Sức sống mới trên miền đất Nam Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trở lại tỉnh Lâm Đồng những ngày cuối tháng 11, đi trên những cung đường nối dài các buôn làng từ phía thượng nguồn sông Đồng Nai đến miền đất huyền thoại dọc dãy Trường Sơn và về với bà con dân tộc CHo, Mạ, Chu Ru, Mơ Nông… mới thấy được sức sống mới trên từng cung đường, trong từng ngôi nhà.
Vốn chính sách giúp người dân Lâm Đồng thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới.
Vốn chính sách giúp người dân Lâm Đồng thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới.

Đổi thay trên từng cung đường

Có thể nói, toàn vùng đất Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng hiện không còn nơi nào thật sự để gọi là vùng sâu, vùng xa và cũng không còn hộ đói giáp hạt nữa. Hình ảnh xã Sơn Điền một thời khốn khó, bởi tách biệt với trung tâm huyện Di Linh gần 50km đường sá lầy lội và những năm trước người CHo chỉ biết dựa vào rừng già, sống bằng cách săn bắt, hái lượm giờ đã vào dĩ vãng. Xứ sở núi liền núi, và rừng xanh bao bọc ngày nay đã mọc lên san sát những ngôi nhà xây kiên cố; đường liên thôn, liên xã mở rộng, trải bê tông bằng phẳng, ngày ngày nhộn nhịp những chuyến xe chở đấy ắp cà phê về buôn làng…

“Quả thực Sơn Điền xa xưa được ví như “ốc đảo” giữa đại ngàn Tây Nguyên, đường sá đi lại cực kỳ khó khăn, phần lớn nhà tranh, tre nứa, người dân thiếu vốn, thiếu cơm, lạt muối, cơ cực lắm. Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành trong địa phương cùng với kết quả đầu tư các chương trình dự án của Nhà nước, nhất là nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), bức tranh kinh tế - xã hội ở Sơn Điền đã có nhiều khởi sắc”, Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Điền K W Uẩn chia sẻ.

Đến nay, nhờ 37 tỷ đồng vốn ưu đãi, toàn xã đã đạt 14 tiêu chí nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng, hộ nghèo giảm còn 9,7%. Nhiều mô hình làm ăn mới, những gương điển hình sản xuất giỏi xuất hiện ở tất cả 7 buôn làng. Từ chuyện thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn ở 7 buôn làng thuộc miền sơn cước Sơn Điền và xã Lộc Tân chỉ còn dưới 4% tỷ lệ hộ dân nghèo đã minh chứng rất rõ ràng về hiệu quả của đồng vốn ưu đãi trên miền đất nam Tây Nguyên.

Thực tế 19 năm qua, NHCSXH Lâm Đồng tuy phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách như địa bàn hoạt động phức tạp với vùng núi cao rộng lớn có nhiều buôn làng khó khăn và đông hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống cùng những khắc nghiệt về thiên tai, lũ lụt thường xuyên, dịch bệnh COVID-19 bùng phát lan rộng… nhưng những người làm tín dụng chính sách nơi đây không hề nản lòng, đoàn kết quyết tâm huy động các nguồn vốn từ Trung ương ở trong nước, ngoài nước, đặc biệt chủ động khai thác nguồn vốn ngân sách tại địa bàn hoạt động.

Cụ thể sau 7 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đến 31/10/2021, UBND các cấp ở Lâm Đồng đã chuyển vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH đến 270 tỷ đồng, tăng 74 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 156% kế hoạch, góp phần nâng tổng nguồn vốn tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt xấp xỉ 4.200 tỷ đồng, trong đó 11/12 đơn vị NHCSXH cấp huyện hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch huy động vốn được giao năm 2021.

Vốn chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới

Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần đáng kể tăng trưởng GDP bình quân của tỉnh hàng năm lên 8%, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 18,6% năm 2015 xuống 5,8% cuối năm 2020, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 102/147, trong đó 100% xã của huyện rau quả Đơn Dương và 5 xã của huyện nghèo 30a Đam Rông về đích trước thời gian chương trình nông thôn mới.

Đạt được kết quả trong huy động nguồn lực đó, theo ông Võ Văn Thanh, Giám đốc NHCSXH Lâm Đồng, trước hết do có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của ngân hàng cấp trên, của Đảng bộ, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể, trong đó đáng ghi nhận tinh thần nỗ lực vượt khó của người làm tín dụng chính sách trên vùng đất Nam Tây Nguyên luôn tập trung huy động tạo lập nguồn vốn, đồng thời tăng cường chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Dòng chảy vốn tín dụng chính sách luôn được khơi thông, phủ kín toàn địa bàn cao nguyên Lâm Đồng rộng lớn, suốt chặng đường 19 năm qua. Đặc biệt từ đầu năm 2021 đến nay, dù gặp phải đại dịch COVID-19 bùng phát, nhưng với quyết tâm vừa huy động vốn nhanh, vừa phòng chống dịch tốt, doanh số cho vay vẫn đạt 1.027 tỷ đồng với 25.931 lượt khách hàng vay vốn, với mức cho vay bình quân 54,6 triệu đồng/hộ. Toàn bộ nguồn vốn lớn đó đã đươc đưa về tận tay các hộ nghèo, các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, thông qua hệ thống 142 Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn và mạng lưới 2443 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ở khắp buôn làng, khu dân cư.

Cùng với đó việc phối hợp giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, góp phần thực hiện tốt việc bình xét công khai, công bằng cho các đối tượng vay vốn ưu đãi, đồng thời còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện cho vay vốn chính sách đối với người sử dụng lao động, trả lương ngừng việc, trả lương tái sản xuất, hoặc chuyển đổi ngành nghề cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Có thể khẳng định, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã và đang là công cụ hữu hiệu trong giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên vùng đất Nam Tây Nguyên. Thời gian tới, những người làm tín dụng chính sách ở Lâm Đồng sẽ tiếp tục bám sát các chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tập trung huy động mọi nguồn lực, chuyển tải nhanh chóng, đầy đủ, an toàn mọi nguồn vốn về đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững.

Đọc thêm