Sát cánh cùng hộ nghèo vượt khó trong đại dịch

(PLVN) - Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố luôn sát cánh với người nghèo, đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Khách hàng đến giao dịch tại Phòng giao dịch NHCSXH TP Vũng Tàu
(Bà Rịa - Vũng Tàu)
Khách hàng đến giao dịch tại Phòng giao dịch NHCSXH TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Theo đó, NHCSXH các địa phương đã có những giải pháp cụ thể, thiết thực hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do dịch bệnh như: Gia hạn nợ, giãn nợ đồng thời tiếp tục giải quyết vốn vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, NHCSXH tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp như: Gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để khôi phục sản xuất. Công tác này được NHCSXH tỉnh chỉ đạo các chi nhánh nắm bắt tình hình dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại từng khách hàng vay vốn để thực hiện các biện pháp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, đơn vị đã chủ động sắp xếp và phân chia thời gian phục vụ khách hàng đến giao dịch với NHCSXH tại các điểm giao dịch. Tính đến hết quý I/2020, với những món vay đến hạn trả nợ trong tháng 4/2020, chi nhánh thông báo cho khách hàng kéo dài thời gian trả nợ sang tháng 5 nhằm giảm bớt khó khăn và góp phần hạn chế đi lại trong thời điểm đang diễn ra dịch bệnh với số tiền 9.694 triệu đồng/293 hộ.

Tại Quảng Ninh, tính đến nay, NHCSXH tỉnh đã thực hiện điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ cho 2.178 khách hàng có khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số tiền gia hạn nợ là 87,1 tỷ đồng. Trong đó, NHCSXH tỉnh Quảng Ninh thực hiện điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ cho 1.263 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với số tiền 48,5 tỷ đồng. Việc điều chỉnh này giúp các hộ dân có thêm thời gian để tập trung nguồn lực, duy trì ổn định sản xuất kinh doanh (SXKD).

Để hỗ trợ khách hàng có nhu cầu vay vốn mới, đảm bảo đưa vốn kịp thời đến người dân, cán bộ NHCSXH tỉnh trực tiếp tiếp nhận hồ sơ ngay tại các thôn, bản, khu phố, hướng dẫn người dân kê khai hồ sơ, nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để giải ngân kịp thời.

Tại Gia Lai, NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo 17 phòng giao dịch trên địa bàn thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác rà soát, cập nhật các trường hợp vay vốn ngân hàng bị rủi ro vì dịch bệnh. Trên cơ sở đó, Chi nhánh sẽ có các giải pháp hỗ trợ khách hàng kịp thời theo quy định.

Ví dụ, với các trường hợp vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chưa trả được nợ gốc đến hạn theo phân kỳ hoặc đến hạn kỳ cuối, chi nhánh sẽ xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ hoặc cho vay bổ sung để giúp khách hàng khôi phục SXKD. Đối với khách hàng vay vốn bị rủi ro vì dịch bệnh mà có đủ điều kiện xử lý rủi ro theo Quyết định số 15/QĐ-HĐQT, chi nhánh sẽ lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền đề nghị xử lý rủi ro theo quy định. Đối với các trường hợp khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ đến hạn nhưng chưa có cơ chế xử lý, hỗ trợ, chi nhánh sẽ báo cáo UBND tỉnh và Hội sở chính để tổng hợp, xem xét.

Tại Bình Phước, trong quý I/2020, NHCSXH tỉnh đã linh hoạt, chủ động giải ngân cho 5.521 lượt khách hàng với doanh số cho vay đạt 170 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 2.300 tỷ đồng, tăng 43,382 tỷ đồng so với đầu năm; tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,14% tổng dư nợ; nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương tăng 14,7 tỷ đồng.

Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Bình Phước Trương Thị Hằng Nga cho biết, với khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chưa trả được nợ gốc đến hạn, NHCSXH sẽ gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để giúp khách hàng khôi phục SXKD. Xử lý nợ rủi ro đối với khách hàng vay vốn, chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định, nếu đủ điều kiện xử lý nợ bị rủi ro. Điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ cho khách hàng đang điều trị bệnh hoặc cách ly y tế mà không giao dịch được với NHCSXH và chưa trả nợ gốc đến hạn.

Tại Bình Dương, do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới việc SXKD của người dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Bình Dương tiếp tục đề xuất UBND tỉnh ủy thác vốn bổ sung đợt II năm 2020 khoảng 300 tỷ đồng để cho vay khôi phục SXKD đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động bị mất việc và việc làm chưa ổn định nhằm khắc phục thiệt hại do dịch bệnh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.

Đọc thêm