Trước bối cảnh bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát, các địa phương có dịch đã nhanh chóng tiêu hủy toàn bộ heo mắc bệnh và thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho các phương tiện đi từ ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm ra bên ngoài. Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát chủ cơ sở chăn nuôi thực hiện cách ly heo nghi ngờ mắc bệnh để theo dõi, xử lý kịp thời. Song song đó, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi, giám sát đàn heo, áp dụng các biện pháp chăn nuôi heo đảm bảo an toàn, hiệu quả.
|
Ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh. |
Ông Nguyễn Văn Cưng (ngụ ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), cho biết: “Nhà tôi có nuôi một đàn heo hơn 10 con, mấy tháng nay nghe dịch tả heo châu Phi bùng phát tại một số nơi tôi rất lo lắng. Vì vậy, tôi luôn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, rải vôi bột xung quanh chuồng, hạn chế người ra vào khu vực chuồng nuôi. Đồng thời, phun thuốc khử trùng chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã để phòng ngừa dịch dịch bệnh cho heo”.
Mặc dù, dịch tả heo châu Phi không lây sang người nhưng nếu để lây nhiễm trên diện rộng, dịch bệnh sẽ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người chăn nuôi. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc chữa trị, mặt khác, thời tiết đang bước vào thời điểm giao mùa nên nguy cơ bùng phát và tái dịch rất cao.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quách Minh Quốc, nhận định: “Trước tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn biến phức tạp, xuất hiện ổ dịch tại nhiều địa phương... Đồng thời, ngành chức năng cũng khuyến cáo bà con không nên nóng vội tái đàn heo ở thời điểm này. Nếu hộ nào có heo giống mẹ đẻ ra thì nuôi; không nên mua heo giống nơi khác về để tái đàn vì sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan mầm bệnh. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần theo dõi sát diễn biến tình hình đàn heo nuôi và tuân thủ nghiêm các khuyến cáo hướng dẫn của ngành chức năng để phòng dịch. Tuyệt đối không giấu dịch, thông tin kịp thời cho nhân viên thú y xã, chính quyền khi nào phát hiện heo, các sản phẩm heo nghi bị bệnh, nghi nhiễm mầm bệnh hoặc khi được vận chuyển nhập lậu, nghi nhập lậu. Qua đó, hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát trên địa bàn”.
Để chủ động phòng, tránh dịch tả heo châu Phi, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn côn trùng và loài gặm nhấm, vì chúng có khả năng là nguồn mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác. Khi phát hiện heo nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh, cần lập tức báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý kịp thời, tuyệt đối không được vứt xác heo chết ra môi trường. Vì vậy, không thực hiện mua bán, vận chuyển, tiêu thụ thịt heo nhiễm bệnh, chết, heo không rõ nguồn gốc. Người tiêu dùng nên tìm mua thịt heo có nguồn gốc rõ ràng tại địa chỉ uy tín, không sử dụng thức ăn thừa đã qua sử dụng hay thức ăn chưa nấu chín.
Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã diễn biến phức tạp, tổng số heo bị tiêu hủy trên 2.550 con; tổng trọng lượng trên 164.720 kg. Chỉ tính riêng trong tháng 3/2022, đã có 06 ổ dịch tả heo châu Phi phát sinh tại 03 huyện: Thới Bình, Phú Tân và Đầm Dơi. Hiện nay, có 17 xã của 05 huyện U Minh, Thới Bình, Phú Tân, Trần Văn Thời và Đầm Dơi có bệnh dịch tả heo châu Phi chưa qua 21 ngày.