Sở Y tế Tiền Giang nói về việc hệ thống RT-PCR tại Bệnh viện Phụ sản không hoạt động

(PLVN) - Trước thông tin cho rằng một hệ thống RT-PCR được cấp từ tháng 7/2021 nhưng đến nay vẫn không hoạt động, Sở Y tế Tiền Giang đã có báo cáo làm rõ.

Sở Y tế Tiền Giang cho biết, toàn tỉnh có 5 cơ sở Y tế với 5 hệ thống RT-PCR thực hiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 gồm Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công, Bệnh viện Phụ sản. Các đơn vị này chạy hết công suất xét nghiệm 3.000 mẫu/ngày.

Tuy nhiên, từ khi Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang tiếp nhận hệ thống RT-PCR từ ngày 19/7/2021 cho đến nay vẫn chưa được triển khai hoạt động. Lý giải về vấn đề này Sở Y tế Tiền Giang cho biết, do sơ suất, Sở Y tế không tách riêng Bệnh viện Phụ Sản (chưa hoạt động) ra khỏi nhóm 5 đơn vị đã được trang bị hệ thống. Thực tế có 4 đơn vị đã hoạt động.

Trước đó, trên địa bàn tỉnh bàn Tiền Giang xảy ra lùm xùm xung quanh việc giá test nhanh mỗi nơi một giá, đặc biệt là yêu cầu xác minh thông tin về gói thầu mua test nhanh kháng nguyên tầm soát dịch COVID-19 trị giá hơn 78 tỷ đồng do Sở Y tế Tiền Giang làm chủ đầu tư.

Theo báo số 5495 của Sở Y tế Tiền Giang về triển khai hệ thống RT-PCR tại Bệnh viện Phụ sản, ngày 19/7 sau khi nhận được máy xét nghiệm, Bệnh viện Phụ sản đã gửi Sở Y tế phê duyệt kinh phí 11 thiết bị bổ sung cho hệ thống RT-PCR.

Tuy nhiên, đến tận ngày 30/7 Sở Y tế Tiền Giang mới phê duyệt kinh phí này với số tiền như đã đề xuất. Thời gian để Sở Y tế Tiền Giang phê duyệt danh mục dự toán mua sắm một số trang thiết bị y tế bổ sung cho hệ thống RT-PCR tại Bệnh viện Phụ sản và gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh lên đến 7 ngày.

Trong khi đó, việc đưa vào vận hành hệ thống RT-PCR trên địa bàn Tiền Giang, nhất là thời điểm dịch đang rất phức tạp, căng thẳng là việc cấp thiết từng ngày, từng giờ.

Ngày 22/7, Bệnh viện Phụ sản đề nghị Sở Y tế Tiền Giang mua số sinh phẩm là 15.000 mẫu, với tổng kinh phí 6.907.500.000 đồng. Tuy nhiên đến tận ngày 11/8, Sở Y tế mới có văn bản giao BV Phụ Sản và Trung tâm Mua sắm công Y tế phối hợp xây dựng danh mục dự toán, cấu hình, thông số kỹ thuật vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR cho 6.000 mẫu, với tổng kinh phí 2.763.000.000 đồng (bao gồm mẫu dùng cho máy tách chiết, vật tư).

Ngày 04/10, Sở Y tế Tiền Giang mới phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua vật tư y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2 sử dụng trên hệ thống máy PCR cho BV Phụ Sản 4.800 mẫu, với tổng kinh phí 2.297.359.720 đồng (bao gồm mẫu dùng cho máy tách chiết, vật tư).

Đến ngày 7/10, đối sánh với tình hình thực tế về dịch bệnh tại địa phương, Sở Tài chính Tiền Giang đã có văn bản đề nghị Sở Y tế kiểm tra, thuyết minh về nhân lực vận hành, điều kiện cấp phép hoạt động.

Sở Tài chính cũng đánh giá, số lượng vật tư y tế, sinh phẩm có phù hợp với điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát hay không và gợi ý có thể điều chuyển vật tư, sinh phẩm từ cơ sở khác đã được trang bị chưa sử dụng về cho Bệnh viện Phụ sản.

Cũng theo báo cáo Sở Y tế Tiền Giang gửi UBND tỉnh ngày 14/10, để hệ thống RT-PCR tại Bệnh viện Phụ Sản đi vào hoạt động, ngoài các yếu tố về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng xét nghiệm phải đảm bảo yếu tố về nhân lực.

Việc chưa đưa hệ thống RT-PCR tại Bệnh viện Phụ sản vào hoạt động, cả Sở Y tế và Bệnh viện Phụ sản đều cho rằng thời điểm nhận được hệ thống RT-PCR, Bệnh viẹn Phụ sản không đáp ứng được yêu cầu về nhân sự.

Sở Y tế Tiền Giang đã khẳng định để triển khai phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2, phải đạt nhiều yêu cầu trong đó có yếu tố về nhân sự. Vậy tại sao khi Bệnh viện Phụ sản chưa đáp ứng được yêu cầu nhân sự, Sở Y tế Tiền Giang lại phân bổ hệ thống RT-PCR về đơn vị này. Việc triển khai hệ thống RT-PCR tại Bệnh viện Phụ sản trong thời điểm chưa đáp ứng đủ yếu tố vận hành có thực sự cần thiết không, trong khi nhiều địa phương khác đang rất cần hệ thống này để hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch.

Sở Y tế Tiền Giang cho biết Bệnh viện Phụ sản đã chuẩn bị 4 nhân sự xét nghiệm để đào tạo thực hiện kỹ thuật RT-PCR do Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đào tạo trực tuyến. Vậy lý do gì cho đến thời điểm này các nhân lực trên chưa được tập huấn mà phải để dự kiến lộ trình triển khai tháng 10/2021 mới thực hiện.

Việc chậm trễ đưa hệ thống RT-PCR vào sử dụng đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Tiền Giang. Nhất là việc phân bổ hệ thống không hợp lý đã khiến cho nhiều nơi cần thì không có sử dụng, nơi có máy lại không thể triển khai hoạt động thấy năng lực quản lý còn nhiều hạn chế. Đây thực sự là vấn đề bất cập trong công tác phòng chống dịch tại địa phương và cần phải khắc phục ngay.

Đọc thêm