Tăng trường GDP: Trông lên để đuổi kịp, nhìn xuống để có động lực

(PLO) - Trước ý kiến cho rằng chất lượng tăng trưởng  hiện nay vẫn thấp, người phát ngôn Bộ KH&ĐT, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân cho rằng với vị trí nằm ở nhóm giữa, một mặt chúng ta trông lên để đuổi kịp các nước, mặt khác nhìn xuống để có động lực tiếp theo…
Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, người phát ngôn của Bộ KH&ĐT

Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH  2017 kỳ họp thứ  5 Quốc hội khóa XIV đang diễn  cho thấy có 6 chỉ tiêu cao hơn báo cáo ở Kỳ họp thứ 4. Báo cáo mới cho biết, trong số 13 chỉ tiêu Quốc hội giao, có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch, 01 chỉ tiêu không đạt (chỉ tiêu “Giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP”). Trong đó, tốc độ tăng GDP đạt 6,81%, nhập siêu bằng 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu tốc độ tăng CPI thấp, chỉ là  3,53%... giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 1,51%... 

“Đã lâu lắm rồi chúng ta mới đạt kết quả như vậy”- ông Phương nói và lưu ý về 3 chỉ tiêu quan trọng vượt mức Quốc hội giao là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tỷ lệ hộ nghèo. “Đây là 3  chỉ tiêu toàn diện của nền kinh tế, phản ánh cả kết quả phát triển KT-XH, an sinh xã hội và ổn định vĩ mô” - ông Phương khẳng định.

Liên quan tới chất lượng tăng trưởng, có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về chất lượng nhưng theo người phát ngôn Bộ KH&ĐT, đây là nhận định không công bằng. Ông Phương cho rằng chất lượng tăng trưởng đã cải thiện nếu nhìn vào chỉ số về tốc độ tăng trưởng (từ 2011 - nay, bình quân trên 6%, đây là tốc độ khá); chỉ số TFP  (năng suất các nhân tố tổng hợp) đang tiến bộ dần trên 40%; năng suất lao động có cải thiện (tuy so với yêu cầu cần đẩy nhanh hơn nữa); thu nhập bình quân đã cải thiện, hiện ở mức 2.385 USD/người, gần gấp đôi so với cách đây 7 năm và gấp 3 lần so với 2007.

Đặc biệt, trong những năm qua, nền tảng kinh tế ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo. Đánh giá chỉ số HDI (phát triển con người) năm 2017 của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam ở mức khá, lần đầu tiên vượt Philippines...

Về ý kiến lo ngai tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc vào khu vực FDI, ông Phương cho rằng,  sau 30 năm thu hút FDI, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của doanh nghiệp FDI. Khi doanh nghiệp FDI vào có sẵn chuỗi giá trị, họ vào Việt Nam để tận dụng lợi thế của Việt Nam để xuất khẩu, và không phải “nói rút là rút được”, vấn đề là liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI như thế nào để Việt Nam cũng có những  doanh nghiệp tầm cỡ…

“Phải nói tăng trưởng của Việt Nam, đặc biệt từ năm 2017 đến nay là rất tích cực, tuy còn nhiều điểm hạn chế, khó khăn cần phải vượt qua để đảm bảo tăng trưởng bền vững, không phụ thuộc vào ai. Tuy nhiên đánh giá tăng trưởng phải khoa học, bài bản. Nhưng về định tính, có thể nói, so với các nước trên thế giới và khu vực, tăng trưởng của chúng ta ở nhóm giữa. Một mặt, chúng ta phải trông lên để đuổi kịp các nước, mặt khác, phải nhìn xuống để có động lực tiếp theo…”, người phát ngôn Bộ KH&ĐT chia sẻ.

GDP 2018: Chưa thấy yếu tố nổi trội

Theo người phát ngôn Bộ KH&ĐT, rà soát, đánh giá động lực tăng trưởng của năm 2018,  đến nay vẫn chưa nhìn thấy yếu tố nổi trội hơn năm 2017. Cụ thể, Samsung và Formosa là hai yếu tố đột biến làm nên tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2017, nhưng sang năm 2018, dù Formosa đã công bố kế hoạch khởi động lò cao số 2 và Samsung có chia sẻ về tốc độ tăng trưởng của công ty nhưng so với mức độ đột biến như năm 2017 thì “chưa chắc đã bằng”.

Đại diện Bộ KH&ĐT cũng  cho rằng khả năng tốc độ tăng trưởng những quý cuối năm sẽ chùng xuống và khẳng định, điều này là khách quan chứ không phải thể hiện nội lực nền kinh tế yếu đi. Tuy nhiên, thông thường các tổ chức quốc tế đưa ra mức dự báo thấp hơn mức Chính phủ đưa ra nhưng năm nay ADB đã đưa ra dự báo cao hơn dự báo của Chính phủ.

Đọc thêm