Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên

(PLVN) -Chủ đầu tư đang phối hợp cùng địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và đốc thúc các nhà thầu tăng cường máy móc, nhân sự để thực hiện Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên trong bối cảnh Dự án đang chậm tiến độ.
Thi công dự án tăng cường kết nối giao thông Tây Nguyên đoạn qua thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. (Ảnh Tạp chí Giao thông)

Nguy cơ không hoàn thành tiến độ

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 19) có 8 gói thầu và đang triển khai thi công trên toàn tuyến. Dự án này sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) và vốn đối ứng trong nước, có tổng chiều dài khoảng 143km đi qua hai tỉnh Gia Lai và Bình Định. Tổng vốn đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng, dự án là một trong những công trình quan trọng được đầu tư nhằm góp phần nâng cao năng lực vận hành, khai thác, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 19.

Sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần tăng cường khả năng kết nối hệ thống giao thông khu vực Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải miền Trung và kết nối với các nước bạn Lào, Campuchia và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với vai trò quan trọng như vậy, đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) là Ban Quản lý dự án 2 (PMU2) trực tiếp là đơn vị làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Dự án gặp nhiều rào cản về mặt bằng, vật liệu, thời tiết, năng lực một số nhà thầu nên tiến độ chưa bảo đảm. Hồi đầu tháng 4/2023, Bộ GTVT phải có công văn gửi WB về việc gia hạn Hiệp định tín dụng và sử dụng vốn cho Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên. Nguyên nhân vì Hiệp định vay vốn cho dự án sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2023, tuy nhiên tiến độ của dự án đang chậm so với kế hoạch.

Mới đây, cập nhật tình hình triển khai Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, tính đến nay, sản lượng thi công dự án đạt hơn 55%, chậm so với tiến độ chấp thuận ban đầu hơn 38% và chậm hơn 12% so với tiến độ điều chỉnh. “Các gói thầu XL01, XL02 và XL04A tiềm ẩn nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ” - Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư là PMU2 quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu thi công chủ động nguồn vật liệu, tăng cường máy móc, thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để hoàn thiện thủ tục gia hạn thời gian thực hiện Dự án.

Theo lãnh đạo PMU2, Dự án này chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thủ tục đầu tư trong thời gian diễn ra dịch bệnh được thực hiện rất chậm do yếu tố khách quan. Có những gói thầu quan trọng như gói XL01, XL02 mãi đến giữa năm 2022 mới được thực hiện tại hiện trường. Ngoài ra, quá trình thực hiện Dự án, việc GPMB gặp nhiều khó khăn, nguồn đất đắp mặt bằng khan hiếm, một số nhà thầu chưa thật sự dồn nhân lực, máy móc để làm việc.

Để đáp ứng thời hạn Hiệp định vay vốn WB đã ký, hợp đồng ký kết với các nhà thầu chỉ kéo dài từ 13 - 18 tháng (tùy gói thầu) so với thời gian hồ sơ mời thầu là 24 - 30 tháng dẫn đến khối lượng công việc tăng lên trong quá trình xây dựng kế hoạch.

Thay nhà thầu nếu tiến độ không đạt

Theo lãnh đạo PMU2, với hai gói thầu XL01 và XL02, đơn vị này đang đề nghị các nhà thầu tăng tốc triển khai thi công. Trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, PMU2 đang làm việc với WB hoàn thiện thủ tục gia hạn vay vốn đến hết năm 2024 so với năm 2023 theo kế hoạch ban đầu.

Đối với gói thầu XL04A, đại diện chủ đầu tư thừa nhận, gói thầu này rất khó cán đích năm 2023 do khối lượng công việc còn nhiều, trong khi khu vực thi công dự án đã bước vào mùa mưa. Nhu cầu đất đắp phục vụ thi công còn lại (40.000m3) vẫn đang chờ cấp có thẩm quyền địa phương chấp thuận cấp phép gia hạn khai thác cho nhà thầu. “Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thi công các nhà thầu gói thầu XL04A thực hiện được gấp 2 - 3 lần so với khối lượng công việc triển khai 2 năm trước đó (ảnh hưởng bởi dịch COVID-19). Tuy nhiên, so với kế hoạch, gói thầu vẫn đang bị trượt tiến độ khoảng 50%” - lãnh đạo PMU2 cho biết.

Theo đại diện chủ đầu tư, căn cứ thực tiễn triển khai, mục tiêu đến cuối năm 2023, trong tổng số chiều dài 24km của gói thầu XL04A, PMU2 sẽ yêu cầu các nhà thầu tăng ca, tăng kíp, hoàn thành thảm nhựa lớp 1 với chiều dài khoảng 16km trên đoạn tuyến Km135 - Km150, đồng thời, bảo đảm an toàn giao thông các đoạn còn lại, phục vụ người dân lưu thông an toàn trong thời gian chờ dự án hoàn thành đồng bộ.

Trao đổi với PLVN, ông Lê Thắng - Giám đốc PMU2 cho biết, Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 19 là một trong những dự án quan trọng mà đơn vị này phụ trách. Trong quá trình triển khai, Dự án gặp nhiều khó khăn, thách thức. Lãnh đạo PMU2 đang nỗ lực phối hợp với địa phương, các nhà thầu, khẩn trương thực hiện công tác GPMB, thi công dự án để sớm đưa dự án về đích. “Một số nhà thầu đã được chúng tôi nhắc nhở, yêu cầu tăng cường máy móc, thiết bị để dồn sức thi công dự án. Nếu tiến độ vẫn không đạt, chúng tôi sẵn sàng thay thế nhà thầu khác để thi công” - lãnh đạo PMU2 cho biết.

Đọc thêm