“Siêu thị 0 đồng” giúp công nhân Bắc Giang vượt qua khó khăn của dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
 
(PLVN) - Hiện Bắc Giang đã thành lập các siêu thị 0 đồng tại các vùng phong tỏa có đông công nhân của huyện Việt Yên, Yên Dũng và TP Bắc Giang nhằm hỗ trợ cho hàng chục nghìn công nhân vượt qua giai đoạn bấp bênh, khó khăn của dịch COVID-19.
Tuân thủ nghiêm việc giãn cách trước khi nhận nhu yếu phẩm ở Siêu thị 0 đồng  tại thôn Giá (Xã Nội Hoàng, Huyện Yên Dũng). Ảnh: Báo Bắc Giang.
Tuân thủ nghiêm việc giãn cách trước khi nhận nhu yếu phẩm ở Siêu thị 0 đồng tại thôn Giá (Xã Nội Hoàng, Huyện Yên Dũng). Ảnh: Báo Bắc Giang.

Những siêu thị 0 đồng hoạt động nhờ một phần kinh phí của tỉnh Bắc Giang và sự chung tay, góp sức của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn, với quyết tâm “không bỏ lại bất kỳ công nhân nào phía sau”.

Trước làn sóng dịch COVID-19 nguy hiểm, diễn biến phức tạp lần thứ 4 tại Việt Nam, Bắc Giang trở thành tâm dịch. Ngay lập tức lãnh đạo và nhân dân Bắc Giang đã đoàn kết một lòng, chung sức chống dịch.

Một trong số những việc làm kịp thời, quyết liệt của UBND tỉnh Bắc Giang là quyết định tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp và “giữ chân” công nhân ở lại để tránh lây lan dịch bệnh sang các địa phương khác. Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 67.000 công nhân đang ở các khu vực nhà trọ bị phong tỏa và cách ly xã hội thuộc 2 huyện Việt Yên và Yên Dũng, hơn 190.000 công nhân ở Bắc Giang đã phải nghỉ việc vì dịch COVID-19.

Thấu hiểu, chia sẻ với những bà con, công nhân đang rất khó khăn, thiếu thốn ở giữa tâm dịch, Bắc Giang quyết định thành lập “Siêu thị 0 đồng” vào ngày 22/5, triển khai thí điểm tại một số thôn có đông công nhân như xã Nội Hoàng (Huyện Yên Dũng) và thôn Mỹ Điền (huyện Việt Yên) và đặt ngay tại nhà văn hóa các thôn có đông công nhân. Trong các “siêu thị” này cung cấp những nhu yếu phẩm, lương thực như trứng, mỳ tôm, rau xanh, gạo... cho công nhân ở khu vực phong tỏa.

Công nhân ở khu cách ly xã hội nhận thực phẩm từ "siêu thị 0 đồng".
 Công nhân ở khu cách ly xã hội nhận thực phẩm từ "siêu thị 0 đồng". 

Theo ông Phạm Văn Thịnh, Trưởng ban Dân vận tỉnh Bắc Giang, để đảm bảo an toàn cho công nhân, người dân, thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch thì các chủ nhà trọ phải đăng ký số lượng công nhân đang ở trọ cần hỗ trợ và báo với chính quyền thôn.

Hàng ngày, các thôn sẽ thông báo các chủ nhà trọ luân phiên đến siêu thị 0 đồng để nhận nhu yếu phẩm về, phân phát cho các công nhân. Hiện địa phương này cũng dự kiến hỗ trợ cho công nhân từ 7-10 ngày để cùng công nhân vượt qua khó khăn giai đoạn dịch. 

Trò truyện với phóng viên Báo PLVN, chị Nguyễn Thị Hương, 34 tuổi, quê Hải Dương, hiện là công nhân Công ty Luxshare – ICT cho biết, chị sống ở phòng trọ nhỏ hơn 12m cùng với 1 người chị em cùng quê, cũng là công nhân tại 1 khu công nghiệp trên huyện Yên Dũng. Từ ngày nghỉ việc, do lo sợ dịch bệnh chị cũng “ở yên” trong phòng trọ. Đồ ăn dự trữ cũng hết, cần gì thì nhờ chủ trọ đi chợ giúp.

“Từ ngày có siêu thị 0 đồng, bác chủ nhà đi chợ giúp, lấy đồ ở đó về cho phòng tôi và các phòng ở khu trọ. Nói chung là có đồ ăn là mừng rồi, cũng đỡ được một khoản chi phí sinh hoạt. Vì có đi đi làm đâu mà có lương mua đồ ăn, có một ít tiền trong thẻ cũng chẳng mua được… Tôi cảm ơn các nhà hảo tâm, chính quyền đã hỗ trợ cho anh chị em công nhân. Đáng quý lắm”- chị Hương nói.

Hiện Bắc Giang cũng cho phép mở lại một số quán ăn chuyên phục vụ công nhân trên địa bàn huyện Yên Dũng và huyện Việt Yên, do một số khu nhà trọ công nhân không tự nấu ăn được. Theo đó, tất cả những người làm trong các quán ăn phải được test nhanh hằng ngày, việc chuyển suất ăn cho công nhân được giám sát chặt chẽ để đảm bảo an toàn, yêu cầu giãn cách theo đúng quy định. Ngoài việc tổ chức “siêu thị 0 đồng”, tỉnh Bắc Giang cũng hướng tới việc thiết lập ATM gạo hỗ trợ công nhân trên địa bàn.

Theo Liên đoàn lao động Bắc Giang, trong những ngày tới, nhu cầu của các công nhân sẽ tiếp tục cao hơn, tình trạng khan hiếm hàng cục bộ có thể sẽ diễn ra. Ngoài ra, tình trạng cấp phát hàng không đều giữa các khu vực cũng là vấn đề đáng chú ý.

Trước đó, ngày 21/5 UBND Bắc Giang đã ban hành kế hoạch về hỗ trợ đời sống cho công nhân lao động đang ở trọ trên địa bàn trong thời gian cách ly phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, đảm bảo cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu để ổn định đời sống cho công nhân đang ở trọ trên địa bàn huyện Việt Yên và 3 xã ở huyện Yên Dũng là Tiền Phong, Yên Lư, Nội Hoàng- tâm dịch của Bắc Giang.

Lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ cho công nhân đang bị cách ly, định mức được hỗ trợ quy đổi là 75.000 đ/ngày. Tổng kinh phí hỗ trợ cho 24.000 người sẽ khoảng 9 tỷ đồng cho mỗi đợt 5 ngày. Nguồn kinh phí sẽ được huy động từ ngân sách và sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân.

Vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động, vừa khôi phục, “không làm đứt gãy sản xuất” là một trong những nhiệm vụ cấp thiết mà Bắc Giang đưa ra lúc này. Mới đây, chủ tịch UBND Bắc Giang Lê Ánh Dương cũng quyết định lựa chọn, tổ chức xây dựng mô hình điểm cho các doanh nghiệp sản xuất trở lại với 8 công ty tại địa phương này. Trong hôm nay (28/5) bắt đầu tổ chức hoạt động trở lại cho các doanh nghiệp đạt điều kiện đã được Bắc Giang thông báo và kiểm tra, giám sát chặt chẽ về an toàn dịch bệnh../

Đọc thêm