Sắp diễn ra Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023

(PLVN) - Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 sẽ diễn ra trong 5 ngày từ 28/10 đến 01/11 năm 2023, là một sự kiện lớn mang tầm quốc tế, quy tụ hàng trăm doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước và quốc tế, cùng sự tham gia của nhiều chủ thể hệ sinh thái… Dự kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự sự kiện.
Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Hồng Quang)

Ngày 15/08, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Họp báo công bố Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023) và Lễ Khánh thành Cơ sở hoạt động mới của Trung tâm ĐMST Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Chương trình do Bộ KH&ĐT chủ trì, giao Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) là đầu mối, phối hợp với các Bộ, ban, ngành và các đối tác thực hiện.

Thông tin tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, VIIE 2023 sẽ diễn ra trong 5 ngày từ 28/10 đến 01/11 năm 2023, là một sự kiện lớn mang tầm quốc tế, quy tụ hàng trăm doanh nghiệp (DN) công nghệ hàng đầu trong nước và quốc tế, cùng sự tham gia của nhiều chủ thể hệ sinh thái: các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu - trường đại học, mạng lưới chuyên gia - trí thức, quỹ đầu tư, các tổ chức tư vấn, hỗ trợ ĐMST.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông chủ trì họp báo.

Dự kiến sẽ có hơn 40 nghìn lượt người tham gia trực tiếp các hoạt động của Triển lãm, trong đó có hơn 2.000 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương; các tập đoàn, DN công nghệ lớn; các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức hỗ trợ ĐMST trong và ngoài nước.

Trong 5 ngày diễn ra Triển lãm sẽ có các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới trong 8 lĩnh vực trọng tâm của NIC, gồm: Nhà máy thông minh, Đô thị thông minh, Truyền thông số, Công nghệ môi trường, An ninh mạng, Công nghiệp bán dẫn, Hydrogen và Y tế. Đồng thời, bên lề Triển lãm sẽ diễn ra nhiều hoạt động như các hội thảo quốc tế về ngành công nghiệp bán dẫn, năng lượng hydrogen, công nghiệp game; Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (VVS); Ngày hội STEAM; Chương trình Better Choice;...

“VIIE 2023 là nơi kết nối, trao đổi và mở rộng các cơ hội hợp tác, nghiên cứu, đầu tư. Với mục tiêu tạo ra một không gian giao lưu, chia sẻ những ý tưởng, sản phẩm ĐMST hàng đầu, vinh danh những sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao thông qua việc giới thiệu, trưng bày và trải nghiệm sản phẩm, Triển lãm sẽ tạo sự tương tác và kết nối giữa các chuyên gia, DN và cộng đồng, khơi nguồn cảm hứng và khám phá năng lực đổi mới, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác mới…” - Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết thêm, triển lãm cũng là cơ hội để các DN trình diễn, lan tỏa các giá trị sản phẩm và dịch vụ ĐMST của mình tới các nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng thông qua các hoạt động truyền thông có khả năng tiếp cận hàng chục triệu người dùng Việt Nam. Đây là một nền tảng quan trọng để xúc tiến hợp tác và tạo ra cơ hội đầu tư, kinh doanh không giới hạn trong nhiều lĩnh vực công nghệ của Việt Nam.

Khách mời tham dự sự kiện

Cùng với sự kiện VIIE 2023, Cơ sở hoạt động của Trung tâm ĐMST Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ chính thức khánh thành đi vào hoạt động sau hơn 2 năm triển khai xây dựng và vượt qua rất nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19.

Công trình Trung tâm ĐMST Quốc gia tại Hoà Lạc là không gian dành cho ĐMST lớn nhất Việt Nam với nhiều cơ chế ưu đãi đặc thù nhằm thu hút các tập đoàn DN công nghệ lớn, các tổ chức hỗ trợ, ươm tạo uy tín thế giới, các chuyên gia trí thức trong và ngoài nước.

Với tổng diện tích sàn làm việc gần 20.000 m2, gồm 02 khối nhà làm việc và 01 khối nhà trung tâm hội nghị quốc tế, NIC Hòa Lạc là môi trường thúc đẩy ĐMST và phát huy hiệu quả vai trò của một trung tâm đi đầu, là một mắt xích quan trọng trong hệ thống các trung tâm ĐMST nhằm hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khảo sát Dự án xây dựng Trung tâm ĐMST Quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc sáng ngày 03/08.

Cơ sở Hoà Lạc của NIC được xây dựng với quy mô hiện đại và trang thiết bị tiên tiến, có các không gian làm việc, nghiên cứu và phát triển và không gian kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động ĐMST, hội thảo, diễn đàn và sự giao lưu kết nối giữa các DN, nhà nghiên cứu và chuyên gia trong và ngoài nước, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ...

Đây sẽ trở thành một trung tâm hội tụ tài năng, phát huy tối đa thế mạnh của cộng đồng ĐMST và chắp cánh các dự án sáng tạo tiềm năng; thể hiện quyết tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong việc hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái, đưa Việt Nam trở thành điểm đến của ĐMST trong khu vực và thế giới.

Ban Tổ chức Chương trình gồm đại diện 42 đơn vị là các cơ quan Bộ ngành, địa phương, viện - trường, DN, tập đoàn công nghệ,... như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn SK, Thaco, VCCorp,...

Phối cảnh Trung tâm ĐMST Quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Đọc thêm