Tăng cường xây dựng mô hình tự quản trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, một trong những hình thức hiệu quả được Công an thành phố Hồ Chí Minh triển khai là tăng cường công tác vận động quần chúng tham gia vào đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhất là xây dựng các mô hình tự quản, tự phòng.
Công an thành phố Hồ Chí Minh tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội. Ảnh: Bùi Văn Phương
Công an thành phố Hồ Chí Minh tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội. Ảnh: Bùi Văn Phương

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế của khu vực phía Nam cũng như của cả nước. Trong những năm qua, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội nhanh chóng, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố cũng có những diễn biến phức tạp.

Theo số liệu thống kê từ năm 2016- 2020, toàn thành phố xảy ra 32.906 vụ phạm pháp hình sự với 37.489 đối tượng phạm tội, nổi lên là tội phạm trộm cắp tài sản cướp giật tài sản và giết người…

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, bên cạnh việc đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, tấn công, trấn áp và xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội, Công an thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng cường công tác vận động quần chúng tham gia vào đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhất là xây dựng các mô hình tự quản, tự phòng với sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân nhằm phát huy vai trò, sức mạnh của quần chúng trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Công an thành phố Hồ Chí Minh chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm. (Ảnh minh họa)

Công an thành phố Hồ Chí Minh chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình tự quản trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc còn bộc lộ một số hạn chế nhất định như: Việc xây dựng mô hình tự quản còn chưa được thực hiện bài bản, có sự trùng lắp, hoạt động còn thiếu hiệu quả; việc sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm, duy trì hay chỉ đạo nhân rộng còn hạn chế; chưa phối hợp tốt với các ban ngành, đoàn thể vận động nhân dân tham gia được sâu rộng.

Ngoài ra, chưa gắn kết, lồng ghép chặt chẽ với các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội khác; nhiều mô hình chưa xây dựng được quy chế hoạt động và cơ chế phối hợp hoặc chỉ mang tính hình thức, đối phó, không phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa bàn, cần phải cân nhắc, xem xét loại bỏ….

Để khắc phục những hạn chế trên, cần triển khai một số giải pháp cụ thể. Chẳng hạn như làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo xây dựng các mô hình tự quản trong phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm chế độ, chính sách nhằm khen thưởng, động viên các mô hình tự quản hoạt động có chất lượng, tích cực, hiệu quả.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa Công an phường với các lực lượng có liên quan về xây dựng mô hình tự quản trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Định kỳ cần tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản nhằm đảm bảo thực chất, khách quan, chính xác. Hoàn thiện về tổ chức, biên chế và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an phường để đáp ứng yêu cầu công tác.

Công an các phường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương có thể nghiên cứu, vận dụng các giải pháp trên nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng mô hình tự quản trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đọc thêm