Siết hoạt động san gạt, cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 15/4 UBND huyện Di Linh, Lâm Đồng đã có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường đối với hoạt động san gạt, cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý việc san gạt, cải tạo mặt bằng.
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý việc san gạt, cải tạo mặt bằng.

Theo đó, thực hiện văn bản số 2406/UBND-ĐC ngày 12/4/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường đối với hoạt động san gạt, cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. UBND huyện Di Linh đã có những chỉ đạo cụ thể để triển khai công tác này.

Cụ thể, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã, thị trấn Di Linh tiếp tục thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường khi san gạt, cải tạo mặt bằng trong sản xuất nông nghiệp đến các thôn, tổ dân phố. Vận động tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bảo vệ cảnh quan môi trường, sinh thái trong san gạt, cải tạo mặt bằng; không lợi dụng việc san gạt, cải tạo mặt bằng để khai thác đất làm vật liệu san lấp, khai thác khoáng sản trái phép.

Các hành vi hủy hoại đất; gây ô nhiễm môi trường trong san gạt, cải tạo mặt bằng; lợi dụng việc san gạt, cải tạo mặt bằng để khai thác đất làm vật liệu san lấp, khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển đất ra khỏi khu vực san gạt khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi có nhu cầu san gạt, cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp trong phạm vi đất sử dụng hợp pháp của mình thì phải lập cam kết thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc san gạt, cải tạo mặt bằng.

Phải có những cam kết cụ thể về vị trí, diện tích, khối lượng, mục đích việc san gạt, cải tạo mặt bằng, việc xử lý khối lượng đất dôi dư. Cam kết thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình san gạt, cải tạo mặt bằng: thu gom, xử lý thảm thực bì; giải pháp giảm thiểu khói, bụi, tiếng ồn từ quá trình san gạt, đào đắp đất, vận chuyển đất dôi dư.

Không lấp, nắn dòng chảy của các sông, suối, ao, hồ, mương nước; đào mương thoát nước mưa chảy tràn để hạn chế nước cuốn trôi đất, đá bùn ra khu vực xung quanh gây ô nhiễm môi trường, tuân thủ các quy định khác có liên quan để không gây ra sạt lở đất, không làm phá vỡ cảnh quan môi trường.

Mục đích sử dụng đất của khu đất trước khi san gạt, cải tạo mặt bằng và sau khi san gạt, cải tạo mặt bằng phải là đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm hoặc đất nông nghiệp khác.

Thời gian san gạt, cải tạo mặt bằng tùy thuộc vào quy mô về diện tích, khối lượng thực tế cần san gạt, nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được đơn vị chức năng xác định ranh giới khu vực san gạt, cải tạo mặt bằng tại thực địa.

Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn Di Linh chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu xác nhận các giải pháp bảo vệ môi trường trong san gạt, cải tạo mặt bằng trong sản xuất nông nghiệp hoặc để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân san gạt, cải tạo mặt bằng không đúng yêu cầu.

Trước đó tại xã Gung Ré và thị trấn Di Linh, đã xảy ra tình trạng san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép. UBND huyện Di Linh đã yêu cầu hai địa phương này khẩn trương tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định; đồng thời làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.

Đến ngày 15/4 UBND huyện Di Linh tiếp tục có chỉ đạo về xử lý tình trạng san gạt trái phép tại hai địa phương này và yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện về UBND huyện trước ngày 20/4.

Đọc thêm