Tăng cường vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đối với tài chính toàn diện

(PLVN) - Chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) tham gia vào thúc đẩy tài chính toàn diện thông qua đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu chính sách công và bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ, góp phần ổn định hệ thống tài chính ngân hàng và thu hút tiền gửi tiết kiệm vào hệ thống các tổ chức tín dụng của quốc gia.
DIV luôn đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Tài chính toàn diện (financial inclusion) là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lý do các tổ chức tài chính cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Nhóm các nước phát triển G20 đã coi tài chính toàn diện là một trong những trụ cột chính trong định hướng phát triển từ năm 2009. Tháng 10/2013, Ngân hàng Thế giới chính thức đặt mục tiêu về tài chính toàn diện đầy đủ - một thế giới mà người dân ở bất cứ nơi đâu đều có quyền tiếp cận và có thể sử dụng các dịch vụ tài chính để nắm bắt cơ hội cải thiện cuộc sống và giảm rủi ro tổn thất.

Vào năm 2010, dựa trên đề xuất của Nhóm G20, Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) đã tham gia vào các hoạt động nhằm tăng cường tài chính toàn diện của G20 với tư cách là cơ quan xây dựng các chuẩn mực quốc tế.

Cùng với Ủy ban giám sát ngân hàng Basel (BCBS) và Hiệp hội các cơ quan giám sát bảo hiểm quốc tế (IAIS), IADI đã triển khai nhiều hoạt động nhằm trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ các tổ chức thành viên đóng góp nhiều hơn vào các chiến dịch tài chính toàn diện của từng quốc gia.

Tài chính toàn diện và bảo hiểm tiền gửi

Theo Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển bảo hiểm tiền gửi (BHTG) do Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) ban hành, tổ chức BHTG bảo vệ quyền lợi người gửi tiền qua ba nghiệp vụ chính: chi trả, nâng cao nhận thức công chúng và giám sát. Như vậy, tổ chức BHTG góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện bằng cách củng cố niềm tin của người gửi tiền vào tổ chức tài chính, qua đó khuyến khích tiết kiệm nhiều từ phía người dân.

Bảo hiểm tiền gửi và tài chính toàn diện

Nâng cao nhận thức công chúng là một trong ba nghiệp vụ chính của tổ chức BHTG (IADI, 2014) nhằm bảo vệ người gửi tiền, góp phần nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tài chính, đồng thời nâng cao hiểu biết về quyền lợi bảo hiểm của người gửi tiền, khuyến khích họ sử dụng dịch vụ tài chính chính thống, hợp pháp, qua đó góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện.

Mục tiêu của chính sách bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người gửi tiền. Do vậy, chính sách bảo hiểm tiền gửi tác động đến nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính của người dân, giúp củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng.

Tăng cường vai trò của BHTGVN đối với tài chính toàn diện

Dù mới chỉ trải qua 22 năm hoạt động, BHTGVN đã có nhiều thay đổi tích cực trong việc triển khai nhiệm vụ và chính sách phù hợp với định hướng của hoạt động tài chính toàn diện.

Tính đến quý III/2021, BHTGVN đang bảo vệ cho tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG, gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô. Đặc biệt, người gửi tiền tại QTDND và tổ chức tài chính vi mô là những đối tượng mục tiêu chính của hoạt động tài chính toàn diện.

Theo chiến lược tài chính toàn diện của Việt Nam năm 2020 và kế hoạch triển khai chiến lược tài chính toàn diện của ngành ngân hàng, giáo dục tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Trong kế hoạch hành động của ngành ngân hàng ban hành năm 2020, BHTGVN được giao rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi luật BHTG trong giai đoạn 2020-2025 để bảo vệ người gửi tiền. Như vậy, vai trò của tổ chức BHTG tại Việt Nam đã được ghi nhận trong kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện.

Theo Luật BHTG năm 2012, BHTGVN có trách nhiệm “tổ chức, tuyền truyền về chính sách pháp luật về BHTG...”. Theo quy định này, BHTGVN thực hiện phổ biến về quyền lợi theo luật định của người gửi tiền tới công chúng.

Trong những năm qua, BHTGVN đã tích cực thực hiện truyền thông về chính sách BHTG tới công chúng, dưới nhiều kênh truyền thông (như internet, báo in, truyền hình, đài tiếng nói v.v) và với nhiều hình thức đa dạng (như bài viết, phóng sự, vở kịch ngắn v.v). Công tác truyền thông đã được những kết quả tốt.

Tuy nhiên, thời gian tới nên có cơ chế để tăng cường sự hỗ trợ của các cơ quan tham gia triển khai chiến lược tài chính toàn diện (như Bộ giáo dục, trường học) và đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – là thường trực ban chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện đồng thời cơ quan quản lý nhà nước đối với BHTGVN – trong việc tổ chức tuyên truyền chính sách BHTG và phổ biến kiến thức tài chính tới người gửi tiền.

Với nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền, là cơ quan có điều kiện để hiểu người gửi tiền trên quan điểm khách quan, luật BHTG sửa đổi sắp tới có thể xem xét mở rộng nội dung và đối tượng tuyền truyền như phổ biến kiến thức tài chính chung (ví dụ về tiết kiệm, chi tiêu, lập ngân sách...) cho công chúng, lồng ghép nội dung này với chính sách BHTG, qua đó vừa giúp định hướng người dân biết cách tích lũy, gửi tiền vào ngân hàng, vừa giúp việc tuyên truyền chính sách BHTG dễ đi vào cuộc sống.

Đọc thêm