Tăng cường quản lý phụ phí hàng hải quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều hãng tàu quốc tế đồng loạt tăng phụ phí xếp dỡ tại cảng biển khiến nhiều chủ hàng Việt Nam chịu thiệt. Cục Hàng hải Việt Nam cần tăng cường quản lý những phụ phí này.
Các hãng tàu nước ngoài chỉ cần niêm yết giá và các loại phụ thu trên website khi hoạt động tại Việt Nam. (Ảnh: Cục Hàng hải Việt Nam)
Các hãng tàu nước ngoài chỉ cần niêm yết giá và các loại phụ thu trên website khi hoạt động tại Việt Nam. (Ảnh: Cục Hàng hải Việt Nam)

Chủ tàu tăng phụ phí

Theo ông Phan Thông - Tổng Thư ký Hiệp hội chủ hàng Việt Nam (VSA), từ tháng 2 năm nay, Thông tư 39/2023 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có hiệu lực thì mức giá dịch vụ xếp dỡ container tăng khoảng 10%. Cùng với điều này, nhiều hãng tàu cũng đồng loạt tăng phụ phí xếp dỡ tại cảng biển (THC). Đồng thời việc thông báo tăng phí của hãng tàu có rất nhiều bất cập. Các chủ hàng gần như bị sức ép vì các chủ hàng Việt Nam còn nhỏ lẻ, không có tiếng nói.

Ông Phạm Quốc Long - Phó Chủ tịch VSA cho biết, theo thông lệ quốc tế, phí THC sẽ dành 80% để trả phí bốc xếp cho cảng, nhưng tại Việt Nam mới trả được khoảng 40%. "Phụ phí là nguồn thu của hãng tàu, đôi khi cũng là nguồn thu chính vì có một số tuyến tàu cạnh tranh lớn, giá cước có thể âm thì phụ phí như THC, phí mất cân bằng, phí nhiên liệu... sẽ là nguồn thu chính của hãng tàu" - ông Long nói và cho rằng khi Thông tư 39 được thông qua với mức điều chỉnh khoảng 10% thì các hãng tàu cũng tăng phụ phí, nhưng tăng khoảng 3 lần so với giá điều chỉnh bốc xếp khiến các chủ hàng chịu nhiều thiệt thòi.

Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, gần 100% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận tải bằng các hãng tàu nước ngoài, chủ yếu là 10 hãng tàu lớn. Theo ông Trung, có nhiều lý do hãng tàu tăng phụ phí, trong đó có việc một số hãng tàu phải cố gắng duy trì, bảo đảm thời gian giao hàng trong điều kiện tàu không thể chạy qua kênh đào Suez, ảnh hưởng tới cam kết thương mại.

Dù vậy, việc tăng giá chưa có cơ chế minh bạch, rõ ràng. Do đó, ông Trung cho rằng cần xem xét sự minh bạch, rõ ràng của việc tăng phụ phí này có phù hợp với cơ chế luật pháp của Việt Nam và quốc tế không.

Đại diện một số chủ hàng cho biết, các chủ hàng Việt Nam là những doanh nghiệp nhỏ lẻ, trong khi các hãng tàu đang vận chuyển hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam đều là các hãng tàu lớn. Điều này dễ tạo ra sự bất bình đẳng về quy mô và trong đàm phán. Các chủ hàng cho rằng, việc các hãng tàu tăng phí, phụ phí gây ảnh hưởng tới quyền lợi doanh nghiệp xuất khẩu, logistics nội địa, đặc biệt trong bối cảnh hơn 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đang được chuyên chở bởi các hãng tàu nước ngoài.

Theo đại diện Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam, các hãng tàu ngoại đang thu khoảng 10 loại phụ phí khác như phụ thu chứng từ, xăng dầu, vệ sinh container, giảm thải lưu huỳnh, phí cân bằng container... Tuy nhiên, mức giá và các loại phụ thu này do hãng tàu tự quyết định, không có sự thỏa thuận với khách hàng.

Tìm cách quản lý

Theo ông Lê Đỗ Mười - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, phí và phụ phí của các hãng tàu hiện nay đang thả nổi theo thị trường. Mức giá, phí tùy mức kinh doanh của các hãng tàu để xác định phụ thu. Do đó, ông Mười đề nghị các hãng tàu cần xem xét lại và có những điều chỉnh để cân bằng, phù hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam. Ông cũng kêu gọi các hãng tàu cùng đồng lòng giảm các phụ phí để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt, khuyến khích các hãng tàu có giải pháp giảm phụ phí tối đa nhất, hoặc thu ở mức vừa phải để bảo đảm lợi nhuận của hãng tàu.

Theo ông Mười, Chính phủ đang tìm các phương án để giảm giá thành chi phí logistics. Do đó, việc các hãng tàu tăng phụ phí một cách vô lý là điều khó chấp nhận. “Thời gian tới, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ có những biện pháp quản lý để hài hòa các bên liên quan, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp”, ông Mười nói.

Mới đây, Bộ GTVT cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc tham gia ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giá và nghị định quy định về thẩm định giá. Trong đó, Bộ GTVT đề nghị bổ sung nội dung phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển vào danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện kê khai giá.

Trả lời Bộ GTVT, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT thuyết minh về sự cần thiết bổ sung phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển vào danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện kê khai giá, cùng sự phù hợp với quy định pháp luật về giá, pháp luật hàng hải và thông lệ quốc tế. Bộ GTVT cũng cần nghiên cứu, thu thập thông tin liên quan đến áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với khoản phụ thu. “Bộ Tài chính sẽ tham gia theo chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT”, văn bản Bộ Tài chính thông tin.

Đọc thêm