Chương trình được tổ chức tại 9 tỉnh, thành, nằm trong khuôn khổ Hành trình Thanh niên Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với chủ đề:“Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và tận dụng thời cơ để bứt phá từ đại dịch”.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chuyển mình mạnh mẽ
Ngày hội ĐMST tại Tp. Hồ Chí Minh đã thu hút được đông đảo các thành phần trong Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tại đây, các chuyên gia, các chủ doanh nghiệp, các nhà khởi nghiệp đã trao đổi, tư vấn, nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của địa phương. Hội nghị đã hỗ trợ các Startup mở rộng mạng lưới kết nối của mình và đồng thời cũng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ chuyên gia với các phiên chuyên đề tập trung vào thúc đẩy lĩnh vực Nông nghiệp Thông minh. Các nhóm vấn đề chính tại hội nghị được thiết kế xoay quanh các chủ đề: Thủy Hải sản, Nông Lâm nghiệp và Nông nghiệp kết hợp với Du lịch, logistic.
Ngày hội tại Tp. Hồ Chí Minh bao gồm rất nhiều các hoạt động ý nghĩa như: Hội nghị kết nối khởi nghiệp, đào tạo cho đoàn viên thanh niên, startup về khởi nghiệp ĐMST, Tham quan mô hình khởi nghiệp thành công tại địa phương. Tại Hội nghị kết nối, các chuyên gia, các chủ doanh nghiệp, các bạn startup đã trao đổi, tư vấn, nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của địa phương.
Theo báo cáo của đại diện các địa phương trong Hội nghị, Giai đoạn 2016- 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Bức tranh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã thật sự khởi sắc trong mọi lĩnh vực như tài chính, du lịch, nông nghiệp, giáo dục, logistics và hàng loạt các lĩnh vực khác có liên quan đến công nghệ. Trong đó, với lợi thế về đất đai, khí hậu và điều kiện tự nhiên thuận lợi số lượng các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp nông nghiệp vượt trội hẳn sao với những lĩnh vực khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây những ảnh hưởng đến tình hình kinh tế nói chung và đặc biệt là lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp đã gặp ít nhiều những khó khăn.
|
Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo khởi nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh hiện rất sôi nổi, nhất là trong cộng đồng khởi nghiệp. Nhà nước cũng đã có rất nhiều chủ trương và chương trình phê duyệt cũng như các kế hoạch hành động cụ thể. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia khởi nghiệp thường gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về nhu cầu vốn để hoàn thiện sản phẩm và phát triển thị trường. Phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST tiếp tục được TP. HCM đặc biệt quan tâm thực hiện nhằm hình thành cộng đồng khởi nghiệp ĐMST có chất lượng cao.
Công nghệ hiện đại, ngoại ngữ và nhiều hơn nữa!
Tại Hội nghị, các chuyên gia đã đưa ra ý kiến, giải pháp nhằm phát triển hệ sinh thái Khởi nghiệp ĐMST của Tp. Hồ Chí Minh: phần đông doanh nghiệp hiện nay chưa quan tâm đến đầu tư công nghệ bắt kịp cuộc cách mạng 4.0. Ông dẫn số liệu khảo sát năm 2017 được công bố cho thấy, trong tổng số 7.450 doanh nghiệp được khảo sát, chỉ có 464 doanh nghiệp khẳng định là có các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) chiếm 6,23%. Điều này có nghĩa rằng, đại bộ phận các doanh nghiệp chưa quan tâm đến các hoạt động phát triển, ứng dụng công nghệ.
Ngoài ra thì một rào cản đối với đa số các nhóm khởi nghiệp trong nước là vấn đề ngôn ngữ. Trong khi đó, muốn gọi vốn quốc tế, hội nhập sân chơi chung với các nước khác, các doanh nghiệp phải cải thiện kỹ năng thuyết trình, cách chinh phục khách hàng, cách tiếp thị sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Các chuyên gia nhấn mạnh yêu cầu tất yếu khi muốn phát triển thị trường KHCN của Tp. Hồ Chí Minh: “Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ, thúc đẩy, kích cầu thị trường KH&CN thông qua các biện pháp: Xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ đối với các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực của thành phố. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ theo nguyên tắc: Lộ trình đổi mới công nghệ là công cụ liên kết giữa sản phẩm, công nghệ và thị trường”.