Tách luật Giao thông đường bộ còn nhiều băn khoăn từ các Bộ, Ban ngành, Hiệp hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Liên quan đến việc chuyển công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao Thông Vận Tải (Bộ GTVT) về Bộ Công an quản lý nên lấy ý kiến rộng rãi, đảm bảo cơ sở khoa học, tránh chồng chéo và lãng phí ngân sách.
Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe
Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe

Tại hội thảo lấy ý kiến về Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) tổ chức có rất nhiều luồng ý kiến còn băn khoăn, trái chiều, khác nhau. Đa số đại biểu cho rằng, việc tiếp tục lấy ý kiến thông qua các hội thảo là rất cần thiết.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, yêu cầu quản lý về trật tự an toàn giao thông không chỉ được quy định trong Luật Bảo đảm an toàn giao thông mà còn cần được quy định trong xây dựng và quản lý kết cấu hạ tầng, hoạt động vận tải, kiểm tra về an toàn kỹ thuật của phương tiện, trong quản lý người lái xe. Bởi vậy, nếu tách thành 2 luật thì cần rà soát kỹ dự thảo của cả 2 luật để có sự thống nhất và không phát sinh chồng chéo, mâu thuẫn khi triển khai.

Liên quan đến việc chuyển công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT về Bộ Công an quản lý, ông Quyền cũng kiến nghị tiếp tục giao ngành giao thông quản lý. Theo ông Quyền, hiện cơ sở dữ liệu về GPLX trên toàn quốc đã được hình thành, sẵn sàng liên thông giữa ngành giao thông và công an, đáp ứng yêu cầu xử lý vi phạm đối với lái xe của ngành công an. Để không phát sinh những xáo trộn liên quan đến hàng triệu người thì ngành giao thông vẫn cần quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam, theo chỉ đạo của Chính phủ, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được sửa đổi theo hướng tách làm hai luật mới: Luật Ðường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông vận tải chủ trì, soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Theo ông Thanh, để thực hiện một quy định về giao thông đường bộ, người tham gia giao thông đường bộ phải tham khảo hai luật, từ đó phát sinh bất cập và có khả năng tranh chấp trách nhiệm, quyền hạn giữa Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an trong quản lý giao thông đường bộ.

Ông Thanh nhắc lại tháng 11/2020, Quốc hội đã lấy ý kiến và có hơn 60% đại biểu Quốc hội khóa 14 không đồng ý tách Luật giao thông đường bộ thành hai luật; không tán thành chuyển chức năng quản lý đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.

Theo Tiến sỹ Dương Tất Sinh - Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết Luật Giao thông đường bộ 2008 là tập hợp tổng thể các chế tài có liên quan đến giao thông đường bộ, quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ, điều khoản thi hành. Theo đó, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cần bổ sung và hoàn thiện các nội dung chi tiết còn bất cập của Luật Giao thông đường bộ 2008 là cần thiết. Nhưng việc tách thành 2 luật riêng là không phù hợp bởi nó sẽ làm mất tính logic, quan hệ tương hỗ và mất tính thống nhất giữa các nội dung cấu thành lĩnh vực giao thông đường bộ.

Tại hội nghị đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), nêu nhiều lý do cần tách các nội dung về an toàn giao thông khỏi Luật giao thông đường bộ hiện nay.

Luật Trật tự ATGT xoay quanh mục tiêu đảm bảo cho người tham gia giao thông được an toàn, chuyên sâu hóa các yếu tố xoay quanh an toàn giao thông như người, phương tiện và quy tắc giao thông, giải quyết các bất cập thực tế về an toàn giao thông, an ninh trật tự trên đường.

Luật Đường bộ có mục tiêu cơ bản là phát triển được hệ thống đường bộ hoàn thiện, có các thiết chế đáp ứng được yêu cầu quy hoạch, đầu tư, phát triển đường bộ trong thời kỳ mới.

Về đào tạo, sát hạch lái xe mục tiêu là người điều khiển xe có đầy đủ kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông. Luật An Toàn Giao Thông (ATGT) đã kế thừa các nội dung của Luật giao thông đường bộ 2008. Tại dự thảo của Bộ Công an trình lên Chính phủ không xây dựng hệ thống đào tạo, sát hạch lái xe riêng mà còn nói rõ xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa hoạt động này, các cơ sở đào tạo, sát hạch.

Tách luật riêng để giao cụ thể cơ quan nào chịu trách nhiệm khi xảy ra mất ATGT. Tai nạn xảy ra do người thì cơ quan cấp bằng lái chịu trách nhiệm. Nếu tai nạn xảy ra do đường, do biển báo thì bên quản lý hạ tầng chịu trách nhiệm. Làm như thế thì lợi cho xã hội, cho dân chứ chúng tôi không có lợi ích gì.

Sáng 10/2, Bộ Công an tổ chức hai Hội thảo khoa học "Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ" và "Phương hướng hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ."

Các hội thảo này nhằm làm rõ luận cứ, luận chứng khoa học để góp phần hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hướng tới xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn./.

Đọc thêm