Sơn La: Chủ đầu tư thông tin tiếp về dự án cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 113

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN)- Sau bài phản ánh của Báo Pháp luật Việt Nam về những nội dung Kết luật của Thanh tra Chính phủ về “Hàng loạt sai phạm tại các dự án trăm tỷ ở Sơn La”, trong đó có Dự án cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 113, phía chủ đầu tư sau đó đã có một số thông tin phản hồi.
Một góc tuyến tỉnh lộ 113 đoạn Cò Nòi – Nà Ớt.
Một góc tuyến tỉnh lộ 113 đoạn Cò Nòi – Nà Ớt.

Tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng cho ngân sách

Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành kết luận đề cập đến một số vấn đề hạn chế, thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện Dự án cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 113 (đoạn Cò Nòi – Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Chủ đầu tư dự án đã lên tiếng phản hồi để “minh bạch” làm rõ quá trình thực hiện dự án. Theo đó:

Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La cho biết, Dự án cải tạo nâng cấp tỉnh lộ 113 hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng tháng 10/2016, trình phê duyệt quyết toán tháng 1/2017. Trước đó, khi tiếp nhận và triển khai dự án phía chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ các bước theo quy định. Đặc biệt khi dự án hoàn thành, bàn giao đã tiết kiệm được cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu. Cụ thể, giảm từ 604 tỷ đồng (tổng mức đầu tư) xuống còn hơn 401 tỷ đồng, tiết kiệm được cho ngân sách hơn 203 tỷ đồng.

Chủ đầu từ cho rằng khi triển khai dự án đã thực hiện đầy đủ các bước theo quy định.

Chủ đầu từ cho rằng khi triển khai dự án đã thực hiện đầy đủ các bước theo quy định.

Quá trình thực hiện chủ đầu tư đã linh hoạt đưa ra các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế khi thi công dự án, nhằm hạn chế thấp nhất những phát sinh về chi phí song vẫn bảo đảm được chất lượng công trình. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan liên quan, quá trình thực hiện dự án vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót nhất định. Mặc dù, nhiều nội dung chủ đầu tư đã giải trình nhằm “minh bạch” với đoàn thanh tra, song đoàn vẫn bảo lưu ý kiến:

Kết luận Thanh tra Chính chỉ ra rằng, dự án được duyệt có một số nội dung chưa phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Sơn La, mới thực hiện cải tạo nâng cấp một phần tuyến 30/125 Km; tiêu chuẩn hướng tuyến và nền đường cao hơn tiêu chuẩn quy hoạch không đồng bộ với tiêu chuẩn mặt đường làm tăng chi phí.

Quy mô thông số mặt đường của dự án cao hơn tiêu chuẩn kỹ thuật không cần thiết gây lãng phí không phù hợp như: Lớp đất dưới kết cấu áo đường dày, việc lựa chọn đá dăm tiêu chuẩn mà không sử dụng vật liệu cấp phối thiên nhiên, cấp phối đồi làm tăng chi phí. Ngoài ra, việc chuyển nguồn vốn của dự án giao năm trước chưa giải ngân sang năm sau không có văn bản báo cáo Bộ Tài chính trước ngày 31/01 năm sau.

Việc phân bổ mức vốn và kế hoạch vốn: Dự án thuộc danh mục các dự án giao thông liên vùng và dự án khác phục vụ TĐC thuộc quy hoạch tổng thể dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La theo Quyết định số 2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có tổng mức đầu là 190.000 triệu đồng.

Hay như công tác lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng với nhà thầu thực hiện một số gói thầu không có trong kế hoạch, thiết kế, khảo sát, lập phương án kỹ thuật thi công và dự toán rà phá bom mìn, vật liệu nổ, tư vấn lập hồ sơ mời thầu thi công xây lắp… chưa phù hợp.

Lý giải nhiều nội dung thanh tra

Lý giải về kết luật của TTCP, chủ đầu tư cho biết: Giai đoạn chuẩn bị đầu tư do Sở Giao thông Vận tải thực hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh Sơn La phê duyệt. Do đó trách nhiệm không thuộc về Ban Quản lý dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La.

Do giai đoạn chuẩn bị đầu tư do Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện và thẩm định, UBND tỉnh Sơn La phê duyệt, nên Ban Quản lý dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La chỉ là đơn vị thực hiện sau đó. Còn quá trình lập trình thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán trách nhiệm tham mưu thuộc Phòng Kế hoạch đầu tư - Ban Quản lý dự án di dân TĐC điện Sơn La.

Quá trình thực hiện chủ đầu tư đã tiết kiệm được hơn 200 tỷ đồng cho ngân sách.

Quá trình thực hiện chủ đầu tư đã tiết kiệm được hơn 200 tỷ đồng cho ngân sách.

Đối với việc chuyển nguồn vốn, vì thực hiện theo Hướng dẫn số 9667/BTC-ĐT của Bộ Tài chính về chuyển nguồn vốn và thanh toán vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo sang Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thanh toán cho Dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La. Do vậy, hàng năm UBND tỉnh Sơn La không phải báo cáo Bộ Tài chính về quyết định cho chuyển nguồn vốn.

Theo Quyết định số 2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La (trong đó có tỉnh Điện Biên, Lai Châu) được phép điều chỉnh phương án bố trí TĐC, quy mô các công trình kết cấu hạ tầng phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm mục tiêu, hiệu quả đầu tư của các dự án nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư dự án được phân bổ, dự án đã thực hiện đúng các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, UBND tỉnh Sơn La được phép sử dụng vốn đã giao để thực hiện công trình nêu trên, trường hợp thiếu vốn tỉnh phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng bố trí vốn giai đoạn 2016-2020.

Công tác thẩm tra của Nghị định số 59/2015/NĐCP quy định, trường hợp cơ quan chuyên môn về xây dựng yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn trực tiếp đơn vị tư vấn thẩm tra… cơ quan chuyên môn về xây dựng có văn bản thông báo cho chủ đầu tư các nội dung cần thẩm tra để chủ đầu tư lựa chọn, ký hợp đồng với tư vấn thẩm tra. Như vậy, nội dung này chủ đầu tư chỉ thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan thẩm định, sau khi đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Đối với công tác rà phá bom mìn chủ đầu tư đã thực hiện theo Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt tại Quyết định số 3159/QĐ-UBND ngày 17/11/2014 (Giai đoạn I) và Quyết định số 1131/QĐ-UBND ngày 04/6/2015 (đối với giai đoạn II). Công tác khảo sát, lập phương án kỹ thuật thi công và dự toán rà phá bom mìn, vật nổ do Bộ Quốc phòng thẩm định, phê duyệt, chủ đầu tư đã ký hợp đồng với đơn vị thực hiện trên cơ sở kế hoạch lựa chọn nhà thầu được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt…

Quá trình triển khai dự án không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn triển khai dự án, chủ đầu tư đã linh hoạt thực hiện các phương án phù hợp nhằm giảm thiểu thấp nhất các chi phí phát sinh, và thực tế khi nghiệm thu, quyết toán công trình, dự án đã tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Đọc thêm