Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hoà Bình xác định chất lượng đào tạo, sát hạch (ĐTSH) cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ nói chung và lái xe ô tô nói riêng là yếu tố then chốt quyết định tới vấn đề đảm bảo trật tự ATGT. Đồng thời là nhu cầu thiết yếu đáp ứng sự phát triển trong hệ thống giao thông hiện đại, vì vậy, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Hoà Bình thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng ĐTSH lái xe cơ giới, giúp những người điều khiển phương tiện có đủ kiến thức, kỹ năng làm chủ tình huống khi tham gia giao thông, góp phần bảo đảm ATGT đường bộ.
Nghiêm túc trong sát hạch
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm giảm sự can thiệp của con người vào quá trình sát hạch, đồng thời tăng cường giám sát đột xuất và xử lý nghiêm các cơ sở tuyển sinh trái phép,... Đây là các giải pháp được Sở Giao thông vận tải Hoà Bình quyết liệt triển khai, nhằm siết chặt, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe trên địa bàn.
Bà Trần Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện người lái, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hoà Bình cho hay: "Quan điểm của chúng tôi là việc cấp Giấy phép lái xe ô tô phải thực chất, để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Vì vậy, công tác đào tạo, sát hạch lái xe phải được kiểm soát chặt chẽ từ khâu đào tạo đến sát hạch từng lớp học. Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, chấn chỉnh về công tác đào tạo, sát hạch lái xe, tiến hành giám sát các kỳ sát hạch lái xe, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm của cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch, hội đồng sát hạch, tổ sát hạch giúp quá trình sát hạch lái xe được thực hiện nghiêm túc, minh bạch. Nhờ vậy, chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe ngày càng được nâng cao".
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện có tổng số 5 cơ sở đào tạo, bao gồm 4 cơ sở đào tạo lái xe các hạng B,C, A1 và 1 cơ sở cơ sở đào tạo lái xe hạng A1, 2 trung tâm sát hạch loại 2 là Trung tâm sát hạch thuộc Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp Hòa Bình và Trung tâm sát hạch thuộc Trường Cao đẳng Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Trường cao đẳng kinh doanh và công nghệ Hà Nội được đầu tư hiện đại |
Năm 2020, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã thực hiện tuyển sinh, tổ chức đào tạo cho tổng số 20.028 học viên gồm 6.682 học viên lái xe ô tô các hạng B, C và 13.346 học viên lái xe mô tô hạng A1. Năm 2021, thực hiện tuyển sinh, tổ chức đào tạo cho tổng số 21.013 học viên gồm 6.279 học viên lái xe ô tô các hạng B, C và 14.734 học viên lái xe mô tô hạng A1. Để thực hiện công tác quản lý, Sở Giao thông Vận tải Hòa Bình đã thực hiện kiểm tra tối thiểu 1 kỳ đối với các khóa đào tạo lái xe ô tô và kiểm tra đột xuất đối với các khóa đào tạo lái xe mô tô hạng A1.
Ông Phạm Văn Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe chi nhánh Hoà Bình cho biết, đơn vị đã chủ động thực hiện lắp đặt hệ thống camera tại tất cả các khu vực thi để ngăn chặn tiêu cực có thể xảy ra. Tại khu vực sát hạch lý thuyết, thực hành kỹ năng lái xe trong hình, trung tâm đều đặt tủ có ngăn để thí sinh đặt điện thoại di động, thiết bị công nghệ trước khi vào thi. Thí sinh nào cố tình mang điện thoại vào khu vực thi sẽ dứt khoát bị loại ngay.
Ông Phạm Văn Hoàn, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe chi nhánh Hoà Bình |
Ông Nguyễn Viết Tuấn, Phó Hiệu trưởng, Giám đốc trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Trường cao đẳng kinh doanh và công nghệ Hà Nội thông tin: Trung tâm luôn quan tâm đến việc nâng cao tay nghề của giáo viên, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra và hội thi kỹ năng nghề hằng năm đối với giáo viên để đánh giá chất lượng. Ở khâu sát hạch, Trung tâm được đầu tư nhiều trang - thiết bị, máy móc, camera giám sát đúng tiêu chuẩn của Bộ GTVT. Tất cả hoạt động sát hạch, chấm điểm đều được tự động hóa trên thiết bị điện tử, đảm bảo nghiêm túc, công khai.
Góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông
Theo ông Nguyễn Lê Hoà, Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe mô tô hạng A1 (đơn vị thuộc Sở giao thông vận tải Hoà Bình): Về công tác quản lý đào tạo, sát hạch đối với đồng bào là dân tộc thiểu số, Trung tâm được lựa chọn để đào tạo các khóa học cho đồng bào là người dân tộc thiểu số có trình độ văn hoá thấp trên địa bàn tỉnh, đây là nhiệm vụ chính trị của ngành, chính vì vậy Sở đã định hướng là nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Vì thế, mỗi giáo viên phải xây dựng giáo án cụ thể, chuẩn bị dụng cụ, mô hình, sa hình để giảng dạy (hình ảnh mô phỏng, hình ảnh sa hình, hình ảnh biển báo hiệu đường bộ đặc biệt là hình biển báo hiệu đường bộ mô hình cầm tay) để hỗ trợ trong quá trình giảng dạy trên lớp.
Ông Dương Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật công nghiệp Hòa Bình đánh giá về công tác phòng chống dịch: Thực hiện quy định về phòng, chống dịch COVID-19 và bám sát chỉ đạo của Sở GTVT, Trường yêu cầu giáo viên và học viên thực hiện nghiêm thông điệp “5K” theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt, tập trung rà soát các học viên đăng ký tại các cơ sở đào tạo, nếu có học viên có hộ khẩu ngoài tỉnh thì yêu cầu thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch của tỉnh trước khi vào học và thi sát hạch. Hiện tại, công tác sát hạch cấp GPLX vẫn được Sở GTVT chỉ đạo thực hiện nghiêm túc.
Trên toàn bộ các xe thi thực hành trong sa hình và ngoài đường trường của Trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật công nghiệp Hòa Bình đều có gắn hệ thống camera, có thiết bị giám sát |
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hoà Bình, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, sở đã chỉ đạo các phòng chức năng đôn đốc các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ: Thực hiện nghiêm các quy định về tuyển sinh, bám sát các quy định. Tuyệt đối không tuyển sinh vượt lưu lượng được cấp phép và khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất, giáo viên tại từng thời điểm. Thường xuyên đôn đốc, chấn chỉnh bộ phận tuyển sinh trong tiếp nhận hồ sơ học viên, đảm bảo các thành phần theo quy định, đặc biệt là giấy chứng nhận sức khỏe người lái xe theo đúng mẫu và do cơ quan y tế có đủ thẩm quyền cấp. Thực hiện nghiêm các quy định về ký hợp đồng đào tạo và thanh lý hợp đồng đào tạo đối với học viên.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch trên địa bàn tỉnh niêm yết công khai các khoản phí, lệ phí, nghiêm cấm việc thu phí qua các đầu mối trung gian. Đồng thời, tổ chức đào tạo đảm bảo chương trình, thời lượng theo quy định, tăng cường quản lý học viên dự học, thực hiện nghiêm các quy định về kiểm tra hết môn học, kiểm tra tốt nghiệp, cấp chứng chỉ đào tạo đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, Sở cũng tăng cường kết hợp công tác đào tạo với công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ, phổ biến nội quy, quy chế học, sát hạch cho học viên. Qua đó, góp phần ngăn ngừa các hành vi gian lận trong quá trình sát hạch, phấn đấu nâng cao tỷ lệ đạt của các kỳ sát hạch lái xe. Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và duy trì thường xuyên các trạng thái kỹ thuật thiết bị theo quy định, có kế hoạch thay thế các xe tập lái, xe sát hạch niên hạn cao.
Tiếp tục duy trì tốt các thiết bị giám sát, truyền dữ liệu các kỳ sát hạch lái xe theo quy định, rà soát, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy thực hành lái xe theo quy định tại nghị định 138 và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Việc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hoà Bình thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe, sẽ giúp cho người lái xe sau khi tốt nghiệp có kỹ năng thực hành tốt, có tư cách đạo đức và ý thức tổ chức kỷ luật, đặc biệt là ý thức thực hiện văn hóa giao thông, góp phần đảm bảo an toàn giao thông đường bộ và tính mạng cho chủ phương tiện tham gia giao thông.