Tài sản công bỏ phí sau sáp nhập!
Về huyện miền núi Tây Trà (cũ), chúng tôi không khó để bắt gặp hình ảnh các trụ sở các cơ quan đang đóng cửa, niêm phong để chờ di chuyển trang thiết bị, tài liệu. Hội trường cũ của UBND huyện, một số thiết bị điện tử, máy lạnh đã được tháo gỡ để chuẩn bị di chuyển về trung tâm huyện Trà Bồng. Còn số lượng lớn bàn ghế vẫn còn ngổn ngang…
Còn bên trong các phòng làm việc của Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng hay Phòng Kinh tế hạ tầng, nhiều thiết bị, máy móc và tài liệu bị chất đống hoặc bày lộn xộn chờ phân loại, di chuyển.
Tương tự, tại trụ sở của Huyện ủy Tây Trà cũ hay nơi làm việc của Phòng Giáo dục…, nhiều tài sản như bàn ghế họp, hệ thống điện lạnh, thiết bị hiện… vẫn đang niêm phong để chờ di chuyển, xử lý.
Đáng nói, do không được sử dụng nên một số thiết bị đã có dấu hiệu bị ẩm mốc, đứt gãy…
Theo lãnh đạo địa phương, thực hiện Nghị quyết số 867 ngày 10/1/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi, toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Tây Trà nhập vào huyện Trà Bồng.
Sau khi hợp nhất, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi có diện tích tự nhiên trên 760km2 và quy mô dân số hơn 53.000 người. Ngoài ra, còn thành lập mới xã Sơn Trà trên cơ sở sáp nhập xã Trà Quân và xã Trà Khê; xã Hương Trà trên cơ sở sáp nhập toàn bộ xã Trà Nham và xã Trà Lãnh; xã Trà Tây trên cơ sở sáp nhập xã Trà Trung và Trà Thọ. Như vậy, huyện Trà Bồng sẽ có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 xã và một thị trấn.
Từ ngày 1/4, cán bộ, công chức và người lao động huyện Tây Trà cũ đã chuyển về trung tâm hành chính huyện Trà Bồng tiếp tục công tác. Sau khi sắp xếp các nhân sự các đơn vị, phòng ban chuyên môn, huyện Trà Bồng tiếp tục sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công tại huyện Tây Trà cũ. Tuy nhiên, trụ sở làm việc cũ hiện vẫn bỏ không từ hai tháng nay để chờ hướng giải quyết.
Tuy đã chuyển về trụ sở hành chính huyện Trà Bồng để làm việc từ hơn một tháng nay, chị H. (văn phòng Huyện ủy) vẫn trở lại phòng làm việc cũ để phân loại, sắp xếp tài liệu lưu trữ. Chị H. cho biết, hiện vẫn còn nhiều phòng ban tiếp tục chuyển tài sản của đơn vị về nơi làm việc mới sau khi sáp nhập. Tài sản, thiết bị của cơ quan trang bị cho các cán bộ, công chức thì chuyển rồi. Nhưng còn nhiều tài sản chung của phòng, đơn vị vẫn còn để đây. Do nơi làm việc mới thiếu chỗ nên không thể chuyển về ngay được.
Nếu không nhanh chóng có phương án sử dụng, khai thác thì nhiều tài sản, thiết bị sẽ bị xuống cấp, hư hỏng |
Nan giải phương án xử lý
Theo tìm hiểu của phóng viên thì tài sản công của huyện Tây Trà được bàn giao cho huyện Trà Bồng quản lý; gồm hàng chục khu nhà công vụ (tổng diện tích đất sử dụng hơn 589.000m2, tổng giá trị nguyên giá hơn 516 tỷ đồng; 12 ô tô và máy móc, trang thiết bị nguyên giá hơn 72 tỷ đồng…).
Ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng thừa nhận: “Đúng là hiện nay có nhiều trụ sở ở huyện Tây Trà cũ đang bị bỏ không, trong khi đó ở huyện Trà Bồng lại đông đúc, khó khăn trong bố trí phòng làm việc cho cán bộ”.
Trước phản ánh của nhân dân và dư luận về việc lãng phí cơ sở vật chất, ông Sương cho biết, huyện Trà Bồng đang xây dựng phương án để trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý đất và trụ sở, nhà làm việc trên đất.
Theo dự kiến, trụ sở UBND huyện cũ bố trí nơi làm việc của tổ công tác giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân các xã khu Tây Trà Bồng. Đồng thời, các phòng, ban, đơn vị đặc thù, phục vụ trực tiếp địa bàn, bà con như trung tâm truyền thông - văn hóa thông tin, phòng giáo dục, phòng y tế… đang ở các trụ sở riêng sẽ tập trung vào trụ sở UBND huyện để khai thác công năng của cơ sở, vật chất nơi đây.
Đối với các nhà làm việc, cơ quan cấp xã, huyện Tây Trà (cũ) dự kiến sẽ bố trí cho các xã, đơn vị khu Tây huyện Trà Bồng. Những tài sản công, đất công còn lại sẽ được quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật.
“Trụ sở, tài sản công gắn liền trên đất còn lại sau khi sáp nhập chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh để có biện pháp phù hợp, đúng quy định của pháp luật. Có thể sẽ chuyển giao khai thác hoặc nghiên cứu để tổ chức đấu giá cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu” - Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương khẳng định.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý giá và Tài sản công, Sở Tài chính Quảng Ngãi cho biết, sử dụng các trụ sở như thế nào để tránh lãng phí đang rất nan giải. Thực trạng hiện nay có nơi thừa, chỗ thiếu, vì vậy căn cứ nhu cầu sử dụng, hiện trạng tài sản để sắp xếp. Để hỗ trợ địa phương, cơ sở giải quyết khối tài sản công sau khi hợp nhất hành chính, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi phối hợp địa phương đánh giá tài sản, chất lượng công trình, xây dựng phương án sử dụng hợp lý, hiệu quả.
“Việc khó nhất vẫn là bất động sản phải có phương án hợp lý. Còn đối với trang thiết bị, nhà cửa, vật kiến trúc vẫn còn sử dụng được, nếu địa phương không có nhu cầu, có thể đề nghị chuyển cho một cơ quan, đơn vị nào đó trong hệ thống nhà nước thay vì bán thanh lý, sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách”, bà Phạm Thị Lan Anh thông tin.