Tái hiện lễ Ban Sóc của triều Nguyễn

(PLVN) - Sáng 1/1, Trung tâm Bảo tồn di tích Cô đô Huế tổ chức tái hiện lễ Ban Sóc của triều Nguyễn và khai trương không gian Ngọ Môn phục vụ du lịch.
Tái hiện lễ Ban Sóc của triêu Nguyễn
Tái hiện lễ Ban Sóc của triêu Nguyễn

Lễ Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch. Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, nên quyển lịch đối với đời sống con người có ý nghĩa rất đặc biệt. Xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ. Xem lịch để biết được sự thay đổi tiết trời mà ứng phó, phòng tránh thiên tai.

Lễ Ban Sóc được tổ chức thực sự quy mô là vào đầu triều Minh Mạng. Hằng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức lễ Ban Sóc dưới sự điều hành của hai viên ở bộ Lễ và Khâm Thiên Giám. Lịch được tiến vào Hoàng Cung để cho Hoàng gia dùng, lịch được phát cho các quan ở Kinh Thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng.

Lễ Ban Sóc được tổ chức ở cổng Ngọ Môn
Lễ Ban Sóc được tổ chức ở cổng Ngọ Môn 

Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết, lễ Ban Sóc trước đây được tổ chức ở sân điện Thái Hòa. Tuy nhiên, bắt đầu vào năm Tân Sửu 1841, lần đầu tiên, lễ Ban Sóc được hoàng đế Minh Mạng chỉ dụ thực hiện ở Ngọ Môn, vì việc ban lịch không chỉ dành cho triều đình sử dụng mà được ban ra đến tận thần dân và để khác với các nghi tiết đại triều nghi khác được tổ chức ở điện Thái Hòa.

Sau 180 năm, năm nay, cũng đúng vào năm Tân Sửu, lễ Ban Sóc ngày ấy đã được tái hiện qua hình thức sân khấu hóa với những trình thức, nghi tiết thuở xưa. Tái hiện Lễ Ban sóc là tái hiện tinh thần nhân văn của người xưa và là dịp để du khách cùng người dân Huế cùng trải nghiệm với di sản cố đô Huế trong ngày đầu năm mới với nhiều hy vọng đang gần đến.

Những vị khách đầu tiên đến tham quan khu Di sản Huế trong năm 2021
 Những vị khách đầu tiên đến tham quan khu Di sản Huế trong năm 2021

Cũng trong sáng cùng ngày, Trung tâm Bảo tồn di tích Cô đô Huế đã tổ chức lễ chào mừng những vị khách đầu tiên đến tham quan khu Di sản Huế trong năm 2021; và lễ khai trương không gian Ngọ Môn phục vụ du lịch. Ngọ Môn là cổng chính nằm ở phía Nam của Hoàng Thành Huế. Về tổng thể, Ngọ Môn được chia làm hai phần chính gồm phần nền đài và lầu Ngũ Phụng.

Ngọ Môn ngoài chức năng là cổng chính ra vào Hoàng Cung thì đây còn là một lễ đài trong nhiều sự kiện trọng đại của triều đình. Đây là nơi vua ngự xem duyệt binh, dự các lễ Truyền lô - xướng danh các sĩ tử thi đỗ tiến sỹ, lễ Ban sóc (ban bố lịch vào năm mới cho cả nước)… Đặc biệt vào năm 1945, chính tại nơi đây vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm lại cho cách mạng và chính thức nền phong kiến Việt Nam cáo chung.

Du khách tham quan Đại nội Huế
 Du khách tham quan Đại nội Huế 

Với vai trò quan trọng như vậy, Ngọ Môn luôn được quan tâm trùng tu, sửa chữa, đặc biệt vào năm Minh Mạng thứ 20 (1939) và dưới các đời vua Thành Thái, Khải Định. Sau khi triều Nguyễn cáo chung vào năm 1945, Ngọ Môn vẫn luôn được quan tâm bảo tồn, trùng tu vào các năm 1956, 1963 vì đây là một công trình đặc biệt quan trọng của quốc gia. Tuy nhiên, vào năm 1968, trong biến cố Mậu thân, Ngọ Môn nằm trong trọng tâm của vùng chiến sự nên đã bị hư hại nghiêm trọng, đặc biệt là Tả - Hữu Dực Lâu. Ngoài ra, hệ lan can chung quanh lầu cùng với hệ lan can hồ Ngoại Kim Thủy cũng đã bị tổn hại phần lớn.

Sau ngày đất nước được thống nhất, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước lẫn các tổ chức quốc tế Ngọ Môn đã trải qua rất nhiều đợt trùng tu, sửa chữa, trong đó phải kể đến là đợt tu bổ Ngọ Môn với quy mô lớn đã được tiến hành từ năm 1990 -1993, có sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản và hỗ trợ kỹ thuật của UNESCO.

Sau đợt tu bổ này tình trạng kỹ thuật lầu Ngũ Phụng đã được cải thiện rõ rệt. Đến năm 1999, Ngọ Môn được tiếp tục trùng tu, sửa chữa với hạng mục phục hồi đá Thanh bị hỏng cho 5 cửa. Đặc biệt, năm 2012, sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự án trùng tu tổng thể Ngọ Môn chính thức được triển khai với số vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn 2012-2015 và 2016-2019.

Lễ cắt băng khai trương không gian Ngọ Môn
 Lễ cắt băng khai trương không gian Ngọ Môn

Giai đoạn 2 của Dự án đượcđầu tư với tổng kinh phí khoảng 44 tỷ đồng với quy mô tiếp tục thực hiện những phần việc mà giai đoạn 1 chưa thực hiện, bao gồm: Sơn thếp toàn bộ cấu kiện gỗ lầu Ngũ Phụng (hai tầng nhà chính và Tả, Hữu Dực Lâu) bằng kỹ thuật sơn truyền thống gồm sơn son thếp vàng, sơn son không thếp, sơn quang tùy vào từng không gian khác nhau.

BOX: Cũng trong sáng ngày 01/01/2021, Sở Du lịch tỉnh TT- Huế tổ chức đón những vị khách đầu tiên đến Huế bằng đường hàng không. Theo đó, vào lúc 8h05phút cùng ngày, chuyến bay mang số hiệu VN1370 của Vietnam Airlines chở 193 hành khách đã hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Phú Bài.

Hai vị du khách đầu tiên đặt chân xuống Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài là ông Lê Ngọc Thiện và ông Nguyễn Dương Hồng Phát đã được lãnh đạo UBND tỉnh TT- Huế và Sở Du lịch cùng các đơn vị phối hợp và một số doanh nghiệp du lịch của tỉnh, trao hoa chúc mừng và tặng quà lưu niệm. Ngoài ra, các du khách đi cùng chuyến bay và các thành viên của tổ bay và tổ tiếp viên cũng được tặng quà lưu niệm và được thưởng thức chương trình biểu diễn Lân truyền thống chào mừng.

Lễ đón những du khách đầu tiên đến TT- Huế bằng đường hàng không năm 2021 sẽ là một khởi đầu quan trọng đầu năm mới 2021. Hy vọng những năm tiếp theo ngành du lịch TT- Huế sẽ đón được thêm nhiều du khách đến thăm quan, ghi dấu những bước tiến quan trọng xứng đáng là một ngành kinh tế mũi nhọn.

Đọc thêm