2019, năm có doanh số cho vay lớn nhất
Bà Trần Lan Phương cho biết, năm 2019 hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2019, NHCSXH có doanh số cho vay lớn nhất từ trước tới nay, đạt 72.814 tỷ đồng, tăng trên 10.735 tỷ đồng so với năm 2018.
Nguồn vốn tín dụng chính sách trong năm đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới...
Đặc biệt, với các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, ngoài việc động viên, thăm hỏi kịp thời, NHCSXH đã chỉ đạo bổ sung nguồn vốn để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn khôi phục sản xuất, đồng thời rà soát, thống kê xử lý rủi ro với 66.825 món vay, số tiền là 923.378 triệu đồng của người vay vốn bị thiệt hại.
Để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH đã thực hiện nhiều giải pháp về công tác nguồn vốn, trong đó tăng cường huy động tiền gửi từ các tổ chức và cá nhân tại trụ sở NHCSXH cũng như huy động tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các chủ đầu tư trong và ngoài nước chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác…
Đặc biệt, NHCSXH đã tích cực thu hồi tốt nợ đến hạn của các chương trình để thực hiện cho vay quay vòng, với số tiền 54.071 tỷ đồng, tăng hơn 8.183 tỷ đồng so với năm 2018, bằng 74% doanh số cho vay.
Bên cạnh đó, cùng với việc đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH tiếp tục quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Đến 31/12/2019, nợ quá hạn và nợ khoanh là 1.435 tỷ đồng, chiếm 0,69% tổng dư nợ. Việc sử dụng vốn và hiệu quả sử dụng vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác được nâng cao.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội được chú trọng thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm giúp cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người nghèo và đối tượng chính sách hiểu rõ tín dụng chính sách xã hội, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Được vay 70 triệu chương trình hộ mới thoát nghèo, gia đình anh Rơ Châm Khái (dân tộc Ja Rai, ở thị trấn Yaly, huyện Chư Pah, Gia Lai) đã trồng 1ha cà phê, 2ha cao su, sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi. |
Chỉ thị 40-CT/TW đi vào cuộc sống một cách thiết thực
Năm 2020, NHCSXH bám sát chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch tăng trưởng tín dụng của NHCSXH năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao, chủ động khai thác, huy động các nguồn lực và tổ chức giải ngân vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của các đối tượng thụ hưởng, qua đây cũng góp phần hạn chế “tín dụng đen”; đảm bảo khả năng thanh toán, nâng cao hiệu quả hoạt động của NHCSXH.
Trong năm 2019, NHCSXH cũng đã có những thành công quan trọng trên các mặt hoạt động khác theo đúng Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong năm, NHCSXH đã tích cực tham mưu với các bộ, ban, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các tỉnh, TP lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự chỉ đạo của Đảng với tín dụng chính sách. Cấp ủy, chính quyền 63 tỉnh, TP đã tổ chức Hội nghị sơ kết năm năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đảm bảo đúng tiến độ, nội dung theo kế hoạch.
Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chuyển nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đến 31/12/2019, nguồn vốn này đạt 15.443 tỷ đồng, tăng 3.634 tỷ đồng so với cuối năm 2018.
“Nếu như 12 năm kể từ khi thành lập, nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH chưa đến 4.000 tỷ đồng, thì trong năm năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, nguồn vốn này tăng hơn 12.000 tỷ đồng, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn ưu đãi của người nghèo và các đối tượng chính sách tại địa phương”, bà Trần Lan Phương cho biết.
Kết quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong thời gian qua thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác, đã ưu tiên việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Gắn tín dụng chính sách với các chương trình mục tiêu quốc gia
Trong năm 2020, NHCSXH tập trung thực hiện tốt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó trọng tâm là chủ động tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ban, ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo NHCSXH và các bộ, ngành có liên quan tổ chức tổng kết Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt; xây dựng Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“NHCSXH cũng đặt nhiệm vụ thực hiện tốt kế hoạch tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, tập trung ưu tiên cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có thiệt hại về thiên tai…Vốn tín dụng chính sách gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới”, bà Trần Lan Phương nói.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng, bên cạnh việc đẩy mạnh các giải pháp về huy động vốn, NHCSXH chủ động tham mưu, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách mới phù hợp và đảm bảo đúng quy định. Trong đó, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trọng tâm là đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguồn vốn tín dụng chính sách trong năm đã giúp cho gần 2,2 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; hơn 266 nghìn lao động có việc làm; hơn 36 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; trên 1,2 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 20 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đến hết năm 2019 tổng dư nợ của NHCSXH đạt 206.805 tỷ đồng, tăng gần 19.013 tỷ đồng so với 31/12/2018, với trên 6,5 triệu hộ đang có dư nợ.