Sự nghiệp chính trị của chị em nhà Sukarno “xuống dốc” vì những cuộc đấu đá nội bộ

(PLVN) - Ba người con của Tổng thống Indonesia đầu tiên không những không thân thiết mà còn mâu thuẫn sâu sắc, đấu tranh, chống đối lẫn nhau công khai, gay gắt.
Nữ Tổng thống Diah Permata Megawati Setiawati Sukarnoputri.

Từ bà nội trợ thành nữ Tổng thống đầu tiên

Trong số những người con của ông Sukarno, bà Diah Permata Megawati Setiawati Sukarnoputri là con thứ 2, cũng là con gái đầu. Ông Sukarno trong cuốn tự sự về sau kể lại rằng con gái của ông chào đời vào một ngày mưa gió, sấm chớp dữ dội. Cái tên Megawati được vợ chồng ông Sukarno đặt cho con gái với ý nghĩa là những đám mây.

Sau khi hoàn tất bậc học trung học, bà Megawati theo học ngành nông nghiệp tại trường Đại học Padjadjaran tại Bandung nhưng đến năm 1967 thì nghỉ học để chăm sóc cha sau khi ông Sukarno bị tướng dưới quyền là ông Suharto ép từ bỏ quyền lực. Năm 1970, sau khi cha qua đời, bà Megawati quyết định quay trở lại con đường bút nghiên và theo học ngành tâm lý học tại trường Đại học Indonesia. Nhưng rồi, một lần nữa bà lại bỏ dở giữa chừng để mở một cửa hàng hoa.

Năm 1986, Tổng thống Indonesia lúc bấy giờ Suharto quyết định trao danh hiệu anh hùng giải phóng dân tộc cho ông Sukarno. Ngay lập tức, Đảng dân chủ Indonesia (PDI) đã thực hiện chiến dịch vận động tranh cử xoáy vào di sản của ông Sukarno hòng giành ghế tại cuộc bầu cử cơ quan lập pháp Indonesia năm 1987. Họ đã thuyết phục bằng được con gái cả của ông Sukarno gia nhập đảng. Ở năm 1986, bà Megawati vẫn còn là một bà nội trợ nhưng đến năm 1987, bà đã được PDI chọn làm ứng viên ra tranh cử vào Quốc hội Indonesia.

Được sinh ra trong một gia tộc chính trị nhưng bà Megawati lại không được đánh giá cao về khả năng tham chính. Mặc dù vậy nhưng bà vẫn nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Việc là con gái của một tượng đài lừng lẫy ở Indonesia, có ảnh hưởng mạnh mẽ và được người dân khắp nơi ngưỡng mộ đã giúp bà Megawati khỏa lấp những khiếm khuyết. Tại cuộc bầu cử sau đó, dù PDI nhận được ít phiếu bầu nhất nhưng bà này lại vẫn được bầu vào Quốc hội Indonesia.

Tại đại hội toàn quốc của PDI diễn ra tháng 12/1993, bà Megawati được bầu làm Chủ tịch của đảng, trở thành mối đe dọa đối với quyền lực của Tổng thống Suharto. Tháng 6/1996, Chính phủ Indonesia đã can thiệp, khiến bà mất chức Chủ tịch PDI, do đó cũng không đủ tư cách tham gia cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 1998. Đến tháng 10/1998, sau khi ông Suharto từ chức, bà Megawati và những người ủng hộ đã thành lập Đảng đấu tranh vì dân chủ Indonesia (PDI-P).

Gia đình của Tổng thống Sukarno.

Tại cuộc bầu cử quốc hội Indonesia diễn ra vào tháng 6/1999, PDI-P giành được 34% số phiếu bầu, là đảng có số phiếu cao nhất. Khi tổng thống lâm thời thay thế ông Suharto là Bacharuddin Jusuf Habibie rút lui, nhiều người đã nghĩ rằng Quốc hội Indonesia sẽ bầu bà Megawati, nhưng vào ngày 20/10 cùng năm họ lại chọn ông Abdurrahman Wahid của Đảng nhận thức quốc gia làm Tổng thống, còn bà Megawati được bầu làm Phó Tổng thống.

Năm 2000, đối mặt với những chỉ trích ngày càng gia tăng nhằm vào chính phủ, ông Wahid đã bàn giao phần lớn công việc của Tổng thống cho bà Megawati. Tuy nhiên, đến ngày 23/7/2001, Quốc hội Indonesia đã phế truất ông Wahid và bầu bà Megawati lên thay. Bà Megawati trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Indonesia và là người phụ nữ thứ 6 trở thành nguyên thủ của một nước có đa số dân theo đạo Hồi. Bà cũng là lãnh đạo đầu tiên của Indonesia sinh ra sau khi nước này đã tuyên bố độc lập.

Năm 2004, bà Megawati được xếp ở vị trí thứ 8 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn. Trong thời gian cầm quyền, bà tiếp tục đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa Indonesia sau một thời gian dài chịu sự cai trị của Tướng Suharto. Hiến pháp Indonesia thời kỳ này đã được sửa đổi để cho phép tiến hành bầu cử tổng thống trực tiếp.

Tuy nhiên, trên cương vị Tổng thống, bà Megawati phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có việc phát triển kinh tế chậm chạp, phong trào đấu tranh đòi ly khai của tỉnh Aceh và làn sóng những vụ tấn công xảy ra liên miên với đỉnh điểm là vụ việc xảy ra vào 10/2002, với hơn 200 người đã thiệt mạng và khoảng 300 người đã bị thương khi một chiếc xe chở bom phát nổ bên ngoài một câu lạc bộ đêm ở Bali.

Thỏa thuận đình chiến sau đó được ký kết nhưng vẫn không khiến làn sóng bạo lực chấm dứt. Chính phủ của bà cũng bị chỉ trích vì đã không làm giảm được tỉ lệ thất nghiệp. Bản thân bà Megawati bị nhiều người chỉ trích quá thụ động, không hợp với việc là một nhà lãnh đạo.

Nhiều ý kiến cho rằng di sản của gia đình là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp chính trị của bà Megawati, giúp bà thể trở thành nữ tổng thống đầu tiên của đất nước. Các ý kiến này cho rằng, để có thể thay đổi môi trường chính trị từ tập trung quyền lực trong tay một cá nhân thành một đất nước mà các quy tắc hiến định phát triển và được tôn trọng ở Indonesia, người lãnh đạo cần đến cả năng lực, phẩm chất và kỹ năng chứ không chỉ những yếu tố mà bà Megawati được kế thừa từ di sản của cha.

Cuộc tranh giành quyền lực tai tiếng

Có thể nói, giai đoạn sau trong sự nghiệp chính trị của bà Megawati đã bị phủ bóng bởi sự xấu xí của cuộc tranh giành quyền lực giữa bà và 2 người em gái. Từng được mệnh danh là “Những thiên thần của Sukarno”, khi còn nhỏ, bà Megawati và 2 người em gái là Rachmawati và Sukmawati Sukarnoputri khá thân thiết.

Ba đứa trẻ thường xuyên vui đùa, nhảy múa, tạo không khí vui vẻ trong dinh Tổng thống. Song, mọi việc đã thay đổi hoàn toàn khi họ lớn lên bởi cả 3 đều muốn trở thành người thừa hưởng di sản chính trị mà cha để lại. Sự ghen tỵ cá nhân và máu ganh đua trong họ đã khiến 3 người con gái mà ông Sukarno rất yêu quý trở mặt, mâu thuẫn nhau sâu sắc.

Trong đó, cả 2 người em của bà Megawati đều không ít lần công khai chỉ trích chị gái của mình bằng những nhận xét vô cùng tiêu cực. Hai người này đã thành lập đảng riêng hoặc khôi phục hoạt động của đảng từng do cha lãnh đạo nhằm đẩy bà Megawati khỏi quyền lực. Ngay những người anh em khác của ba bà trên cũng phải lắc đầu ngao ngán trước hành động của họ. Đứng giữa mâu thuẫn gia đình, ông Guruh Sukarnoputra (con trai thứ nhà Sukarno) từng thừa nhận hẳn cha của ông sẽ rất buồn nếu chứng kiến sự rạn nứt sâu sắc trong gia đình họ.

Những chỉ trích nặng nề của các em kéo theo đó là ấn tượng xấu từ cảnh đấu đá nội bộ, không bảo ban được nhau giữa những người chị em nhà Sukarno được cho là một phần nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của bà Megawati tại cuộc bầu cử năm 2004, bên cạnh sự cạnh tranh khốc liệt của các đảng khác. Bởi, bà Megawati từng thành công trong việc xây dựng hình ảnh của mình như biểu tượng đoàn kết quốc gia trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1993. Ấy thế nhưng, đến lúc cần thiết bà lại cho thấy rằng ngay cả việc duy trì đoàn kết trong nội bộ gia đình bà cũng không làm được!

Tại cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia năm 2004, dù đã có màn thể hiện xuất sắc ở vòng đầu nhưng bà Megawati vẫn đã bị thua trước cựu Bộ trưởng An ninh Susilo Bambang Yudhoyono. Tháng 7/2009, bà Megawati tiếp tục ra tranh cử Tổng thống nhưng cũng thêm 1 lần bại trận trước ông Yudhoyono.

Đọc thêm