn luôn nhận được sự trân trọng của người nghe mọi giới, mọi màu da, tên tuổi ông được xem như tài sản quốc gia. Những “I can’t stop loving you”, “I gotta woman”, “Busted”, “Crying time”, “Living For the City”, “You are my sunshine”, “What’d I say”… đến nay vẫn sống và vẫn là những cột mốc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp âm nhạc của ông.
Năm 2010, người ta đã xây dựng một bảo tàng tôn vinh Ray Charles, đúng dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của ông. Bảo tàng gồm bảy phòng trưng bày trong một tòa nhà văn phòng được xây dựng gần Harvard Heights, tràn ngập âm nhạc, băng video và các kỷ vật của nghệ sỹ khiếm thị này. Ban đầu, bảo tàng chỉ mở cửa đón các nhóm học sinh. Đến năm 2011, công chúng nói chung mới được phép vào tham quan bảo tàng.