Sinh con gái – hái niềm vui

(PLVN) -Để thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là thanh niên về vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và khuyến khích khả năng sáng tạo của giới trẻ đối với các vấn đề xã hội, mới đây Chính phủ Na Uy và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã quyết định tài trợ tổ chức cuộc thi xây dựng clip ngắn với chủ đề “Sinh con gái – Hái niềm vui” với tổng giải thưởng của cuộc thi lên tới 34 triệu đồng.

Lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới vẫn đang tồn tại  trong xã hội Việt Nam dẫn tới tình trạng mất cân bằng  giới tính khi sinh do nhiều trẻ em gái không có cơ hội chào đời. Theo kết quả của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam năm 2019 là 111,5 bé trai được sinh ra trên 100 bé gái, so với tỷ số “tự nhiên” là 105-106 bé trai trên 100 bé gái.

Báo cáo Thực trạng Dân số thế giới năm 2020 ước tính, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.800 bé gái  không có cơ hội chào đời vì giới tính của mình. Nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng này xảy ra là do tâm lý ưa thích con trai, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người dân Việt Nam.

Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh
 Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh 

Chính sách của Nhà nước và hệ thống pháp luật Việt Nam không hề làm ngơ trước vấn đề này. Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình nới của Ban Chấp hành Trung ương nói rõ tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Hiện nay, tư tưởng muốn có nhiều con, trọng nam khinh nữ vẫn còn khá phổ biến trong một bộ phận nhân dân, kể cả cán bộ, Đảng viên.

Tại Quyết định 468/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025, Thủ tướng đặt ra mục tiêu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025 là phải đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng. Để thực hiện được mục tiêu này, Quyết định liệt kê các trường hợp vợ chồng sinh con gái một bề được hỗ trợ, gồm: thuộc hộ nghèo, cận nghèo; là người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo; khi hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu.

Bên cạnh đó, các chế tài pháp luật cũng nghiêm trị những hành vi lựa chọn giới tính khi sinh như tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức: tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi hình, ghi âm; tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi; chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp: xác định qua triệu chứng, bắt mạch; xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào; siêu âm; loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác.

Sinh con gái - hái niềm vui hướng tới mục tiêu giáo dục nhận thức cho thanh niên về vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới
 Sinh con gái - hái niềm vui hướng tới mục tiêu giáo dục nhận thức cho thanh niên về vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới

Để thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là thanh niên về vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và khuyến khích khả năng sáng tạo của giới trẻ đối với các vấn đề xã hội, mới đây Chính phủ Na Uy và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã quyết định tài trợ tổ chức cuộc thi xây dựng clip ngắn với chủ đề “Sinh con gái – Hái niềm vui” với tổng giải thưởng của cuộc thi lên tới 34 triệu đồng.

Ngày 10/8/2020, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp với mạng xã hội TikTok đã phát động cuộc thi từ ngày 10/8 đến hết 23h59 ngày 23/8/2020.

Để tham gia cuộc thi, bất kỳ ai có tài khoản TikTok đều có thể quay clip ngắn và gắn hashtag #SinhcongaiHainiemvui. Nội dung các clip truyền tải thông điệp tích cực về vai trò của người phụ nữ và bé gái trong cuộc sống, phản đối định kiến giới và phân biệt đối xử giữa nam và nữ, thúc đẩy các thực hành tốt về việc tôn trọng phụ nữ và trẻ em gái, phê phán/thay đổi quan niệm ưa thích con trai hạ thấp giá trị con gái. Dự kiến lễ công bố và trao giải cuộc thi sẽ diễn ra vào ngày 27/8/2020.

Đọc thêm