Sức sống mới trên vùng đất anh hùng Bình Tân

(PLVN) - Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, với quyết tâm chính trị cao, cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân. Đến nay, huyện Bình Tân đã thay da đổi thịt, vinh dự được Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký quyết định công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Cũng cần nhắc rằng, huyện trước đây với nền kinh tế thuần nông chưa phát huy được tiềm năng tương xứng, đời sống dân trí chưa cao, nguồn thu ngân sách trên địa bàn huyện còn thấp, Bình Tân phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Thách thức không nhỏ

Trước khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, huyện Bình Tân là vùng có điểm xuất phát thấp về kinh tế - xã hội cũng như nguồn lực đầu tư cho phát triển còn hạn chế. Nhiều bài toán hóc búa được các lãnh đạo trăn trở đặt ra làm sao để phát triển, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội huyện nhà trong khi nguồn lực còn rất hạn chế. Xác định rõ phương hướng trọng tâm, không đầu tư dàn trải, huyện phải tranh thủ tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư từ các nguồn ngân sách (ngân sách Trung ương, tỉnh, vốn doanh nghiệp, vốn tín dụng và đóng góp của người dân) để thực hiện hoàn thành các tiêu chí về kết cấu hạ tầng nông thôn theo đúng quy định. Đó là một thách thức lớn đối với vùng kinh tế nông nghiệp là trọng điểm như Bình Tân lúc bấy giờ.

Một trong những tuyến đường hoa “xanh – sạch – đẹp” tô điểm thêm bức tranh xây dựng nông thôn mới.

Thêm vào đó, tuy điều kiện khí hậu của vùng khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng trong năm vẫn xảy ra hiện tượng hạn hán, ngập lũ mang tính chất cục bộ ở một số vùng làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển sản xuất của ngành nông nghiệp nói riêng và tốc độ phát triển kinh tế của huyện nói chung. Chính vì thế huyện Bình Tân phải đối mặt với vấn đề nan giải là vừa đề ra giải pháp tăng gia sản xuất vừa phải đảm bảo trong việc quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại dân cư gắn với phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đến khi khi các xã bắt đầu bước vào xây dựng nông thôn mới, thời điểm đó chỉ đạt từ 3-5 tiêu chí.

Ông Văn Hậu, ngụ xã Thành Lợi cho biết, ngày xưa mỗi lần đi từ xã lên huyện rất cực khổ, nhất là vào trời mưa, sình bùn, trơn trợt…đi ai cũng ngán. Mà nếu đi trời nắng thì cũng không dễ đi như bây giờ, ngày xưa đâu có đường liên xã liên huyện, cầu cũng ít phải đi một đoạn đường vòng rất xa và mất thời gian.

Nhưng vốn là một huyện có bề dày truyền thống văn hóa, phát huy mạnh mẽ tinh thần cách mạng và người Bình Tân luôn cần cù, sáng tạo, hăng hái lao động đã cùng nhau thực hiện phong trào thi đua “Bình Tân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Từ những yếu tố địa linh nhân kiệt, cốt cách con người, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Bình Tân nay đã thực hiện hoàn thành 09/09 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đạt 09/09 tiêu chí Huyện nông thôn mới).

Hiện thực hóa huyện nông thôn mới

Có thể nói, từ khi triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của huyện đã được đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố mạnh mẽ, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, an ninh trật tự ở nông thôn được giữ vững, an sinh xã hội ngày càng đảm bảo và các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường đã được quan tâm, ngày càng hoàn thiện. Tính từ năm 2011 đến nay, tổng nguồn lực mà huyện đã huy động thực hiện xây dựng nông thôn mới là: 12.202,5 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương và tỉnh: 1.486,6 tỷ đồng; huyện: 372,2 tỷ đồng và cộng đồng dân cư: 289,9 tỷ đồng...) đều được quản lý sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.

Huyện tập trung chỉ đạo cơ cấu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo đó, từ nguồn lực đã huy động được, UBND huyện đã tập trung phân bổ kinh phí đảm bảo khách quan, dân chủ, công bằng vào các công trình có trọng tâm, trọng điểm như: đầu tư nâng cấp, cứng hóa, làm mới và mở rộng 107 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 245,52 km, xây mới 35 cầu giao thông nông thôn dài 1.050m (giai đoạn 2011 – đến nay). Hệ thống thủy lợi cũng được đầu tư thực hiện 124 công trình với tổng kinh phí thực hiện 73,6 tỷ để người dân an tâm phát triển sản xuất. Huyện cũng đã đầu tư cải tạo, nâng cấp được 38 trường học, với tổng kinh phí hơn 448 tỷ đồng và vận động xây cất và sửa chữa 2.009 căn nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn với tổng kinh phí thực hiện là 64,5 tỷ đồng. Đến nay, mạng lưới điện, nước sạch trên địa bàn huyện Bình Tân được đầu tư hoàn chỉnh, phủ khắp các địa bàn dân cư. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của 9 xã đến năm 2021 là 0,73%, giảm đáng kể 2.040 hộ so với năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2021 là 51,11 triệu đồng/người/năm tăng gần 2,6 lần so với năm 2011…

Đặc biệt, Huyện Bình Tân có thế mạnh về phát triển nông nghiệp với diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 12.635,3 ha (chiếm 80% tổng diện tích đất tự nhiên). Huyện tập trung chỉ đạo cơ cấu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả, từ đó cho hiệu quả kinh tế cao hơn mô hình trồng lúa 3 vụ từ 2,5 -11,5 lần (giai đoạn 2015-2020 giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3,06%/năm)

Cùng với thành tích đó, mới đây huyện Bình Tân vinh dự được Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký quyết định công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tạo tiền đề phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao trong tương lai.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tập khẳng định, đạt được kết quả trên là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo từ Trung ương, Tỉnh Ủy cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình Tân với quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ, tập trung cao độ, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra. Ông Tập cho biết thêm, ngày nhận được thông báo huyện đạt chuẩn nông thôn mới, ông và anh em quá đỗi sung sướng tay bắt mặt mừng. Mừng vì ở đây không chỉ là thành quả xứng đáng sau bao nhiêu nỗ lực, mà còn mừng vì đời sống bà con được nâng cao lên từng ngày.

Quyết giữ vững mục tiêu từ “lượng” sang “chất”

Từ những ngày đặt viên gạch đầu tiên trong công tác xây dựng nông thôn mới, huyện Bình Tân luôn hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp. Nhưng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất đó phải hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với dịch vụ, thương mại, du lịch… hài hòa giữa phát triển nông thôn với đô thị. Ngoài ra, địa phương cũng quan tâm, đảm bảo môi trường sinh thái được bảo vệ, quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững, an toàn.

Theo ông Nguyễn Văn Tập, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân cho rằng, việc đạt được chuẩn nông thôn mới đã khó, thì việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí tất cả các xã đã đạt chuẩn lại càng khó.

Được biết, lộ trình từ đây đến năm 2025, huyện sẽ đề ra các mục tiêu: Giữ vững và nâng chất 09/09 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã được công nhận; Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 70-75triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,7% và tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 95%. Các tiêu chí còn lại như phấn đấu có 100% số trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững hay tiếp tục mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, bảo quản các mặt hàng nông sản...cũng sẽ được huyện quyết tâm triển khai thực hiện.

Đồng thời, để thực hiện mục tiêu trên, Đảng bộ, chính quyền huyện Bình Tân luôn đòi hỏi công tác chỉ đạo, quản lý điều hành các cấp ngày càng phải nâng cao năng lực theo hướng trọng tâm và sâu sát thực tiễn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Huyện sẽ tranh thủ huy động mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn một cách đồng bộ, đưa ra các giải pháp mới từ đó tạo sự chuyển biến tích cực từ đời sống, văn hóa, y tế, giáo dục của nhân dân.

Về với Bình Tân hôm nay, hình ảnh về mảnh đất nghèo khó xưa kia đã không còn, thay vào đó là diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện, với cơ sở hạ tầng khang trang và niềm vui phấn khởi của các tầng lớp nhân dân được tái hiện chân thật nhất thông qua cuộc sống bà con ngày hôm này. Dẫu biết, sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức chờ đợi phía trước, nhưng tin rằng “Bình Tân tương lai” phát triển tiến bộ vượt bậc, khoảng cách giữa đô thị và nông thôn ngày càng được thu hẹp.

Đọc thêm