Ngày 30/09/2014, TAND quận Tân Phú tuyên bác đơn khởi kiện vụ án hành chính của gia đình ông Bùi Văn Phước (thường trú 102 kênh Tân Hóa, phường Phú Trung, quận Tân Phú) đối với UBND quận Tân Phú về Quyết định 4979 và Quyết định 6710 về việc thu hồi, bồi thường hỗ trợ 13,02m2 đất dự án cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm.
Mặc dù là bị đơn và là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng UBND quận, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) quận Tân Phú, UBND phường Phú Trung… đều không có mặt trong buổi tuyên án và cả trong phiên xét xử trước đó một tuần!?
Tại phiên tòa, Thẩm phán Lê Thị Tuyết Trinh – Chủ tọa phiên tòa - nêu quan điểm: “Việc UBND quận Tân Phú ban hành Quyết định 4979 và Quyết định 6710 về việc thu hồi và bồi thường 13,02m2 đất nói trên là có cơ sở và đúng quy định pháp luật. Do đó, ông Phước khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy quyết định hành chính nói trên là không có cơ sở…”.
Điều này đồng nghĩa với việc TAND quận Tân Phú công nhận cho ông Huỳnh Lang (người được ông Phước cho ở nhờ) được nhận bồi thường, khiến nguyên đơn bức xúc, đồng thời dập tắt những câu hỏi của luật sư bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng và những căn cứ pháp lý để UBND quận ban hành các quyết định nói trên…
Như PLVN đã nêu trong số báo ra ngày 17/01/2014, 13,02m2 đất trong vụ việc trên thuộc một phần thửa 64, tờ bản đồ số 102 (BĐĐC 2005) nằm trong diện tích 10.000m2 số địa bộ 408, số bản đồ 407365-246, tờ bản đồ thứ 3 tọa lạc tại ấp Hòa Thạnh, xã Phú Thọ Hòa, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường Phú Trung, quận Tân Phú) do ông Bùi Văn Đỏ (ông nội ông Phước) để lại từ trước giải phóng.
Năm 1978 Nhà nước trưng dụng phần lớn để đào kênh Tân Hóa, phần còn lại con cháu của ông Đỏ tiếp tục sử dụng ổn định cho tới nay. Điều đáng nói là sau khi lấy đất đào kênh không bồi thường hỗ trợ, chính quyền sở tại còn không cho gia đình ông Phước và ông Nhu (cháu nội của ông Đỏ) đăng ký kê khai với lý do đất nằm trong diện giải tỏa, đồng thời còn cho rằng các hộ này lấn chiếm hành lang kênh khiến toàn bộ cây cối, nhà cửa, tài sản đều đã bị cưỡng chế phá bỏ…
Trong khi đó, ông Huỳnh Lang là người được ông Phước cho ở nhờ vào thời điểm năm 1994 không có một căn cứ pháp lý nào chứng minh nguồn gốc đất là của mình nhưng lại được UBND quận Tân Phú cho hưởng tiền bồi thường theo Quyết định 6710.
Rõ ràng hơn, tại Biên bản lấy ý kiến do Ban BTGPMB quận Tân Phú và UBND phường Phú Trung lập ngày 13/10/2011, vợ chồng ông Lang xin ông Phước hỗ trợ 80 triệu đồng để thuê nhà ở, tuy nhiên ông Phước chỉ đồng ý cho 50 triệu đồng. Sau đó, ông Phước đồng ý cho 80 triệu đồng nhưng ông Lang lại đòi 120 triệu nên ông Phước không chấp nhận. Còn UBND phường Phú Trung lại nại ra lý do ông Lang được nhận tiền bồi thường vì phần đất trên do ông Lang lấn chiếm và sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993?!
Một mặt phủ nhận nguồn gốc hợp pháp phần đất của ông Phước, mặt khác Phó Chủ tịch phường Phú Trung Trịnh Thị Mỹ Dung còn chứng thực trong bản tường trình ngày 18/04/2011 rằng phần đất bồi thường cho ông Huỳnh Lang có nguồn gốc là đất trống, ông Lang được ông Nguyễn Văn Bằng, cán bộ ủy ban cho ở… Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PLVN, ông Bằng là con cháu trong gia đình của ông Phước và ông Bằng đã chết cách thời điểm UBND phường Tân Thành chứng giấy tờ nói trên khoảng hơn 7 năm về trước.
Sau hơn một năm rưỡi kể từ thời điểm có thông báo thụ lý vụ án, TAND quận Tân Phú mới đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là căn cứ vào đâu để UBND phường Phú Trung, UBND quận Tân Phú cho rằng nguồn gốc đất nói trên là đất trống, để từ đó ban hành một quyết định bồi thường tréo ngoe như vậy? Việc TAND quận Tân Phú bác đơn khiếu kiện của ông Phước có hợp lý và công bằng cho dân không?
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.