Những bài thơ để lại
|
Tập thơ Trọng Tuyển |
Ngày 19/10/1962 Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam có dịp ra Hà Nội và được gặp Bác Hồ. Nhận món quà mà đoàn mang ra tặng, Bác Hồ đã lặng đi xúc động hồi lâu. Món quà đó là tập thơ của đồng chí Trọng Tuyển - Bí thư Tỉnh ủy Gia Định sáng tác trong nhà tù của giặc từ năm 1955-1956.
Tập thơ gồm 38 bài, chia ba phần: Ngày mai ca hát (17 bài); Lửa thử vàng (12 bài); Nụ cười (9 bài) thể hiện khí phách của người cộng sản kiên cường. Bao năm tháng đã trôi qua, nét chữ trong tập thơ đã có chỗ nhòe nhưng ý tứ của những bài thơ vẫn như vang vọng: “Nhiều phen lửa đã thử vàng/Vàng càng thử lửa tuổi vàng càng cao/Mỗi lần ta gặp gian lao/Tinh thần tranh đấu càng cao tuyệt vời/ Sức ta lấp biển xoay trời/Làm cho quân giặc tơi bời đảo điên…”.
Trong một trận càn bất ngờ, trước khi anh dũng hy sinh, đồng chí Trọng Tuyển đã nhanh trí chôn giấu tất cả tài liệu bí mật, trong đó có tập thơ của mình, để không bị rơi vào tay giặc. Trong buổi gặp Bác Hồ của Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, nhà thơ Thanh Hải đã kể cho Bác biết khi còn sống, đồng chí Trọng Tuyển chỉ có ước mơ duy nhất là được tận tay dâng Bác tập thơ này.
Cầm tập thơ trên tay, biết về tấm gương hy sinh anh dũng của tác giả, Bác đã lặng đi vì xúc động hồi lâu rồi đặt tay lên ngực mình rồi nói: “Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có câu này: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”. Tháng 5 vừa qua nhân dịp kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2017), Tập thơ Trọng Tuyển là một trong 79 hiện vật tặng phẩm tượng trưng cho 79 mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu tại triển lãm “Tặng phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Những câu chuyện chưa kể”.
Rất nhiều khách tham quan đã dừng lại hồi lâu bên tập thơ, lắng nghe người hướng dẫn viên kể câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của người chiến sĩ cách mạng, để thấy lòng mình trĩu nặng sự biết ơn trân trọng…
Cách đây không lâu nhà văn - nhà báo Trần Mai Hạnh đã có một bài viết kể về hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Gửi em” mà nhà báo, nhà thơ, liệt sĩ Nguyễn Trọng Định gửi lại với đời ngay trước khi ngã xuống trên chiến trường. “Đừng hỏi anh từ đây đến em/Qua mấy bến phà/Sông Lam hay sông Mã/Đừng hỏi anh từ đây đến em/Qua bao vùng bom nổ/Hà Tĩnh, Nghệ An/Bởi có gì đâu hỡi em yêu/Chuyến phà anh sang là chuyến phà đêm ấy/Chúng mình về quê ngoại/Có một giọng hò lảnh lót ngang sông/Bởi nằm dưới chùm pháo sáng cuồng điên/Anh vẫn nhớ vầng trăng công viên tháng bẩy/Trên vai em/Ánh trăng xanh như một tầu lá chuối/Sau dịu ngọt cơn mưa/Bởi không gian chẳng làm xa cách tình yêu/Bởi anh vẫn chuyện trò với em/Những lúc đạn bom/Những khi vắng vẻ/Bởi nếu mặt trời kia chưa vỡ ra từng mảnh/Thì làm sao anh có thể xa em”.
Theo lời kể của nhà văn Trần Mai Hạnh, liệt sĩ Nguyễn Trọng Định là một trong những nhà báo tại mặt trận Quảng Đà năm 1967. Như linh cảm thấy sự hy sinh của mình, liệt sĩ Nguyễn Trọng Định trong lần chia tay cuối cùng đã đọc cho nhà văn Trần Mai Hạnh chép lại bài thơ Gửi em với lời dặn dò “Nếu tao hy sinh, mày còn sống thì tìm gặp chuyển cho Kim bài thơ này. Coi như đấy là những dòng cuối cùng tao gửi lại với đời, gửi lại cho cô ấy. Cô ấy phải là người đầu tiên đọc bài thơ này”.
Liệt sĩ Nguyễn Trọng Định hy sinh, lúc mờ sáng ngày 26/8/1968, khi một trái pháo nổ gần, mảnh đạn sắc nhọn đâm thủng ba lô xuyên thẳng vào tim. Máu từ tim anh chảy theo đường đạn ướt sũng cả một ba lô. “Sáng nghe tin Định hy sinh, tôi tất tả lội sông La Thọ qua tìm thăm mộ Định vừa được mai táng vội vàng ở Xóm Bà Dưa và nhận những kỷ vật của Định do các anh Tuyên huấn Quận ủy bàn giao. Mảnh giấy ghi vắn tắt: 1 ba lô, 1 bộ quân phục, 1 áo khoác, 1 đài bán dẫn Trung Quốc, 1 sổ tay phóng viên, 1 bức ảnh.
Gia tài Định để lại chỉ có thế. Đáng kể nhất là bức ảnh. Đó là tấm ảnh khổ 9x12 cm chụp hình Định và người yêu là Kim, nữ phóng viên báo Nhân Dân âu yếm ngả đầu vào nhau. Đó chính là bức ảnh mới chiều hôm trước qua thăm, Định đã rút trong túi áo ngực trái ra khoe với tôi. Bức ảnh bị thủng một chỗ ở nơi ngực trái của Định, vết máu loang ở đó. Tôi bồi hồi lần giở cuốn sổ phóng viên chiến trường cùng những trang bản thảo dở dang thấm đẫm máu Định. Không thấy bản thảo bài thơ “Gửi em”, chắc nó nằm trong số các trang Định viết bút mực bị nhòa nhoẹt vì đẫm máu, không đọc được…” - nhà báo Trần Mai Hạnh viết.
25 năm sau ngày liệt sĩ Nguyễn Trọng Định hy sinh, năm 1993, tập thơ đầu tiên “Sắc cầu vồng” của liệt sĩ mới ra mắt bạn đọc. Trong lời nói đầu tập thơ “Sắc cầu vồng”, nhà thơ Lữ Huy Nguyên, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học khi đó cám ơn gia đình, bạn bè đã gửi tới nhà xuất bản những trang bản thảo của Định mà mỗi người với những cơ duyên khác nhau còn lưu giữ được. Ông đặc biệt trân trọng “…những trang bản thảo cuối cùng của Nguyễn Trọng Định nằm trong chiếc ba lô đẫm máu đã được nhà văn Trần Mai Hạnh (cùng là bạn học dưới Định một lớp) cùng nhóm phóng viên chiến trường lúc ấy mang ra, giao tận tay gia đình…”.
Câu chuyện của những bức tranh thêu
|
Bức tranh “Uyên ương thêu dở” của bà Nguyễn Thị Lựu |
Trong số 31.000 hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ bức tranh “Uyên ương thêu dở” của bà Nguyễn Thị Lựu hiện là một trong những hiện vật khá đặc biệt. Theo tài liệu tại Bảo tàng ghi lại, bà Nguyễn Thị Lựu sinh năm 1909 (tên thường gọi là dì Tám Lựu) quê ở tỉnh Đồng Tháp, tham gia cách mạng từ 1927. Bà từng được tín nhiệm giữ nhiều trọng trách: Thường vụ Tổng Công hội Đỏ Xứ ủy Nam Kỳ khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn; Bí thư Ban Phụ vận kiêm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Sài Gòn - Chợ Lớn; Phó Chủ tịch Phong trào bảo vệ hoà bình TP. Sài Gòn - Chợ Lớn; Bí thư Ban Trí vận; Ủy viên Ủy ban Mặt trận Xứ ủy Nam Kỳ; Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Ủy viên Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam; Phó Tổng thư ký kiêm Vụ trưởng Vụ Quốc tế Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đại biểu Quốc hội các khóa II – III – IV. Sau ngày đất nước thống nhất, bà Nguyễn Thị Lựu tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Quốc hội - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cho đến ngày nghỉ hưu vào tháng 7/1979. Bà là một trong những thành viên sáng lập Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ… Bà được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương Kháng chiến hạng nhất; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Bức tranh “Uyên ương thêu dở” là chiếc áo gối bà thêu cho ngày thành hôn của mình, là minh chứng cho một tình yêu son sắt với người yêu là một chiến sĩ Cách mạng, gắn liền với tình yêu đất nước quê hương trong thời chiến. Thế nhưng, khi bức tranh thêu chưa hoàn thành, khi chuyện tình chưa đơm hoa kết trái thì người con gái tên Lựu nhận được hung tin người chồng hứa hôn vì vượt ngục Côn Đảo không thành mà bị bắn chết. Cũng kể từ đó, bà ở vậy và không lập gia đình. Bức tranh “Uyên ương thêu dở” được xem là tài sản quý báu nhất bà mang theo suốt cuộc đời. Nỗi đau, niềm nhớ thương đã phải chôn chặt trong tim, cho đến lúc bà đi vào cõi vĩnh hằng. Sau này, những người bạn thân thiết của bà tìm thấy bức tranh và nó trở thành hiện vật kháng chiến được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
Là Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ những năm 1985 -2001 bà Cao Ngọc Quế - người phụ nữ từng trải qua hàng chục năm trong các nhà tù Pháp, Mỹ cũng có câu chuyện của riêng mình. Sinh năm 1927 tại Tiền Giang, quê nội và ngoại đều có truyền thống cách mạng nên bà Cao Ngọc Quế đã sớm giác ngộ cách mạng từ năm 1945. Ban đầu bà tham gia công tác phụ nữ. Trong quá trình hoạt động bà bị địch bắt ba lần. Năm 1952-1954, bà bị địch bắt, lúc đó bà là thư ký của Ban chấp hành phụ nữ tỉnh Tiền Giang. Mặc dù không có chứng cứ nhưng bà vẫn bị địch giam ở tổng nha Thủ Đức, nhà lao Gia Định…
Năm 1962 bà bị bắt lần 2, địch đưa bà về an ninh quân đội, sau đó chúng đưa bà lên Thủ Đức, hoàn thành hồ sơ không kết án, đưa lên đề lao Gia Định, Phú Lợi rồi lại trở về Thủ Đức. Năm 1964 bà được trả tự do thì đến năm 1968 bà lại bị bắt do chiêu hồi. Trong quá trình từ 1968 đến 1974, bà bị đày ra Côn Đảo hai lần. Bà bị chúng giam cầm trong chuồng cọp, nơi mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Ba lần bị địch bắt, mười năm trong nhà tù, bà phải chịu những đòn tra tấn dã man.
Trong những kỷ vật gắn liền với cuộc đời hoạt động của mình, bà Cao Ngọc Quế luôn nâng niu một bức thêu có đề tên con gái Ngọc Hạnh. “Tôi thêu bức này năm 1971, trong thời gian ở nhà lao Tân Hiệp, lúc đó con gái tôi đã 14 tuổi. Một thời gian sau khi tôi bị tù tội liên miên, chồng tôi đã chung sống với một người phụ nữ khác, người đó tuy có yêu thương và chăm sóc con gái tôi nhưng nghĩ đến nó tôi vẫn thấy thương nhớ vô cùng. Tôi thêu bức này và gửi về cho con làm kỷ niệm, cháu không dùng và giữ đến tận bây giờ”, bà nhớ lại.
Câu chuyện về hai bức tranh thêu của hai người phụ nữ như đại diện cho câu chuyện của hàng vạn người phụ nữ Việt Nam khác trên đất nước này đã đi qua chiến tranh. Trong sự dữ dội của cuộc chiến, họ vẫn giữ vững một niềm tin để mơ đến ngày đất nước hòa bình, ngày phá tan gông xiềng trở về sum họp gia đình và ngày lứa đôi cách trở được nên duyên vợ chồng…