Tại sao chưa khởi tố vụ sập cầu treo Chu Va?

(PLO) - Công an tỉnh Lai Châu cho rằng kết luận của Bộ chưa đủ cơ sở để khởi tố vụ án Hình sự mà phải chờ kết luận giám định từ Viện Khoa học Hình sự. Lập luận của công an Lai Châu có phù hợp với các quy định của pháp luật hay không?
Tại sao chưa khởi tố vụ sập cầu treo Chu Va?
Cơ quan điều tra sẽ buộc phải ra quyết định khởi tố vụ án khi nào? Tội danh cụ thể ra sao? Phóng viên PLVN đã có cuộc trao đổi với thạc sỹ luật Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) xung quanh vấn đề này:
- Thưa ông, việc xem xét trách nhiệm hình sự trong vụ sập cầu treo được đặt ra khi nào?
Nếu xác định nguyên nhân sập cầu do những nạn nhân không tuân thủ tải trọng thiết kế của cầu khiến cho cầu quá tải mà sập thì vấn đề trách nhiệm Hình sự sẽ không đặt ra. Nếu xác định nguyên nhân sập cầu do thiết kế, thi công có sai phạm quy chuẩn, tiêu chuẩn thì sẽ phải xem xét truy cứu trách nhiệm Hình sự. 
Cho đến thời điểm này, nguyên nhân do quá tải gần như đã bị loại bỏ theo nhiều ý kiến chuyên gia, cũng như quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải thì. Giờ chỉ chờ xác định nguyên nhân từ lỗi thiết kế, thi công thì sẽ phải khởi tố vụ án Hình sự bởi hậu quả gây thiệt hại về tính mạng, tài sản đã xảy ra.
- Tại sao cơ quan điều tra tỉnh Lai Châu vẫn chưa ra quyết định khởi tố vụ án sập cầu treo dù nguyên nhân sơ bộ đã được Bộ Giao thông-Vận tải công bố không phải do lỗi từ phía các nạn nhân?
Điều 100 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm”. Dấu hiệu tội phạm chính là những tài liệu ban đầu về sự kiện phạm tội nói chung, chưa phải tài liệu về người phạm tội cụ thể nào. Cơ quan điều tra đang chờ kết luận giám định từ Viện khoa học Hình sự để từ đó xác định có hay không dấu hiệu tội phạm. Có dấu hiệu tội phạm thì mới đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự.
- Ông có thể giải thích rõ hơn, tại sao cơ quan điều tra phải dựa vào kết luận giám định từ Viện khoa học Hình sự mà không dựa trên kết luận của các cơ quan quản lý chuyên ngành?
Thứ nhất, giám định tư pháp trong lực lượng công an có nhiệm vụ đưa ra kết luận chuyên môn về những vấn đề có liên quan đến các vụ án Hình sự. Cụ thể, Khoản 1 Mục I Thông tư 09/2006/TT-BCA-C11 của Bộ Công an hướng dẫn giám định tư pháp trong lực lượng công an nhân dân thì: “Giám định tư pháp trong lực lượng Công an nhân dân bao gồm giám định kỹ thuật hình sự và pháp y.
Giám định kỹ thuật hình sự và pháp y trong lực lượng Công an nhân dân là những lĩnh vực giám định tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời là biện pháp khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ của ngành Công an.
Cơ quan chức năng xem xét hiện trường sập cầu
  Cơ quan chức năng xem xét hiện trường sập cầu
Căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành và trên cơ sở ứng dụng những thành tựu của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, giám định kỹ thuật hình sự và pháp y có nhiệm vụ phát hiện, thu thập và giám định dấu vết, mẫu vật, tài liệu, đưa ra kết luận chuyên môn về những vấn đề có liên quan đến các vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm phục vụ giải quyết các vụ án và vụ việc dân sự”.
Thứ hai, liên quan đến phân cấp giám định trong ngành công an. “Viện Khoa học Hình sự là cơ quan giám định cao nhất của ngành Công an tiến hành giám định tất cả các chuyên ngành giám định kỹ thuật Hình sự và giám định pháp y” (Điểm a Khoản 2 Mục III Thông tư 09/2006/TT-BCA-C11).
- Hiện nay, mẫu ốc neo đã được công an Lai Châu gửi giám định. Đặt giả định kết luận giám định cho thấy do ốc neo cáp của cầu làm ẩu. Thay vì phải đúc nguyên khối thì con ốc này lại hàn nối nên khả năng chịu lực kém, gây hậu quả sập cầu thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự?
Để xây dựng hoàn chỉnh một cây cầu, thường có 3 chủ thể chịu trách nhiệm đó là: Thiết kế, thi công và giám sát thi công. Từ đó, xem xét lỗi thuộc về bên nào. Trước tiên, phải xem thiết kế có đúng không. Nếu thiết kế đúng thì vô tội. Thứ hai là người thi công có làm theo đúng thiết kế không? Thứ ba, trách nhiệm của người giám sát, tại sao làm sai lại không phát hiện mà bỏ qua?
- Tội danh cụ thể nào sẽ được áp dụng?
Nếu xác định sập cầu là do lỗi xây dựng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm Hình sự về “Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự (BLHS).  Cấu thành cơ bản của tội phạm được Khoản 1 Điều 229 BLHS quy định: “Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 (Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông-PV) của Bộ luật này  gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại  nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.
- Mức hình phạt cao nhất áp dụng cho tội danh này?
Khoản 3 Điều 229 BLHS quy định: “Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến hai mươi năm”.
- Thế nào được coi là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng?
Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho tội danh này cho đến nay vẫn chưa được các văn bản hướng dẫn định tính và định lượng cụ thể.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đọc thêm