“Sức mạnh” của cộng đồng mạng Việt Nam qua những cuộc bình chọn trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều năm trở lại đây, những cuộc bình chọn trực tuyến không còn quá xa lạ với người dân Việt Nam, đặc biệt là với cộng đồng mạng. Tên gọi vui “cường quốc bình chọn” cũng bắt nguồn từ sự phát triển của những cuộc bình chọn này.
“Sức mạnh” của cộng đồng mạng Việt Nam qua những cuộc bình chọn trực tuyến

Những kết quả bình chọn ấn tượng

Dù là nước đưa Internet vào sử dụng khá muộn so với các nước trong khu vực nhưng sự phát triển của Internet ở Việt Nam hơn 20 năm qua là vô cùng mạnh mẽ và nhanh chóng. Việt Nam được coi là “một quốc gia Internet năng động” với tỉ lệ người dùng liên tục tăng qua các năm, nằm trong top đầu các quốc gia “tương tác cao với Internet”. Chính vì vậy, không quá ngạc nhiên khi những đại diện của Việt Nam luôn có những vị trí cao trong các cuộc bình chọn trực tuyến.

Khi Internet phủ sóng rộng khắp đất nước, cũng là lúc Việt Nam bước vào những cuộc bình chọn trực tuyến. Có thể kể đến cuộc bình chọn cho Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy tại cuộc thi Hoa hậu thế giới (Miss World) được tổ chức cùng năm. Cô lọt vào top 17 với tư cách là Thí sinh được khán giả yêu thích nhất (bình chọn nhiều nhất) khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mới đây nhất, tại chung kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2020, Nguyễn Trần Khánh Vân được xướng tên vào top 21 của cuộc thi. Đại diện Việt Nam năm nay cũng là thí sinh có số lượt bình chọn cao nhất trong lịch sử 69 năm của Hoa hậu Hoàn vũ. Có nghĩa số phiếu của cô hơn 40 triệu lượt bình chọn, bởi năm 2016 đại diện đến từ Thái Lan được xướng tên là thí sinh có lượt bình chọn cao nhất lịch sử với 40 triệu phiếu. Đây là thành quả rất lớn của cộng đồng mạng, của khán giả và người hâm mộ Việt Nam đã ngày đêm bình chọn cho Hoa hậu Khánh Vân. Điều đó một lần nữa đã khẳng định “sức mạnh” rất lớn tới từ cộng đồng mạng Việt Nam, những người luôn tràn đầy nhiệt huyết và lòng tự hào dân tộc.

Nền ẩm thực phong phú đa dạng luôn là một trong những niềm tự hào lớn của mỗi người dân Việt Nam. Vào tháng 7/2018 món phở đã tham gia vào một “trận chiến” tìm đặc sản được yêu thích nhất diễn ra trên một fanpage về ẩm thực nổi tiếng. Bằng sự bình chọn nhiệt tình của cộng đồng mạng, món phở đã xuất sắc vượt qua 40 đối thủ nặng ký và tiến thẳng vào top 5 chung cuộc. Tiếp tục xuất sắc vượt qua nhiều món ăn được yêu thích như pizza, há cảo, mì Ý, trận chung kết gọi tên món phở của Việt Nam và món taco của Mexico.

Cuộc bình chọn diễn ra trên mạng xã hội và món ăn nào được nhiều điểm hơn từ người hâm mộ sẽ là món ăn giành chiến thắng. Hình ảnh của mỗi món ăn sẽ được gắn với một biểu tượng cảm xúc trên Facebook và mỗi lượt tương tác của cư dân mạng được tính là 1 điểm. Vậy nên, người dùng mạng xã hội đã kêu gọi bạn bè bình chọn cho món phở của quê hương. Chiến thắng cuối cùng thuộc về món phở với thành tích 131.000 lượt bình chọn và trở thành món đặc sản được yêu thích nhất.

Hay chương trình bình chọn cho Vịnh Hạ Long trở thành một trong bảy kì quan thiên nhiên thế giới mới diễn ra vào năm 2007 cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân Việt Nam. Không chỉ bình chọn qua tin nhắn điện thoại, cuộc bình chọn còn được diễn ra trên mạng Internet. Trong suốt 4 năm cuộc bầu chọn diễn ra, đã có rất nhiều địa phương khởi động điểm bầu chọn cho Vịnh Hạ Long. Các công ty, nhà xưởng đều vận động nhân viên nhắn tin bình chọn. Chính nhờ sự đoàn kết tạo nên sức mạnh đó, vào lúc 2g07 sáng ngày 12/11/2011, Vịnh Hạ Long được Tổ chức New Open World (NOW) công bố là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Không chỉ lĩnh vực sắc đẹp hay du lịch mới thể hiện được “sức mạnh” của cộng đồng mạng Việt Nam, mà những cuộc bầu chọn trong bóng đá cũng là minh chứng cho điều này. Năm 2013, Lê Công Vinh đã xuất sắc vượt qua các đồng nghiệp trong khu vực để trở thành Cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á trong cuộc bình chọn do Goal tổ chức với 63,8% phiếu bầu. Điều đáng nói là ban đầu lượng bình chọn của cựu cầu thủ xứ Nghệ không cao. Nhưng ngay sau khi có một trang Facebook “mạo danh” Công Vinh đứng ra kêu gọi bầu chọn, lượng phiếu bầu cho anh đã tăng vọt và bỏ xa các đồng nghiệp khác.

Đầu năm 2018, “cơn sốt” mang tên U23 Việt Nam phủ sóng khắp đất nước. Những cái tên như Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Duy Mạnh, Hà Đức Chinh,... được săn đón và nhận được nhiều sự quan tâm từ người hâm mộ bóng đá trên khắp cả nước. Bàn thắng vào lưới U23 Uzbekistan của tiền vệ Nguyễn Quang Hải trong trận chung kết có thể xem là một trong những điểm sáng của mùa giải năm đó.

Vào ngày 22/12/2019, cuộc bình chọn Bàn thắng mang tính biểu tượng của U23 châu Á do Liên đoàn Bóng đá châu Á - AFC tổ chức đã chính thức khép lại với chiến thắng thuộc về tuyệt phẩm của Nguyễn Quang Hải. “Sức mạnh” của cộng đồng mạng Việt Nam đã gây “choáng” cho các tờ báo trên thế giới bởi chỉ sau ít giờ kêu gọi bình chọn, cộng đồng mạng đã “ra tay” bình chọn cho bàn thắng của Quang Hải với số phiếu áp đảo. Tổng số lượt bình chọn lên đến 1.159.847 phiếu, con số này hoàn toàn vượt xa số lượt bình chọn cho bàn thắng xếp thứ hai của cầu thủ Mahdi Torabi (U23 Iran) ghi bàn vào lưới U23 Trung Quốc năm 2016 với tổng số 298.037 phiếu.

Việc giành chiến thắng ở cuộc bình chọn với ý nghĩa khích lệ tinh thần này, không chỉ là nguồn động viên lớn đối với cá nhân cầu thủ Quang Hải mà còn thắp lên ngọn lửa tinh thần đối với toàn đội tuyển. Một lần nữa, “sức mạnh” của cộng đồng mạng Việt Nam lại được thể hiện với số phiếu bình chọn áp đảo đối thủ. Những lời kêu gọi bình chọn cho các đại diện Việt Nam được truyền khắp các trang mạng xã hội, các fanpage lớn nhỏ hay trang cá nhân của nghệ sĩ nổi tiếng.

Nếu trước đây, cộng đồng thể hiện “sức mạnh” bằng những cuộc biểu tình thì nay “sức mạnh” đó được thể hiện qua những cuộc bình chọn trực tuyến, những lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Tuy là sức mạnh trên môi trường “ảo” nhưng những giá trị nhận được là thật và không phải cộng đồng mạng ở quốc gia nào cũng có thể làm được.

Lê Công Vinh cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á.
Lê Công Vinh cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á.

Tỉnh táo trước những đường “link” bình chọn

Lợi dụng sự nhiệt tình của cộng đồng mạng, nhiều đối tượng đã sử dụng những chiêu trò lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Các cuộc bình chọn trực tuyến đều được kết nối với một đường link dẫn đến trang chủ và người bình chọn phải truy cập vào đường link đó để tiến hành bình chọn.

Vừa qua, tại Đắk Nông, hai đối tượng lừa đảo đã gửi đường link “binhchonsieutainangnhi2021” cho các tài khoản Facebook, nhờ nhấn vào đường link và yêu cầu nhập thông tin tài khoản Facebook (gồm tên đăng nhập và mật khẩu) để tiến hành “bình chọn” cho các thí sinh tham gia cuộc thi “sieutainangnhi2021”. Ngay khi có được tài khoản Facebook của các nạn nhân, hai đối tượng lừa đảo đã nhắn tin cho bạn bè của họ để mượn tiền và nhờ chuyển vào tài khoản. Với thủ đoạn trên, hai đối tượng đó đã chiếm đoạt được 250 triệu đồng của nhiều nạn nhân.

Sự phát triển của Internet, sự nhiệt tình của cộng đồng mạng nhằm ủng hộ các đại diện Việt Nam khi tham gia các đấu trường quốc tế thông qua các lượt bình chọn trực tuyến là dấu hiệu đáng mừng trước sự hội nhập của nước ta với bạn bè năm châu. Tuy nhiên, mỗi người cần là một “nhà thông thái” trên môi trường Internet để lan tỏa được những giá trị tích cực, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Cũng như đẩy lùi những chiêu trò lợi dụng, biến tướng từ những cuộc bình chọn trực tuyến.

Từ mạng xã hội đến sức mạnh cộng đồng

Bàn về “sức mạnh” của cộng đồng mạng Việt Nam thể hiện qua những cuộc bình chọn trực tuyến sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến “công lao” của mạng xã hội. Bởi sức mạnh của cộng đồng mạng đến từ chính những trang mạng xã hội. Bên cạnh báo chí truyền thông, những cuộc bình chọn trực tuyến còn được lan truyền rộng khắp các trang mạng xã hội, nhờ đó mà nhiều người biết đến và tham gia bình chọn hơn. Nếu trước đây, nhiều người sử dụng mạng xã hội với mục đích “câu like” phản cảm thì giờ đây, những cư dân mạng thế hệ mới sử dụng mạng xã hội cho những mục đích lành mạnh hơn, mang nhiều ý nghĩa cho cộng đồng hơn.

Hà Trang, sinh viên năm thứ 3 của Học viện Báo chí và Tuyên tuyền chia sẻ: “Những cuộc bình chọn trực tuyến có sự tham gia của các đại diện Việt Nam mình đều biết và có ủng hộ bằng những lượt bình chọn. Hầu hết những thông tin về các cuộc bình chọn đấy mình đều được tiếp nhận ở các trang mạng xã hội, từ thông tin, cách thức bình chọn hay kết quả chung cuộc mình cũng xem từ mạng xã hội. Mình cũng nhận được những lời kêu gọi bình chọn từ mạng xã hội luôn. Tham gia vào các cuộc bình chọn mới thấy “sức mạnh” của cộng đồng mạng Việt Nam đúng là không thể xem thường”.

Giờ đây, mạng xã hội không hẳn chỉ là thế giới ảo, khi nó được sử dụng vào những việc tích cực, hữu ích thì “ảo” cũng sẽ trở thành hiện thực và mang lại những ý nghĩa tốt đẹp. Nhưng sẽ là thảm họa nếu nó được sử dụng một cách thiếu thận trọng. Vì vậy, sử dụng nguồn tài nguyên ấy như thế nào lại phụ thuộc vào chính mỗi cư dân mạng.

Cộng đồng mạng Việt Nam đã chứng tỏ được sức mạnh của mình trong các “cuộc chiến online” với lực lượng đông đúc, hùng hậu, nắm thông tin nhanh nhạy và lan truyền nó với tốc độ “chóng mặt”. Sức mạnh này xuất phát từ tinh thần đoàn kết và lòng tự hào dân tộc luôn chảy trong mỗi người dân Việt Nam. Mọi người sẵn sàng dành thời gian, công sức hay thậm chí là tiền bạc để kêu gọi, hối thúc nhau bình chọn cho các đại diện nước nhà nhằm đạt được kết quả tốt nhất.

Đọc thêm