Tại Lễ đón nhận, ông Dương Duy Lâm Viên, Giám đốc điều hành Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, đã công bố quyết định xác lập kỷ lục đối với rừng tràm Trà Sư.
Với hệ sinh thái rừng đặc dụng, là khu rừng bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước tại đồng bằng sông Cửu Long, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm, rừng tràm Trà Sư đã được công nhận là “Rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất ở Việt Nam để du lịch vào mùa nước nổi”.
Rừng Tràm Trà Sư có tác dụng rất quan trọng đối với môi trường nước và điều hòa khí hậu. Tính đa dạng của hệ sinh thái đất ngập nước tại đây được bảo vệ tốt với sự đa dạng về các loài động vật gồm: 70 loài chim, 22 loài bò sát, 11 loài thú, 23 loài thủy sản và 140 loài thực vật thuộc 52 họ và 102 chi…Trong đó có 2 loài có tên trong “Sách đỏ Việt Nam” là cò lạo Ấn Độ (Giang Sen) và cò cổ rắn (Điêng Điểng).
Nơi đây thu hút khách du lịch không chỉ bởi sự đa dạng về các loài động thực vật, mà còn bởi không khí trong lành, cảnh quan đẹp. Rừng tràm Trà Sư là một trong những địa điểm hấp dẫn nhất đối với khách trong nước và quốc tế khi đến An Giang vào mùa nước nổi.
Rừng tràm Trà Sư – Rừng tràm đẹp và nổi tiếng nhất ở Việt Nam để du lịch vào mùa nước nổi |
“Cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam” cũng là kỷ lục được xác lập với cây cầu tre xuyên rừng được xây dựng tại Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư. Cây cầu được đầu tư bởi Công ty Cổ phần Du lịch An Giang.
Dự kiến, cây cầu tre có tổng chiều dài trên 10km, kinh phí xây dựng hơn 10 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1, có chiều dài gần 4km, sử dụng trên 500.000 cây tre các loại, kinh phí xây dựng trên 5 tỷ đồng, đã được đưa vào sử dụng từ ngày 1-1-2020. Đối với giai đoạn 2, có chiều dài khoảng 6km, sẽ được nhà đầu tư tiếp tục triển khai và dự kiến hoàn thành vào dịp 30-4-2020.
2 kỷ lục được xác lập và công nhận đối với rừng tràm Trà Sư sẽ tạo thêm điểm du lịch hấp dẫn, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch An Giang, tạo thêm điểm nhấn phục vụ du khách đến với địa phương trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.