Tâm sự nữ chấp hành viên trẻ về những vụ Thi hành án dân sự tiền tỷ

(PLVN) - Năm 2013 đánh dấu bước ngoặt cuộc đời khi tôi trúng tuyển trong kỳ tuyển dụng công chức ngành Thi hành án dân sự (THADS) và chính thức chuyển công tác sang Chi cục THADS TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Chấp hành viên Đinh Thị Hồng Phượng.

Trước đó, mặc dù tôi đã có kinh nghiệm hai năm công tác tại Phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc nhưng bắt đầu bước sang lĩnh vực THADS với nhiều khó khăn phức tạp, tôi xác định vẫn phải tiếp tục nỗ lực học hỏi không ngừng.

Tại cơ quan THADS, vị trí công việc ban đầu của tôi là chuyên viên, rồi thư ký giúp việc các anh chị chấp hành viên, cho đến nay trở thành một Chấp hành viên sơ cấp. Quá trình công tác, tôi đã hỗ trợ và thực thi khoảng trên 2000 việc với số tiền khoảng trên 100 tỷ đồng.

Chấp hành viên Đinh Thị Hồng Phượng tự hào được khoác trên mình bộ đồng phục ngành Thi hành án dân sự. (ảnh: NVCC)

Ly kỳ việc đi tìm tài sản Thi hành án bị cất giấu cách 300km

Tôi đã từng thực hiện việc cưỡng chế giao tài sản nhà đất cho người trúng đấu giá tài sản, cưỡng chế toàn bộ gia đình di rời cả người và tài sản ra khỏi nhà để giao cho người trúng đấu giá tài sản tại Chấn Hưng, Vĩnh Tường hay tại phường Hội Hợp, Vĩnh Yên. Đối với một nữ chấp hành viên trẻ như tôi, đây là công việc vô cùng phức tạp, khó khăn.

Có những vụ việc phải lập kế hoạch cưỡng chế, huy động đến hàng 100 đồng chí chiến sĩ công an, cơ quan ban ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân cùng tham gia, điều đáng buồn nhất đối với tôi là sau khi người phải thi hành án chống đối quyết liệt nhưng vẫn phải thực thi sau khi cưỡng chế, tôi luôn phải chứng kiến những giọt nước mắt muộn màng của người phải thi hành án, bởi nếu có thể cố gắng lắng nghe hơn, cố gắng phối hợp cùng Chấp hành viên tìm ra giải pháp tốt hơn, thì có lẽ họ đã không phải mất mát quá lớn như ngày tổ chức cưỡng chế.

Ngoài những công việc, xác minh điều kiện thi hành án, cưỡng chế tài sản của người phải thi hành án án thế chấp trên địa bàn thì việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, tìm tài sản của người phải thi hành án ở những nơi khác nhau khiến công việc của Chấp hành viên gặp nhiều trở ngại.

Đơn cử như một vụ việc tại Chi cục THADS TP Vĩnh Yên, người phải thi hành án là một doanh nghiệp tư nhân bị tuyên phải trả nợ cho Ngân hàng trên 3 tỷ đồng, cộng thêm khoản lãi suất. Tài sản thế chấp gồm 01 máy đào bánh xích, 01 ô tô 05 chỗ, 01 xe tải 7,7 tấn, 01 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại địa phương.

Đối với tài sản thế chấp là 01 máy đào bánh xích nhãn hiệu Komatsu. Chấp hành viên đã truy tìm xác minh tài sản với khoảng cách gần 300km, phải di chuyển suốt 1 ngày đêm không nghỉ phối hợp cùng Chi cục THADS huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai và có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, đại diện chính quyền địa phương xã Tung Chung Phố và công an xã Tung Chung Phố đã tạm giữ tài sản thế chấp tại thôn Can Hồ, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

Nhằm trốn tránh nghĩa vụ phải thi hành án, doanh nghiệp tư nhân này đã cố tình vận chuyển tài sản thế chấp ra khỏi địa bàn quản lý, tuy nhiên với sự nhạy bén, cùng sự hỗ trợ của người được thi hành án và các đồng nghiệp, cơ quan tại các tỉnh thành, Chấp hành viên đã truy tìm tạm giữ được tài sản và xử lý xong để thu hồi nợ cho Ngân hàng, đảm bảo tính nghiêm minh của bản án.

Trích cảnh tạm giữ tài sản tại thôn Can Hồ, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai (ảnh: NVCC).

Hơn 1000 ngày hoá giải một vụ cưỡng chế thi hành án bằng nghĩa tình

Có những vụ việc kéo dài từ năm 2011 đến 2024 mới có một kết quả thực sự hài hòa cho cả người được thi hành án và người phải thi hành án. Đó là vụ bản án tuyên trả tiền với số tiền trên 2 tỷ đồng, nhưng người thua kiện cố tình không thực hiện. Nữ đương sự bị thi hành án phản đối cách giải quyết của Chấp hành viên đã ra Quyết định kê biên xử lý tài sản của bà ta; thậm chí đương sự này đã nhiều lần bị khiếu nại, tố cáo Chấp hành viên để gây sức ép.

Một Hội nghị công tác thi hành án tại Chi cục THADS TP Vĩnh Yên, trong ảnh là đồng chí Nguyễn Thị Kim Yến - Cục trưởng THADS tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu chỉ đạo.

Tuy nhiên bản thân tôi sau khi tiếp nhận hồ sơ từ năm 2021, nhận thấy ngoài nội dung bản án đã tuyên thì câu chuyện của đương sự cũng là kênh thông tin đưa ra giải pháp. Qua xác minh, tôi được biết người phải chấp hành án hiện nay không có chỗ ở ổn định, nên tôi đã thuyết phục bên được thi hành án có thiện chí chấp nhận thu tiền từng tháng theo khả năng thu nhập của đối phương. Sau quá trình làm việc, tháo gỡ các mâu thuẫn từ bên trong, hóa giải hiểu lầm trong quá khứ của đôi bên đương sự, cũng như khơi dậy tình nghĩa, sự chia sẻ, cảm thông của các bên; bằng tất cả sự tận tâm trên cơ sở phân tích các quy định pháp luật, chấp hành viên đã hóa giải những bức xúc trong nhiều năm giữa đôi bên và phân tích cho đương sự hiểu ra “có nợ phải trả” không chỉ là nguyên tắc pháp lý mà còn là quy luật của cuộc đời và hai bên tự nguyện thi hành án là giải pháp tốt nhất.

Đến tháng 11 năm 2024 các bên đương sự đã kí thỏa thuận và thực hiện xong để khép lại vụ án. Khép lại một cái kết đẹp khi cả người được thi hành án và người phải thi hành án nở nụ cười và chân thành cảm ơn Chấp hành viên.

Tập thể Chi cục THADS TP Vĩnh Yên luôn đoàn kết, phát triển.

(ảnh: NVCC)

Phần thưởng trân quý nhất

Hơn 12 năm gắn bó cùng ngành THADS, hành trình vừa vặn để tôi có đủ trải nghiệm và cảm nhận để có thể viết nên những câu chuyện thực tiễn trong quá trình THADS, để nói lên những gian nan vất vả cũng như niềm hạnh phúc trong nghề của một Chấp hành viên.

Vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn, thử thách, vất vả và cũng đã nếm trải không ít đắng ngọt, từ việc bị đương sự mắng chửi, lăng mạ, hăm dọa cho đến những lời hỏi thăm, động viên, cảm ơn, những vinh dự nhất vẫn là những thành quả công tác của mình đã được ngành cấp trên xem xét và công nhận, tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, từ Lao động tiên tiến, Giấy khen của Cục trưởng THADS tỉnh Vĩnh Phúc; đến Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện năm 2017, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023.

Với chúng tôi, mỗi câu chuyện nghề THADS như một nét chấm phá trong bức tranh công lý được người Chấp hành viên gánh vác trên vai. Và phần thưởng trân quý nhất, với người nữ chấp hành viên như tôi, đôi khi là niềm vui của những đương sự yếu thế được thi hành án nhận lại tài sản thuộc về mình; hay đôi khi là lời cảm ơn từ đáy lòng của đương sự đã từng bị chúng tôi cưỡng chế thi hành án nhưng nhờ vậy mà họ hiểu ra sự công bằng, nhân văn của pháp luật và chấp hành viên đã giải quyết sự việc hài hòa, thấu tình đạt lý.

Đinh Thị Hồng Phượng

Chấp hành viên,

Chi cục THADS thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc

Đọc thêm