Sản xuất công nghiệp, thương mại của Tuyên Quang “vượt đích”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với lợi thế “vùng xanh”, sản xuất không bị gián đoạn bởi dịch bệnh COVID-19, do đó sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại năm 2021 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đã đề ra.
Sở Công thương Tuyên Quang
Sở Công thương Tuyên Quang

Chỉ tiêu sản xuất công nghiệp, thương mại vượt kế hoạch đề ra

Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước thực hiện năm 2021 tăng 16,8% so với thực hiện năm 2020, tăng 6,6% so với mục tiêu Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra năm 2021.

Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2021 ước đạt 159,7 triệu USD, tăng 34,2% so với thực hiện năm 2020, tăng 17,5% so với kế hoạch năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu bán buôn năm 2021 ước đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 8,8% so với thực hiện năm 2020, hoàn thành kế hoạch năm 2021.

Các mặt hàng xuất khẩu nhiều trong năm qua chủ yếu là linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may... Đây cũng là các lĩnh vực sản xuất đang có sự phục hồi nhanh chóng khi các thị trường nhập khẩu phục hồi.

Ngành dệt may Tuyên Quang có tín hiệu tích cực trong năm 2021

Ngành dệt may Tuyên Quang có tín hiệu tích cực trong năm 2021

Năm vừa qua, Sở Công thương cũng tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Cụm công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế, huyện Sơn Dương, đồng thời chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp. Phối hợp với các ngành triển khai thi công xây dựng công trình đường dây và trạm biến áp cấp điện cho các xã Xuân Quang, Trung Hà, huyện Chiêm Hóa; xã Kiến Thiết, Tiến Bộ, Đạo Viện huyện Yên Sơn; xã Yên Phú, Yên Thuận huyện Hàm Yên và xã Sơn Phú huyện Na Hang.

Tổ chức phát động “Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang” năm 2021 và các hoạt động hưởng ứng. Tham gia ký kết chương trình phối hợp giữa Sở Công Thương với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Hoàng Anh Cương – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Công Thương đã chỉ đạo các trung tâm thương mại, siêu thị và các doanh nghiệp hoạt động thương mại chủ động, tích cực trong thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường, cung - cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên thị trường được giữ ổn định. Tại các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, lượng trao đổi, mua bán được duy trì, nguồn hàng cung ứng ra thị trường được đảm bảo nên không có sự biến động lớn về giá cả.

Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch, Sở đã phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ, công nhân, lao động các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại, tránh tình trạng đứt gãy trong sản xuất và cung ứng, lưu thông hàng hoá thiết yếu do tác động bởi dịch COVID-19.

Phấn đấu năm 2022 doanh thu dịch vụ tiêu dùng, bán buôn năm đạt 28.500 tỷ đồng

Trong năm 2022, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,6% so với ước thực hiện năm 2021. Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2022 đạt 140 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu bán buôn năm 2022 đạt 28.500 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm 2021.

Năm 2022 Tuyên Quang phấn đấu doanh thu dịch vụ tiêu dùng, bán buôn năm đạt 28.500 tỷ đồngNăm 2022 Tuyên Quang phấn đấu doanh thu dịch vụ tiêu dùng, bán buôn năm đạt 28.500 tỷ đồng

Sở Công thương cũng chú trọng thực hiện các nhiệm vụ được giao trong công tác xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phối hợp đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án thuỷ điện: Thuỷ điện Sông Lô 8B; Thuỷ điện Sông Lô 7. Đôn đốc chủ đầu tư Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Tuyên Quang có phương án đẩy nhanh tiến độ mời chuyên gia tư vấn xây dựng dự án....

Đồng thời, xây dựng phương án đảm bảo sản xuất, lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh. Kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm xuất khẩu với đối tác có nhu cầu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là trong lúc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới.

Ông Hoàng Anh Cương cho biết thêm: “Năm 2022, sở tiếp tục chủ động phối hợp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo dõi, đôn đốc các cơ sở sản xuất công nghiệp đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu đạt sản lượng và giá trị sản xuất công nghiệp theo kế hoạch. Tiếp tục tham mưu thành lập các cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch, mời gọi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đối với công tác quản lý nhà nước về thương mại, Sở Công thương tập trung tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA, UKVFTA và Hiệp định CPTPP trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch phát triển thương mại miền núi; Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 – 2025...

Bên cạnh đó, đề ra một số giải pháp thu hút đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại thành phố Tuyên Quang và trung tâm các huyện. Phối hợp thực hiện phát triển, nâng cấp các chợ nông thôn, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại các nơi có điều kiện. Triển khai lựa chọn và hỗ trợ điểm bán hàng OCOP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, phối hợp tham mưu tổ chức hội chợ hàng OCOP trên địa bàn tỉnh. Phối hợp tham mưu thu hút đầu tư và xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm và Trung tâm Logistics của tỉnh.

Đọc thêm