Sơn nữ Y Ben một mình chống hủ tục, cứu trẻ bị ép chôn theo mẹ

(PLVN) - 15 năm trước, cô gái Y Ben (ở làng Piơm, thị trấn Đắc Đoa, huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai) bằng trái tim nhân hậu, quả cảm của mình đã dũng cảm đấu tranh, đẩy lùi hủ tục lạc hậu tồn tại bao nhiêu đời nay của buôn làng để cứu sống những em bé mồ côi không phải chết theo người mẹ. 
Sơn nữ YBen và hai con nuôi Y Song, Y Sơn
Sơn nữ YBen và hai con nuôi Y Song, Y Sơn

Sơn nữ một mình chống lại hủ tục chôn con theo mẹ

Tôi tìm về nhà Y Ben vào một ngày cuối tuần, ngôi nhà của Ben nằm trên một con hẻm nhỏ rực rỡ hoa dã quỳ. Trước hiên nhà, bố mẹ của Ben đang ngồi dệt thổ cẩm. Những sợi chỉ thổ cẩm sặc sỡ nhiều màu sắc tươi vui như chính những gì mà con gái họ đã làm. Thấy nhà có khách, ánh mắt đôi vợ chồng già ánh lên niềm hạnh phúc và tự hào về việc làm của cô con gái mà cách đây 15 năm khi Y Ben một mình chống lại hủ tục để cứu những em bé mồ côi không phải chết theo người mẹ.  

Ông Y Byem ( SN 1942, bố đẻ của Ben) nhớ lại: Ngày đó, những đứa trẻ trong làng sinh ra nếu chẳng may người mẹ qua đời thì chúng cũng bị chết theo mẹ. Bởi những người già trong làng nói, chỉ có chôn đứa bé theo mẹ thì linh hồn người mẹ mới được siêu thoát. Còn nếu cố giữ đứa bé lại thế nào mẹ chúng cùng thành hồn ma và quay về đòi con và hãm hại buôn làng. 

Chính những hủ tục lạc hậu đó đã khiến biết bao đứa trẻ bị cướp đoạt đi quyền được sống của mình ngay khi vừa mới chào đời. Hồi đó Y Ben mới chỉ 15 tuổi, khác với những cô gái cùng trang lứa chăm chỉ đi đốn củi để chuẩn bị “bắt chồng” thì Y Ben lại cứ đau đáu trước những hủ tục của dân làng mình.

Qua đi những tháng ngày vất vả, giờ đây con trai Y Song của Y Ben đã học lớp 7
Qua đi những tháng ngày vất vả, giờ đây con trai Y Song của Y Ben đã học lớp 7 

Đến giờ Y Ben vẫn nhớ như in buổi sáng của 15 năm trước, bữa ấy Ben cùng với mẹ của mình đang vào trong buôn bán hàng. Mới 5 giờ sáng, hai mẹ con đã có mặt tại làng Tơ Nian, xã De Ar (huyện Mang Yang) thì nghe dân làng kể chuyện với nhau về trường hợp một phụ nữ sau khi sinh đã qua đời nên hai mẹ con Ben tìm đến nhà để chia buồn. 

Ben nhớ lại: “Đến nơi mình nhìn thấy một bé trai kháu khỉnh lắm, người còn đỏ hỏn và nguyên dây rốn nằm bên cạnh thi thể người mẹ. Mình lặng người đi, đau đớn khi nghĩ tới việc đứa bé sẽ phải “đi” theo người mẹ xấu số. Mình cứ níu áo mẹ, cố ngăn những dòng nước mắt cho khỏi trào ra. Ánh mắt đứa bé lúc đấy lạ lắm, mình cứ cảm giác như đang nhìn mình, cầu khẩn mình hãy giữ lấy mạng sống cho con. Rồi mình khóc to lên níu áo mẹ và nói: “Mẹ, xin mẹ bảo người ta đừng để đứa bé phải chết. Họ không nuôi được thì mình đem bé về nuôi. Đừng để đứa bé phải chết”.

Lời khẩn cầu và tiếng khóc của Y Ben đã lay động người mẹ và một số người lớn tuổi trong làng. Già làng đồng ý cho mẹ con Y Ben đón đứa bé về nhà chăm sóc. 

Trái ngọt của tình yêu và lòng quả cảm

Tình yêu thương của Ben đã vượt qua tất cả những khó khăn mà cuộc sống mang lại. Ben kể “Thằng Y Song (tên được Ben đặt cho) sinh ra thiếu sữa mẹ nên khóc ngằn ngặt cả ngày. Mình nghèo, cũng không có tiền mua sữa cho con mà chỉ biết lấy nước cơm hòa đường cho con uống thay sữa. Thể trạng yếu, Y Song ốm đau suốt. Bố mẹ mình thương thằng nhỏ, thương mình bán cả bò, cả ruộng lấy tiền thuốc thang cho Y Song. Qua đi những ngày khốn khó, giờ thằng Y Song đã học lớp 7, biết đi nương đi rẫy phụ mẹ, phụ ông bà rồi”.

Việc nuôi một đứa con đã khiến cho cuộc sống của Y Ben vất vả lắm rồi. Thế nhưng vào năm 2015, khi biết lại có một trẻ sơ sinh lại chuẩn bị bỏ cho chết tại làng bên, sau nhiều suy tính, Ben lại quyết định nhận nuôi thêm con. 

Ben kể, mình muốn nhận nuôi thêm nhưng chợt nghĩ tới gia cảnh của mình nên băn khoăn lắm. Ruộng rẫy, trâu bò đã bán hết. Giờ nhận thêm về liệu bố mẹ cô có đồng ý hay không? Ben liền chạy về hỏi cha mẹ. Cha mẹ Ben nói “Nuôi chứ. Không nuôi nó người ta lại bỏ nó thành ma à?” Ben vội vàng chạy ra nghĩa trang đón đứa trẻ về và đặt tên là Y Sơn. 

Cha mẹ của YBen cùng hai đứa bé trẻ mà YBen nhận về nuôi
Cha mẹ của YBen cùng hai đứa bé trẻ mà YBen nhận về nuôi

Làm mẹ của hai đứa trẻ không dễ dàng gì, nhất là lại là một bà mẹ đơn thân, chưa một ngày mang thai càng không dễ. Phải có một tình yêu thương, niềm tin mãnh liệt mới giúp cho Y Ben vượt qua được giai đoạn này. Ben nói: “Ngày đầu mới nhận mấy đứa trẻ về mọi người trong làng nói nhiều lắm. Mọi người nói rằng đó là những đứa trẻ con của ma, rồi mẹ chúng sẽ về đòi con và bắt mình đi. Nhiều người xa lánh, không dám đến nhà mình chơi. Mình phải chứng minh cho mọi người thấy đó là một hủ tục lạc hậu. Mình đi học, được các thầy cô dạy rằng: Sinh mạng của con người vẫn là quý giá nhất. Mình cũng nói với dân làng như vậy”.

Hàng ngày, người mẹ trẻ đó phải làm đủ thứ việc để trang trải cuộc sống của ba mẹ con. Ngoài công việc nương rẫy Ben còn tham gia vào đoàn ca múa nhạc Đăm San. Giọng hát của Y Ben có sức lan tỏa như con họa mi của núi rừng. Những khoảng thời gian rảnh rỗi, Ben tới từng nhà động viên mọi người từ bỏ hủ tục, thực hiện nếp sống văn mình. Nhờ vậy, mà biết bao nhiêu đứa trẻ đã không bị người lớn cưỡng đoạt đi mạng sống của mình.

Khi tôi hỏi về chuyện lập gia đình, Ben cười: "Một mái ấm gia đình, một người chồng yêu thương mình cái đó là điều mà bất kỳ một người con gái nào cũng mong muốn. Với Ben cũng vậy, có nhiều người lui tới nhưng chưa tìm được người nào rộng lượng, yêu thương hai đứa trẻ. Hạnh phúc với Ben lúc này là hàng ngày được thấy những đứa con khỏe mạnh và tiếng gọi tha thiết “Mẹ ơi” của những đứa con mình”.

Bà Hà Thị Giang Thảo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai cho biết: "Trước hành động thiết thực, ý nghĩa của Y Ben, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng đã đến tận nhà trể trao tặng bằng khen, động viên khích lệ tinh thần. Ngoài ra, Y Ben còn là tấm gương tiêu biểu được tỉnh đoàn bầu chọn tham gia "Đại hội thanh niên làm theo lời bác toàn quốc lần thứ 5" được tổ chức tại TP HCM nhân dịp kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch HCM".

Đọc thêm