Tái hiện thi cử khoa bảng xưa để tìm Trạng nguyên đất Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sân Thái Học của Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Trường Đại học đầu tiên của đất nước, sôi động ngập tràn không khí thi cử của một thời khoa bảng giữa kinh đô Thăng Long xưa…
Tái hiện thi cử khoa bảng xưa để tìm Trạng nguyên đất Việt

Đội hình lính canh của triều đình sẽ giúp các sĩ tử thi

Ngày 17/10/2021, tại Trường THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Ban Tổ chức đã chính thức tổ chức Lễ phát động cuộc thi toàn quốc “Cùng Đức Việt & Miwon trở thành Trạng nguyên tuổi 13” - Lần thứ VII năm 2021 bằng hình thức trực tuyến.

Chung kết toàn quốc được tổ chức vào tháng 12 năm nay sẽ phát sóng trên kênh VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam. 100 thí sinh xuất sắc nhất được tuyển chọn từ vòng sơ khảo tại các trường trung học cơ sở các tỉnh, thành trong cả nước sẽ được tham dự. Điều đặc biệt nhất của chung kết cuộc thi năm nay là giải thưởng có giá trị rất cao, đó là: Giải Nhất trị giá 200 triệu đồng, giải Nhì 50 triệu đồng, giải Ba 30 triệu đồng, 4 giải Tư mỗi giải 10 triệu đồng.

Đây là mùa thứ 7 cuộc thi “Cùng Đức Việt & Miwon trở thành Trạng nguyên tuổi 13” tìm được nhiều trạng nguyên đất nước do Chuyên đề “Những ngôi trường toàn diện” - Tạp chí Thể thao và Cuộc sống và Công ty Cổ phần Truyền thông Văn hóa - Giáo dục Trạng Nguyên tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Daesang (Hàn Quốc), Đức Việt và Miwon Việt Nam.

6 mùa chung kết diễn ra tại sân Thái Học của Trung tâm Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Trường Đại học đầu tiên của đất nước, được trang hoàng pa nô, băng rôn khẩu hiệu và rực rỡ sắc màu của cờ và hoa để đón hàng trăm thí sinh tiêu biểu trong không khí thật tưng bừng và náo nhiệt. Sự có mặt của hàng trăm thầy, cô giáo, các vị phụ huynh, của các em học sinh đã tạo nên một Văn Miếu – Quốc Tử Giám vừa trang nghiêm vừa náo nhiệt, sôi động ngập tràn chất lễ hội của một thời khoa bảng giữa kinh đô Thăng Long xưa…

Gần 300 sĩ tử, thẻ đeo trước ngực cùng vinh dự tham gia Lễ dâng hương lên các vị hoàng đế, các vị danh nhân tiền bối được thờ tự tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trong lời chúc văn hào sảng, hòa trong tiếng trống, tiếng chiêng đầy sự trang nghiêm, kính cẩn, tỏ rõ sự biết ơn và lòng ngưỡng mộ của con cháu – những học sinh tiêu biểu của các trường thuộc nhiều tỉnh, thành – tham dự cuộc thi hết sức đặc biệt tại đây.

Sau Lễ dâng hương đầy kính cẩn và xúc động, các sĩ tử – mỗi người một bàn, một chiếu đã tề tựu đầy đủ trên sân Thái Học để tiến hành cuộc thi. Các thí sinh sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm 3 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và môn kỹ năng sống – Tự luận. Cuộc thi chuyên sâu về kiến thức văn hóa mà các em đã được học trong nhà trường, cùng với khả năng cảm nhận, suy nghĩ, ứng xử và phương pháp giải quyết kịp thời các vấn đề. Những nội dung mà xã hội quan tâm như vấn đề hoà nhập, bạo lực học đường, mạng xã hội, vấn đề vô cảm của giới trẻ...

Cuộc thi mô phỏng và tái hiện theo cách thi truyền thống lịch sử trước đây. Sau hồi trống khai cuộc, cuộc thi bắt đầu. Xung quanh trường thi, đội hình lính canh của triều đình trong trang phục cấm vệ quân – lính nhà vua với các màu xanh, vàng, đỏ, đầu đội nón, tay mang giáo dài, đứng gác uy nghi, cùng các thiếu nữ áo tứ thân sẵn sàng trợ giúp các sĩ tử những công việc liên quan đến thi cử, tạo nên một bức tranh đa sắc màu thật đẹp, trang nghiêm và cũng rất lý thú.

Theo quy định của trường thi, cứ sau khi kết thúc mỗi môn thi, sẽ có một tiếng trống báo vang lên, kết thúc buổi thi là một hồi ba tiếng trống. Giữa Văn Miếu – Quốc Tử Giám trầm mặc đã vang lên âm thanh rộn ràng của tiếng trống, của những hồi trống hội làm sôi động cả một khu phố cổ…

Có năm, ngoài giải thưởng dành cho các em giành danh hiệu cao, 09 em đoạt giải Trạng nguyên sẽ được tham gia chuyến tham quan các di tích lịch sử, thắng cảnh thành phố Huế và thành phố Đà Nẵng, giao lưu với các bạn học sinh giỏi tại thành phố Huế.

Phát huy truyền thống hiếu học dân tộc

Tại cuộc thi “Cùng Đức Việt & Miwon trở thành Trạng nguyên tuổi 13”, các sĩ tử không chỉ được học hỏi thêm về kiến thức, kỹ năng sống mà còn có thêm hiểu biết về truyền thống hiếu học và truyền thống thi cử nghiêm túc trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Các sĩ tử đều được giáo dục những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, như: lòng nhân ái, hiếu học, kính trọng cha mẹ và thầy cô giáo, luôn yêu thương, chia sẻ với bạn bè…

Sau các phần thi, Ban tổ chức đã tìm ra Trạng nguyên tài giỏi. Năm 2020, giải Đệ nhất Trạng nguyên được trao cho một học sinh của thành phố Hà Nội là em Đỗ Phúc An Nguyên (lớp 7A3, Trường Trung học cơ sở Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm); 2 giải Đệ nhị Trạng nguyên thuộc về em Lê Đình Phúc (lớp 9, Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Nguyễn Hữu Bảo Lâm (lớp 8, Trường Trung học cơ sở Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ngoài ra, còn có 12 học sinh được trao giải Bảng nhãn và 24 học sinh được trao giải Thám hoa.

Năm 2019, Đệ nhất Trạng nguyên được trao cho Dương Quốc Khánh - lớp 8A5 – THCS Cát Linh (Hà Nội), Nguyễn Tuyết Mai – Lớp 8A1 – THCS Hà Huy Tập (Hà Nội), Nguyễn Hồng Nguyên – lớp 8A2 – THCS Phan Chu Trinh (Hà Nội), Lê Thùy Dương – lớp 7A1 – THCS Ngô Gia Tự (Hà Nội), Phùng Dương Bảo Linh – 6A4 – THCS Thăng Long (Hà Nội), Nguyễn Gia Khôi – lớp 7A1 – THCS Tân Thành (TP Thái Nguyên), Trần Sơn Tùng – lớp 6A2 – THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội); Lại Gia Linh – lớp 6A6 – THCS Lý Thường Kiệt (Hà Nội), Đỗ Thị Mỹ Duyên – lớp 9G – THCS Dục Tú (Hà Nội).

Năm 2018, Ba đệ nhất Trạng nguyên thuộc về Nguyễn Thành An (lớp 8A, Trường THCS Tân Dân, Bắc Giang), Nguyễn Trí Thức (lớp 8A6, Trường THCS Nguyễn Văn Tự, Hà Nội) và Nguyễn Khánh Huyền (lớp 9A6, Trường THCS Cát Linh, Hà Nội).

Năm 2017, 3 Đệ nhất Trạng nguyên là sĩ tử Nguyễn Phan Hiền, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Nguyễn Đăng Đạo, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh; sĩ tử Đào Quỳnh Hương, lớp 8A, Trường THCS Lê Quý Đôn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La và sĩ tử Nguyễn Bình Minh, học sinh lớp 6A1, Trường THCS Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội. Đặc biệt là thí sinh Quỳnh Hương (Sơn La) vượt qua 30.000 học sinh trở thành Đệ nhất Trạng nguyên tuổi 13.

Trạng nguyên Quỳnh Hương xúc động: “Từ vùng núi xa xôi, em được về Kinh đô Thăng Long xưa - Hà Nội để thi Trạng nguyên, em rất hồi hộp và tự hào. Trước các sĩ tử đến từ các tỉnh, thành, em khá rụt rè. Dù vậy, em cố gắng hết mình và vượt qua các phần thi. Trở thành Trạng nguyên, đó là món quà tinh thần em dành tặng gia đình. Và hơn thế, đây là động lực để em cố gắng học tập tốt để sau này góp sức dựng xây đất nước”.

Ông Cho Nam Il, Tổng Giám đốc Đức Việt chia sẻ, chúng tôi đã tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, trong đó có cuộc thi “Cùng Đức Việt trở thành Trạng nguyên tuổi 13”. Đây là sân chơi kiến thức hết sức có ý nghĩa trong việc động viên, khích lệ các em chăm ngoan, học giỏi và sống vui tươi, lành mạnh, thích ứng với cuộc sống thực tại, có bản lĩnh và trình độ trong thời đại công nghiệp hoá và hội nhập quốc tế”.

Chia sẻ tại cuộc thi chung kết, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi - Biên tập viên cao cấp Vũ Quang Vinh - Tổng Biên tập Tạp chí Thể thao và Cuộc sống cho biết, mỗi năm, số lượng thí sinh tăng lên, không chỉ ở Thủ đô Hà Nội mà còn có cả học sinh các tỉnh vùng sâu, vùng xa... nhằm khuyến khích các em có thêm tình yêu với Tổ quốc, đối với truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Nguồn gốc cách gọi Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa

Trạng nguyên là một danh hiệu thuộc học vị tiến sĩ của người đỗ thứ hạng cao nhất trong các khoa đình, thời phong kiến ở Trung Quốc, Việt Nam, Cao Ly. Người đỗ Trạng nguyên và tất cả những người đỗ tiến sĩ đều phải vượt qua cả 3 kỳ thi: thi Hương, thi Hội và thi Đình. Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa lần lượt là các danh hiệu dành cho các vị trí nhất, nhì, ba.

Ngoài ra, Trạng nguyên cũng là một tước hiệu trong triều đình phong kiến Việt Nam. Trạng nguyên tương tự như là cố vấn cấp cao nhất của các hoàng đế.

Tại Việt Nam, các kỳ thi Nho học dưới chế độ phong kiến đã được tổ chức từ thời nhà Lý, khoa thi đầu tiên được tổ chức năm 1075 là Khoa thi Minh Kinh (những người uyên bác Kinh sử) và khoa thi cuối cùng năm 1919. Trải qua 844 năm cả nước tổ chức được 185 khoa thi, lấy đỗ 2898 vị đỗ đại khoa. Nhưng ngôi vị Trạng nguyên thì không phải được quy định ngay từ đầu mà chỉ đến năm Thiên Ứng Chính Bình 1247 đời Vua Trần Thái Tông mới đặt ra định chế Tam khôi, theo đó sỹ tử sẽ trải qua đủ ba kỳ thi là: thi Hương, thi Hội, thi Đình.

Tại kỳ thi Đình, sẽ lấy đỗ tam giáp là đệ nhất giáp tiến sỹ cập đệ, đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân và đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân. Trong đệ nhất giáp lại lấy tam khôi (người đỗ cao nhất là Trạng nguyên, người thứ 2 là Bảng mhãn, người thứ ba là Thám hoa). Theo đó, năm 1247 Trạng nguyên đầu tiên là Nguyễn Quan Quang, Bảng nhãn là Phạm Văn Tuấn và Thám hoa là Vương Hiểu Phùng.

Đọc thêm