Sức sống mới trên miền quê Kênh Giang

(PLVN) - Trong không khí tưng bừng của 90 năm Ngày Hội đoàn kết các dân tộc, chúng tôi về thôn Chợ Giá, xã Kênh Giang (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng), nơi được chọn làm mô hình điểm “Nông thôn mới kiểu mẫu” đầu tiên của thành phố.
Hội tình nghĩa Kênh Giang tặng quà 26 hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều đổi thay từ sức mạnh đoàn kết 

Ngày 7/11 vừa qua, xã Kênh Giang đã đón tiếp 1.500 người dân và đại biểu về dự “Ngày hội đại đoàn kết dân tộc”. Được thành lập vào ngày 19/8/1956, xã Kênh Giang nằm ở phía Đông Bắc huyện Thuỷ Nguyên, có quốc lộ 10 đi qua thuận lợi cho việc giao lưu, sinh hoạt, buôn bán. Trong những năm qua, xã phát triển mạnh về kinh tế -xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. 

Với diện tích 724.50 ha, 3.292 hộ gia đình với 10.529 nhân khẩu thuộc nhiều dòng họ lớn, Đảng bộ xã Kênh Giang có 380 đảng viên. Trong suốt những năm qua, Kênh Giang luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua của huyện, đặc biệt là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 

Đến nay, đã có trên 100 hộ dân hiến đất, hiến công trình, hiến trên 3.000 ngày công lao động và tự nguyện đóng góp kinh phí lên đến hơn 7 tỷ đồng cho làm đường giao thông, đường nội đồng. Cùng với đó, trên địa bàn xã 7,8km đường trục chính, 15km đường nội đồng, 19km đường giao thông thôn xóm, 100% được bê tông hóa, xóm thôn khang trang, cuộc sống người dân có nhiều thay đổi tích cực…

Nhờ sự vào cuộc tích cực, xã đã xây dựng được các nhà văn hóa thôn hiện đại, các tuyến đường liên thôn liên xã, vận động nhân dân kết hợp với chính quyền địa phương đổ bê tông các đường trục thôn xóm, hệ thống cầu cống thoát nước, lắp đặt các trạm bơm phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt… Hiện nay, cả xã có hai nhà máy nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Đến nay, Kênh Giang có tổng thu nhập bình quân đạt 42 triệu đồng/người/năm. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được triển khai thường xuyên, tệ nạn xã hội giảm, an ninh trật tự được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, cán bộ và đảng viên đi sâu bám sát, vận động quần chúng nhân dân sinh đẻ đúng kế hoạch, dạy bảo con em học tập tốt, lao động tốt; những hộ nghèo trong xã cũng được giúp đỡ tạo điều kiện thoát nghèo và tiến tới xóa nghèo trong toàn xã…

Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam xã Kênh Giang - Lương Mạnh Chiến thêm tự hào và tin tưởng vào sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc. Năm 2020, nhân dân toàn xã đã nỗ lực thực hiện toàn diện 5 nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 

Theo đó, nhân dân đoàn kết phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững, phấn đấu làm giàu chính đáng. Số hộ nghèo của xã giảm nhanh từng năm. Năm 2020, Kênh Giang còn 26 hộ nghèo, tỷ lệ 0,79% thấp hơn nhiều với bình quân của huyện, số hộ giàu tăng cao, hiện toàn xã có trên 2.000 hộ khá giả và giàu. Không những thế, hiện Kênh Giang thực hiện tốt phong trào “Đám tang không khói thuốc” và “Đám cưới ít mâm” trong suốt 15 năm qua… 

Ông Chiến nhấn mạnh: Phát huy truyền thống vẻ vang đó, nhân dân xã Kênh Giang tiếp tục nêu cao tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, tình nghĩa, năng động, sáng tạo, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội, công bằng, văn minh” sớm nhất…

 Nhân dân, cán bộ Kênh Giang quyên góp 150 triệu ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng lũ lụt.

Đoàn kết gìn giữ các giá trị lịch sử

Có thể nói, đến Kênh Giang, bạn sẽ gặp một vùng quê bắc bộ sơn thủy hữu tình. Nơi có huyền tích đền Chợ Giá, quanh năm rợp bóng mát dưới tán lá của 5 cây di sản trăm tuổi bên dòng sông. Năm cây cổ thụ, tán lá xum xuê quây quần che chở xóm làng như linh khí đất trời tụ lại, càng tạo thêm vẻ linh thiêng. Hiện ngôi đền vẫn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử vô giá, trong đó đặc biệt phải kể đến bảy sắc phong của triều Nguyễn.

Xưa chợ Giá là nơi sầm uất, giao thương buôn bán, với khung cảnh trên bến dưới thuyền qua lại tấp nập… Nao lòng trước khung cảnh nên thơ ấy, xưa Tổng đốc Nguyễn Tri Phương khi đi ngang qua nơi này đã phải thốt lên rằng: “Đàn cò trắng đậu trong mơ/ Xa xa dãy núi nhấp nhô trập trùng/ Cửa đền soi bóng con sông/ Dòng sông mang nặng ánh hồng phù sa”.

Hiện nơi đây người dân đã dựng lại khu chợ xưa làm nơi buôn bán vật phẩm, sản vật để tái hiện lại cảnh tượng buôn bán khi xưa. Bên cạnh đó, người dân cũng không ngừng phục dựng lại cảnh quan của khu chợ để hợp thành một quần thể di tích đa dạng và thống nhất. Tương truyền không chỉ là nơi tôn thờ đức thánh nữ một lòng “âm phù yêu nước”, đền Chợ Giá còn là nơi “đất lành chim đậu”.

Ðó là hai câu đối khắc ghi ngay cổng vào: “Tiêu thánh khuông phù dân sở tại/ Nữ thần, tế độ khách vãng lai”. Hàm ý, làng Mỹ Giang là đất lành của cả người dân bản địa và những người ở nơi xa đến đây sinh sống, làm ăn.

Trải qua hơn 900 năm với bao thời gian mưa nắng xói mòn, chiến tranh giặc giã đã làm cho ngôi Đền chỉ còn phế tích. Từ năm 2001, nhân dân xã Kênh Giang cùng tín khách thập phương đã tổ chức tôn tạo, xây dựng lại quy mô tương xứng với giá trị tâm linh, giá trị lịch sử - văn hóa quý giá. Và ngôi Đền đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Đo, Bí thư Chi bộ thôn Đình, người vừa nhận bằng khen của MTTQ huyện cũng cho hay: Tôi rất phấn khởi khi được nhận phần thưởng cao quý này. Những năm qua, chúng tôi cùng bà con tích cực góp phần vào phong trào Xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn hóa văn minh, văn hóa, văn nghệ, thể thao, qua đó người dân thêm gần gũi và đoàn kết trong khu dân cư.

Còn em Nguyễn Văn Hiếu, lớp 11 Trường THPT Lý Thường Kiệt được tặng Bằng khen và hỗ trợ Học sinh nghèo vượt khó chia sẻ: Do bố mẹ đều không còn nên em ở với ông bà ngoại già yếu đã 90 tuổi, nay ông đã mất. Em được bà con xóm làng, thầy cô đùm bọc. Ước mong của em sau này sẽ theo ngành Công an.

Đọc thêm