'Siêu đồng hồ' 44 tỷ đồng lạc vào vòng kiện tụng

(PLVN) - Mới đây, Báo Pháp luật Việt Nam - PLVN nhận được đơn của bà Đỗ Thị Diễm Thy (SN 1993, ngụ quận 7, TP HCM) về việc “bị chiếm đoạt” một chiếc đồng hồ đeo tay. Sự việc gây chú ý không chỉ vì chiếc đồng hồ được giao dịch với giá tới 44 tỷ VNĐ; mà còn vì dù giá trị giao dịch lớn như vậy, nhưng hai bên không soạn văn bản hợp đồng, lại chỉ hợp đồng bằng lời nói…
Chiếc đồng hồ Richard Mille RM57-01 được giao dịch 44 tỷ đồng hồi cuối năm 2022.
Chiếc đồng hồ Richard Mille RM57-01 được giao dịch 44 tỷ đồng hồi cuối năm 2022.

Đã trả gần 25 tỷ, còn thiếu hơn 18 tỷ

Theo bà Thy, đây là 1 trong 15 chiếc đồng hồ đeo tay trên toàn thế giới có tên Richard Mille RM57-01 Dragon and Phoenix Jackie Chan Tourbillon, lấy hình ảnh hai linh vật phương Đông là rồng và phượng làm chủ đạo. Đồng hồ sản xuất năm 2016, làm từ vàng hồng 18K kết hợp kim cương đính trên thân vỏ.

Theo bà Thy, chiếc đồng hồ trên được bà bán cho một người phụ nữ. Hai bên thỏa thuận giá 44 tỷ VNĐ (tương đương 1,85 triệu USD). “Người mua từng một số lần giao dịch với tôi, thường giới thiệu gia thế là con dâu một vị nguyên Chủ tịch UBND một tỉnh phía Nam, có chồng hiện là thư ký cho Phó Bí thư Thường trực tỉnh này, nên tôi càng tin tưởng. Ngày 29/12/2022, chúng tôi thỏa thuận giá, phương thức thanh toán là trả nhiều đợt cho đến hết tháng 3/2023 sẽ trả xong. Người mua đã nhận được đồng hồ tại Thủ Đức (TP HCM), có hình ảnh, tin nhắn xác nhận. Sau đó, người mua nhiều lần trả bằng tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản ngân hàng của chồng tôi”, bà Thy nói.

9 tháng, mất giá hơn 50%

Một điều bất ngờ khác, theo tìm hiểu của PLVN, là trên thị trường đồng hồ “siêu sang” hiện nay, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế trầm lắng, giá nhà đất hay chứng khoán đều đi xuống, nên giá đồng hồ cũng cùng đà “tụt dốc không phanh”. Theo một người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực đồng hồ, nếu cuối năm 2022, chiếc đồng hồ RM57-01 được giao dịch khoảng 44 tỷ đồng; thì hiện nay có thể chỉ được giao dịch ở mức giá khoảng 21 tỷ đồng; nghĩa là mất giá hơn 50% sau 9 tháng.

Bà Thy cho rằng, đến hết tháng 3/2023, bên mua mới trả hơn 24,7 tỷ, còn lại khoảng 18 tỷ đến nay vẫn chưa trả theo như thỏa thuận ban đầu. “Tôi đã gọi điện, nhắn tin đưa ra nhiều phương thức xử lý khác nhau như bên mua trả lại đồng hồ, tôi trả lại tiền sau khi khấu trừ. Hoặc bên mua tiếp tục trả tiền; hoặc dùng tài sản có giá trị tương đương 18 tỷ để bảo đảm nghĩa vụ. Nhưng bên mua đưa ra nhiều lý do, hiện vẫn chưa tiếp tục trả tiền, cũng chưa trả lại đồng hồ”, bà Thy nói.

Cũng theo bà Thy, sau đó bà tự tìm hiểu và phát hiện chiếc đồng hồ đã bị cầm cố cho một cá nhân tại TP HCM với giá 25 tỷ. Đến nay sau nhiều tháng, bên cầm cố chưa chuộc lại.

Bà Thy cho rằng do đánh giá người mua là người có đủ điều kiện về kinh tế nên mới đồng ý bán chiếc đồng hồ; người mua thường kể về thân thế để tạo niềm tin; sau đó mua nhưng không trả đủ tiền, rồi chuyển giao tài sản cho người khác; nên hành vi có dấu hiệu phạm tội “chiếm đoạt tài sản”. Phía bà Thy cũng cung cấp các đoạn tin nhắn, ghi âm qua điện thoại giữa hai bên, để cho rằng mình đã bị chiếm đoạt số tiền 18 tỷ đồng.

Phóng viên đã liên hệ với người bị tố cáo đề nghị gặp mặt xác minh vấn đề. Tuy nhiên, người bị tố cáo từ chối gặp mặt và nhắn tin nội dung: “…Về phía bản thân tôi, do còn nhiều công việc quan trọng cá nhân phải làm, nên tôi đã không quan tâm đến việc chị Thy tố cáo sai sự thật. Tuy nhiên, nếu chị Thy còn tiếp tục gửi những đơn tố cáo với mục đích vu khống, bôi nhọ thanh danh, uy tín của cá nhân và gia đình tôi, cũng như ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của tôi, thì tôi sẽ gửi đơn nhờ đến cơ quan chức năng để có hướng giải quyết. Hiện vụ việc đồng hồ tôi cũng đã gửi đơn tố cáo và hy vọng cơ quan chức năng sẽ sớm nhanh thụ lý để đưa sự thật ra ánh sáng…”.

Môi giới hay là người mua?

LS Trương Văn Tuấn (Văn phòng LS Trạng Sài Gòn) đánh giá, để xác định người mua có dấu hiệu “Lạm dụng chiếm đoạt tài sản”, hay đây chỉ là quan hệ dân sự, thì cần xem xét thỏa thuận giữa hai bên. “Tuy nhiên, bên bị tố cáo không đưa ra quan điểm của mình với báo chí, nên sự việc mới chỉ được nhìn nhận từ góc độ các thông tin, chứng cứ mà bà Thy đưa ra. Theo quy định pháp luật, các tin nhắn trao đổi, các đoạn băng ghi âm chỉ được coi là chứng cứ khi mà cơ quan tố tụng đã trưng cầu giám định”, LS Tuấn nói.

LS Tuấn nói: “Tôi cho rằng, với giao dịch có giá trị lớn, nhưng các bên lại không giao kết hợp đồng bằng văn bản mà chỉ thỏa thuận miệng thì đã tiềm ẩn rủi ro pháp lý rất lớn ngay từ thời điểm bắt đầu giao dịch”.

Tin nhắn của người bị tố cáo gửi phóng viên Báo PLVN.

Tin nhắn của người bị tố cáo gửi phóng viên Báo PLVN.

“Trong vụ việc này, chúng ta có thể đặt ra một số tình huống. Nếu hai bên thỏa thuận bên bị tố cáo chỉ là môi giới (làm trung gian) theo Luật Thương mại; được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới đã ký kết trước đó; thì bà Thy không thể “níu áo” người trung gian đòi 18 tỷ còn lại”, LS nói.

“Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng xác định người bị tố cáo là người mua đồng hồ, dù là mua không để sử dụng mà bán lại cho người khác, thì người bị tố không thể thoái thác trách nhiệm trả nốt 18 tỷ. Hành vi sẽ có dấu hiệu của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 175 BLHS nếu “nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó; mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”, LS nói.

“Tôi cho rằng sau sự việc này, các cá nhân nên rút ra bài học kinh nghiệm, là với những giao dịch rất lớn, thì không nên chỉ tin tưởng vào uy tín của nhau mà giao dịch miệng, khi xảy ra tranh chấp sẽ làm tổn hại uy tín của nhau, quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm nghiêm trọng. Các bên cần soạn thảo hợp đồng chặt chẽ, rõ ràng, tránh phát sinh tình huống tương tự”, LS nói.

Người bị tố bất ngờ “phản tố”

Sự việc càng phức tạp hơn khi trong tin nhắn gửi phóng viên PLVN, người bị tố cáo cũng cho rằng “phía bà Thy cũng đang chiếm đoạt của tôi 1 chiếc đồng hồ Richard Mille RM61-01”. Theo tìm hiểu của phóng viên PLVN, chiếc đồng hồ này đang được một số người trên thị trường định giá khoảng 9,5 tỷ đồng

Trước “phản tố” của người bị tố cáo, bà Thy cho rằng chiếc đồng hồ Richard Mille RM61-01 là do người bị tố cáo “nhờ đi cầm cố hộ” để vay 8,5 tỷ đồng; hiện khoản tiền lãi 600 triệu đồng chưa đóng. “Do chị ấy không trả 18 tỷ đồng còn thiếu của chiếc đồng hồ Richard Mille RM57-01, nên tôi vẫn đang giữ lại đồng hồ Richard Mille RM61-01, chờ tới khi xử lý xong sẽ trả lại”, bà Thy nói.

Đọc thêm