Sống sạch và vệ sinh ở vùng cao Tuyên Hóa

(PLVN) - Có nước sạch và công trình vệ sinh hợp chuẩn là điều mà nhiều người dân vùng cao Tuyên Hóa (Quảng Bình) mong muốn trong suốt nhiều năm. Chương trình tín dụng chính sách nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã giúp biến ước mơ thành hiện thực.
Cán bộ NHCSXH đang triển khai với người dân cho vay chương trình tín dụng nước sạch.
Cán bộ NHCSXH đang triển khai với người dân cho vay chương trình tín dụng nước sạch.

Tuyên Hóa là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Quảng Bình với trên 50% số xã nằm ven thượng nguồn dòng sông Gianh, hàng năm thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, đặc biệt là lũ lụt. Cùng với tập quán đã có từ lâu đời, người dân chưa ý thức cao trong việc sử dụng công trình vệ sinh, công trình nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn. Vì thế, nhu cầu về đầu tư các công trình nước sạch, các công trình vệ sinh đạt chuẩn cho nơi đây là rất bức thiết.

Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được thực hiện theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình nhằm hỗ trợ các hộ sinh sống tại khu vực nông thôn để hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình nước sạch và công trình vệ sinh.

Các công trình nước sạch đã giúp cải thiện môi trường sống của người dân.
Các công trình nước sạch đã giúp cải thiện môi trường sống của người dân.

Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuyên Hóa đã báo cáo kịp thời Uỷ ban nhân dân huyện, Ban đại diện Hội đồng quản trị về chủ trương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương chính sách đến các đối tượng thụ hưởng và triển khai về các xã để thực hiện cho vay.

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuyên Hóa thực hiện giải ngân cho vay từ năm 2005. Thời điểm đó mức cho vay chỉ tối đa 4 triệu đồng/công trình và tối đa 8 triệu đồng/hộ cho 2 công trình được đầu tư, thời điểm cuối năm 2005 tổng dư nợ cho vay chỉ đạt 1.500 triệu đồng với 187 hộ vay vốn. Đến nay, theo quy định mức cho vay đã được tăng lên tối đa 20 triệu đồng/hộ và tối đa 10 triệu đồng/công trình.

Qua hơn 15 năm thực hiện chương trình tín dụng này, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho vay đến trên 6 ngàn lượt hộ với doanh số cho vay gần 90.000 triệu đồng, tổng dư nợ cho vay chương trình tín dụng đến thời điểm 31/8/2020 đạt 42.400 triệu đồng, với 3,2 ngàn hộ dư nợ và có 6,4 ngàn công trình nước sạch, công trình vệ sinh được đầu tư nhờ nguồn vốn vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, dư nợ chiếm tỷ trọng 7,7% trong tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuyên Hóa.

Một số xã có dư nợ chương trình tương đối cao và có số công trình đầu tư nhiều như: xã Kim Hóa dư nợ 4.400 triệu đồng với 714 công trình được đầu tư; xã Mai Hóa dư nợ 4.300 triệu đồng với 622 công trình được đầu tư; xã Hương Hóa 4.200 triệu đồng với 666 công trình được đầu tư. Đến nay theo thống kê, Tuyên Hóa đã có gần 91% số hộ dân được sử dụng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, trong đó có trên 60% số hộ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Từ nguồn vốn vay này đã hỗ trợ rất thiết thực cho các hộ gia đình đang sinh sống tại khu vực nông thôn có điều kiện để đầu tư cải tạo, xây dựng mới công trình vệ sinh hợp tiêu chuẩn và đầu tư công trình nước sạch từ đó sử dụng nguồn nước sạch sinh hoạt nâng cao sức khỏe.

Để tiếp tục thực hiện tốt chương trình tín dụng này trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện sẽ đẩy mạnh công tác thu hồi nợ đến hạn để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng, tranh thủ tối đa nguồn vốn bổ sung từ ngân hàng cấp trên để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng chưa được tiếp cận vay vốn.

Đọc thêm