Tấm lòng của chàng trai bán bộ sưu tập xe máy cổ giúp đỡ bà con nghèo giữa đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mặc dù garage sửa xe phải đóng cửa và mọi hoạt động làm ăn đều “đóng băng” do dịch bệnh Covid-19 nhưng với tấm lòng thiện nguyện “nhường cơm sẻ áo”, anh Nguyễn Hoàng Giang, biệt danh Tuấn Xì-po (34 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) – Chủ Gagare xe Tuấn Sport đã sẵn sàng bán vàng, bán bộ sưu tập xe máy cổ mình yêu thích để thành lập “bếp ăn 0 đồng”, cứu trợ thực phẩm, rau củ cho bà con nghèo, khó khăn giữa đại dịch.

“Hô biến” garage thành “bếp ăn dã chiến”

Từ khi TP Cần Thơ bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, anh Giang đã có nhiều việc làm, hành động ý nghĩa để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, cô thế. Nói về công việc ý nghĩa này, anh Giang chia sẻ, lúc đầu thực hiện giãn cách xã hội, thấy bà con đi lại khó khăn, thiếu thốn thực phẩm, nhu yếu phẩm nên đã lấy tiền của gia đình để cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ bà con qua khỏi cảnh khó khăn.

Gia đình anh Giang chuẩn bị phần cơm để trao tận tay cho người dân khó khăn trong dịch bệnh Covid-19.

Gia đình anh Giang chuẩn bị phần cơm để trao tận tay cho người dân khó khăn trong dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên sau đó, trong một lần đi vào bệnh viện đưa vợ đi sanh giữa lúc TP Cần Thơ đang thực hiện giãn cách xã hội, thấy nhiều bệnh nhân và người nhà gặp khó khăn trong việc ăn uống do căn-tin và quán xá đều ngừng hoạt động. “Thấy vậy tôi mới nảy sinh ý tưởng hỗ trợ cơm cho bà con. Vấn đề ăn uống của bà con ngay lúc này là quan trọng nhất. Ban đầu, chỉ nấu 20 - 30 phần/ ngày, tuy nhiên sau đó do nhu cầu của người dân ngày càng cao, số người cần giúp đỡ ngày càng nhiều nên anh đã tăng số lượng lên 500-700 phần/ngày”, anh Giang nói.

Những phần cơm nghĩa tình được nấu tại “bếp ăn dã chiến” ngay chính Garage sửa xe của anh Giang. Hàng trăm suất cơm mỗi ngày được trao tặng cho người lao động nghèo, sinh viên, các khu trọ, bệnh viện, chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Cần Thơ. Đều đặn mỗi ngày trong suốt thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ khoảng 5 giờ sáng garage xe của anh Giang tập trung khoảng 10-15 người bắt tay vào công việc nấu cơm hỗ trợ cho bà con. Mỗi người một việc, từ lặt rau, nấu cơm, làm cá, sơ chế thực phẩm cho đến phân chia khẩu phần ăn…đều được mọi người phân chia công việc với nhau thực hiện rất nghiêm túc, chỉn chu và sạch sẽ. Tất cả thành viên đều là người nhà, bạn bè hoặc học viên của garage. Nếu ngày thường, anh Giang và các học trò phải cầm tua vít, tay lấm lem dầu nhớt thì những ngày dịch bệnh thứ họ đụng đến là nồi, niêu, xoong, chảo… Theo anh Giang, “một miếng khi đói, bằng một gói khi no, thời điểm khó khăn là lúc bà con cần mình giúp đỡ nhất, sức của mình tới đâu thì mình giúp tới đó. Bản thân mình cũng kinh doanh nhỏ lẻ mặc dù công việc cũng trì trệ vì dịch bệnh nhưng thời gian trước công việc thuận lợi cũng có dư giả đôi chút thì đây là thời điểm cần thiết để mình san sẻ giúp đỡ mọi người”.

Để chuẩn bị 500-700 phần cơm như vậy, mỗi ngày anh Giang phải bỏ ra chi phí từ 5.000.000- 7.000.000đ, có khi được hỗ trợ gạo, thực phẩm, nông sản thì chi phí dao động 2.000.000đ – 4.000.000đ. Khoảng tiền này là tiền dành dụm của gia đình. “Anh không nhận tiền hỗ trợ và không vận động mạnh thường quân. Sức mình có tới đâu thì mình làm tới đó. Bà con có ủng hộ thì chỉ nhận gạo, thực phẩm, rau củ thôi chứ tuyệt đối không nhận tiền”.

Anh Giang chuẩn bị nông sản, rau củ để tặng cho người khó khăn

Anh Giang chuẩn bị nông sản, rau củ để tặng cho người khó khăn

Anh Giang tâm sự, để có tiền hỗ trợ bà con, anh đã bàn với vợ bán vàng dành dụm và 6 chiếc xe máy cổ trong bộ sưu tập xe mà anh yêu thích được số tiền khoảng 300 triệu đồng. Chia sẻ về quyết định táo bạo này, anh Giang nói: “Vàng hay xe mình bán đi sau này mình có tiền mình mua lại. Bây giờ bà con cần mình giúp thì mình phải giúp, không giúp được bà con thấy trong lòng không yên”.

· Khát khao giúp đỡ trẻ em khó khăn, cơ nhỡ

Chị Lý Thị Ngọc Nga (29 tuổi) - vợ anh Giang bộc bạch: “Lúc chồng đòi bán xe, bán vàng, tôi có khuyên can vì lúc đó tôi mới sinh bé thứ hai, garage tạm ngừng kinh doanh, hàng tá chi phí phải chi trả nữa. Nhưng thấy chồng rầu rĩ vì không giúp được mọi người nên tôi ủng hộ chồng và đồng hành cùng anh ấy giúp đỡ bà con. Không cho anh Giang làm thì anh buồn. Anh nói hoàn cảnh hồi xưa anh cũng đi lên từ mồ côi, khó khăn lắm. Sau này thấy anh làm, bà con người ta cám ơn anh nhiều, tôi thấy vui, ủng hộ anh thêm. Tới đâu mình làm tới đó, cố gắng làm hết sức mình để giúp thêm nhiều người nữa”.

Nếu ai biết được hoàn cảnh của anh Giang thì sẽ hiểu được cái tình cảm chân thật và đầm ấm mà anh dành cho những người nghèo, khó khăn. Anh Giang vốn xuất thân là trẻ mồ côi, tuổi thơ nếm trải nhiều cơ cực, trắc trở nên hơn ai hết anh là người hiểu và đồng cảm với những phận đời khốn khó. Trước đây, anh may mắn được nhiều người cưu mang, giúp đỡ nên anh luôn tâm niệm khi cuộc sống ổn định sẽ làm từ thiện để trả ơn đời. Anh thường xuyên giúp đỡ người khó khăn, nhất là trẻ em cơ nhỡ, mồ côi… Đặc biệt, đến nay, anh đã dạy nghề sửa xe miễn phí và hỗ trợ chỗ ở cho gần 20 bạn trẻ khó khăn và thường nấu ăn cho người nghèo.

Để những phần cơm hợp khẩu vị và có đầy đủ dinh dưỡng giúp bà con có sức khỏe, đề kháng vượt qua dịch bệnh, anh Giang và những cộng sự luôn phải “đau đầu” suy nghĩ và thay đổi thực đơn hàng ngày, để đa dạng và phong phú hơn, không để cho người ăn bị ngán. Ngoài việc tổ chức nấu cơm từ thiện, anh Giang còn mua nông sản giúp dân rồi đem tặng người nghèo và tặng hàng trăm phần quà gồm gạo, chà bông, nhu yếu phẩm cho người dân trong các khu phong tỏa.

Người dân phấn khởi với bếp ăn không đồng của anh Giang

Người dân phấn khởi với bếp ăn không đồng của anh Giang

“Anh làm công việc này giúp cho bà con lúc dịch bệnh khó khăn. Nếu như có điều kiện thì qua dịch anh sẽ tiếp tục duy trì công việc này mang tính chất chuyên nghiệp hơn. Dự kiến sắp tới, tại gara rất rộng, anh sẽ mở thêm một trung tâm dạy ngoại ngữ cho trẻ em khó khăn; nuôi dạy luôn trẻ em cơ nhỡ trên địa bàn Cần Thơ”, anh Giang cho hay.

Khi dịch bệnh ở Cần Thơ đã dần được kiểm soát, anh Giang và những người cộng sự cũng không thể nhớ họ đã giúp đỡ bao nhiêu phần ăn, bao nhiêu tấn gạo, bao nhiêu tấn rau củ, nông sản. Cái mà họ nhớ là hàng ngàn nụ cười tỏa sáng của những người dân khó khăn đã tiếp sức, tạo động lực để họ cố gắng, vươn lên giúp đỡ cuộc đời, giúp đỡ những hoàn cảnh cơ nhỡ.

Đọc thêm