Sơn La phát triển cây ăn trái trở thành thế mạnh kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tận dụng lợi thế đất nông nghiệp màu mỡ, điều kiện khí hậu ôn đới cùng tư duy dám thay đổi của những người đứng đầu, đến nay tỉnh Sơn La đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng và chất lượng nông sản.
Nông sản của tỉnh Sơn La đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước
Nông sản của tỉnh Sơn La đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước

Vựa trái cây lớn nhất miền Bắc

Cách đây hơn 5 năm, Sơn La vốn được biết đến là vựa ngô của miền Bắc. Mặc dù vậy, việc trông chờ vào cây ngô đã khiến nhiều hộ nông dân không ít lần rơi vào cảnh tái nghèo những khi hạt ngô xuống giá, mất mùa. Thực tế trên đã đặt ra yêu cầu về sự thay đổi, cần có cách làm mới, chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, không chỉ giúp nâng cao đời sống của mỗi nông hộ, mà còn biến việc phát triển cây ăn trái trở thành thế mạnh kinh tế của địa phương.

Trước yêu cầu từ thực tiễn, giai đoạn 2015 - 2020, Tỉnh ủy tỉnh Sơn La đã ban hành 8 văn bản chủ yếu liên quan đến phát triển cây ăn quả, đặc biệt là Kết luận số 121-TB/TU 30/11/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc.

Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển cây ăn quả với quy mô hợp lý, từng bước giảm vững chắc diện tích canh tác cây lương thực trên đất dốc; lấy sản xuất quả hàng hóa là mục tiêu gắn với thị trường tiêu thụ ổn định; chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; phát triển vùng nguyên liệu quả gắn với các nhà máy chế biến, tăng hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm…

Cùng với đó, HĐND tỉnh đã ban hành 5 nghị quyết liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển cây ăn quả phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và đúng thời điểm, đã hỗ trợ gần 42 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình.

Sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tạo nên khí thế mạnh mẽ trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng và giá trị cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, xuất khẩu.

Với quyết tâm thay đổi, từ khi các nghị quyết, văn bản đi vào thực tiễn, đến nay Sơn La đã trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích cây ăn quả các loại 82.805 ha, sản lượng hàng năm trên 450.000 tấn/năm.

Từ chỗ chỉ tập trung vào phát triển cây ngô mang lại hiệu quả kinh tế thấp, đến nay nhắc đến Sơn La, người tiêu dùng sẽ nhớ đến những sản phẩm trái cây đa dạng, phong phú như: xoài, nhãn, mận, bơ, bưởi, hồng giòn...

Năm 2021, sản lượng nhãn của tỉnh Sơn La đạt trên 107.390 tấn; mận 80.852 tấn (lớn nhất cả nước); cà phê nhân 29.180 tấn (đứng thứ 2 cả nước)... Có 24 sản phẩm nông sản của Sơn La cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; xây dựng, duy trì và phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn.

Đẩy mạnh quảng bá nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ

Bên cạnh phương thức tiêu thụ truyền thống, hiện các sản phẩm nông sản của Sơn La đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước như: Big C, Winmart, Hapro Mart; tiêu thụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử: Sendo, Voso, Postmart, Shopee. Đã có 17 sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La xuất khẩu sang thị trường 21 nước, như: Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, UAE...

Theo Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương: thời gian qua, Sơn La luôn tiên phong, là hình mẫu trong sự chủ động, kết nối, tiêu thụ sản phẩm, nhất là nông sản vào vụ, giúp nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thông qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại chuyên nghiệp, bài bản, thiết thực có hiệu quả.

Nhằm thúc đẩy hơn nữa xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản của địa phương, mới đây, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ khai trương sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản tỉnh Sơn La.

Ngày 28/5 tới đây, tại tỉnh Sơn La sẽ diễn ra Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam. Sự kiện được tổ chức bởi Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh Sơn La và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Festival diễn ra đến ngày 01/6 và nằm trong chuỗi sự kiện Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: Khi tổ chức chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, Festival trái cây - sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, Sơn La kỳ vọng sẽ quảng bá hơn nữa về con người và các sản phẩm của tỉnh.

Đồng thời kết nối giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh trong cả nước để hỗ trợ, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, trái cây; hỗ trợ để thu hút đầu tư và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bền vững; quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường thế giới.

Đọc thêm