Nỗi lo sạt lở, sông “nuốt” nhà dân
Chạy dọc ven bờ sông Thu Bồn (đoạn qua thôn Trung Phước 1, Trung Phước 2 và một số hộ thuộc thôn Trung Hạ) thuộc xã Quế Trung, không khó để bắt gặp có nhiều điểm sạt lở gần sát nhà dân, công trình phụ. Dù một số hộ dân đã trồng tre và dùng bao cát, cây... chắn điểm sạt lở mong giữ đất, nhưng vài năm trở lại đây bờ sông vẫn tiếp tục sạt lở, nhiều diện tích đất sản xuất, đất ở bị “xóa sổ”; nhiều điểm sạt lở ngày càng ăn sâu vào đất liền.
Ngôi nhà cấp 4 của anh Tăng Văn Cư (36 tuổi, ngụ thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung) nằm gần bờ sông Thu Bồn đã xuống cấp, nhưng anh không dám sửa lại vì sợ mưa lớn, nước sông dâng cao chảy xiết sạt lở sập nhà.
Chỉ về bụi tre mình trồng trong vườn nhà nay đã nằm sát mép nước, anh Cư cho biết, trước đây nhà anh cách bờ sông hàng chục mét, nhưng qua mỗi mùa mưa bão, đất vườn bị “hà bá” ăn dần. Cả gia đình luôn thấp thỏm lo sợ ngôi nhà của mình có thể bị nước sông cuốn đi bất cứ lúc nào, nếu không có biện pháp ngăn chặn.
“Tôi và mọi người dân ở đây đều rất lo lắng nhưng chưa có điều kiện để đến nơi ở mới. Vì thế ai nấy đều mong các cấp quan tâm, hỗ trợ mặt bằng, bố trí tái định cư, hoặc có biện pháp ngăn chặn tình trạng này để chúng tôi có điều kiện an tâm sinh sống, phát triển kinh tế”, anh Cư nói.
Cách đó không xa, bà Tăng Thị Tín (60 tuổi, ngụ thôn Trung Phước 2) cho biết, trước kia đất vườn của gia đình kéo dài ra đến tận hàng tre, nhưng do tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra rất nhanh, giờ chỉ còn khoảng 3m nữa là nước vào móng nhà. Để đối phó với tình trạng mất đất, bà và nhiều hộ dân xung quanh trồng tre, còn lấy bao cát tạo thành bờ kè chống xói lở. Vậy mà năm 2020 nước sông dâng cao đã cuốn trôi cả những bụi tre bà trồng. Gia đình bà Tín đang đối mặt với cảnh bờ sông tiến sát, căn nhà có thể trôi theo dòng nước. Hễ có mưa lũ xuất hiện, cả nhà lại chạy đi tìm chỗ lánh nạn.
Cùng chung cảnh ngộ, một số hộ sống ở thôn Trung Hạ cũng lo lắng trước tình trạng sạt lở đã “ngoạm” vào gần móng nhà, vách tường. Gia đình ông Huỳnh Công Tám (51 tuổi) là một ví dụ. Trong đợt mưa mới đây, bờ sông phía sau nhà sạt lở khiến khu công trình phụ và bếp nhà ông xuất hiện rất nhiều vết nứt chạy dài trên tường; cả căn nhà đang có dấu nghiêng ra phía sông. “Chúng tôi sinh sống ở đây đã lâu, nhưng tình trạng sạt lở nặng bờ sông Thu Bồn chỉ xuất hiện vài năm nay và ngày càng nặng hơn”, ông Tám lo lắng.
|
Một bụi tre trồng nhiều năm nay chống xói mòn nay đã chìm nghỉm xuống sông. |
Cần kè bê tông cốt thép ngăn chặn
Xác nhận tình trạng trên, ông Đỗ Trường Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Quế Trung cho biết, trên địa bàn xã hiện có hai điểm sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến 50 hộ dân; nặng nhất là 5 hộ thuộc thôn Trung Phước 2.
Để hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn gây ảnh hưởng đến người và tài sản, chính quyền xã thường xuyên cảnh báo, tuyên truyền nhắc nhở người dân theo dõi tình hình, nếu nguy hiểm, địa phương sẽ có biện pháp sơ tán kịp thời.
“Thời gian qua người dân đã trồng tre để giữ đất, nhưng về lâu dài các vị trí sạt lở phải kè bê tông cốt thép, tuy nhiên kinh phí quá lớn, chính quyền địa phương không thể nào đáp ứng được. Xã cũng đã gửi kiến nghị lên UBND huyện Nông Sơn mong có biện pháp khắc phục, hỗ trợ bà con ổn định đời sống”, ông Thương nói.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn thông tin, nhận được phản ánh sạt lở bờ sông Thu Bồn đoạn chảy qua địa bàn địa phương, UBND huyện đã đi kiểm tra, khảo sát để đánh giá mức độ sạt lở và đã lập hồ sơ thiết kế. Nhưng do kinh phí khắc phục rất lớn, trong khi nguồn lực của huyện rất khó để thực hiện, nên huyện chỉ biết làm báo cáo thiệt hại về tình hình sạt lở và gửi tờ trình xin nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh Quảng Nam hoặc Trung ương phương án xây dựng bờ kè cứng dọc khu dân cư; hoặc bố trí khu tái định mới cho bà con. Đến nay, địa phương vẫn đang chờ phúc đáp.