Tạo điểm nhấn cho không gian đô thị Huế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đô thị Huế đang được đầu tư xây dựng và phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, thân thiện môi trường và thông minh.
Không gian hai bờ sông Hương ngày càng xanh – sạch - sáng - hiện đại nhờ các dự án.
Không gian hai bờ sông Hương ngày càng xanh – sạch - sáng - hiện đại nhờ các dự án.

Năm 2021 đầy khó khăn, thử thách, do đại dịch COVID-19, nhưng nhiều chỉ tiêu của TP. Huế đều đạt và vượt so kế hoạch đề ra. Trong đó, đã thực hiện đạt và vượt 8/13 chỉ tiêu, nổi bật là thu ngân sách đạt 143% so dự toán; xuất khẩu tăng trưởng cao, tổng trị giá ước đạt 158 triệu USD (kể cả xuất khẩu tại chỗ)...

Trong năm, thành phố tích cực rà soát, xây dựng phương án sử dụng vỉa hè vào mục đích kinh doanh theo chỉ đạo của UBND tỉnh tạo sinh kế cho người dân; thực hiện kế hoạch “Tuyến phố văn minh thương mại”; chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ góp phần hoàn thành kế hoạch trong năm và của cả nhiệm kỳ.

Dấu ấn quan trọng nhất đó là ngày 01/07/2021, thực hiện NQ số 1264/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP. Huế có hiệu lực.

Đặc biệt, cuối năm 2021, UBND TP. Huế vinh dự đạt Giải Vàng trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ II với đồ án “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương”. Đây vừa là vinh dự, đồng thời là động lực để thành phố tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng, cảnh quan nhằm tạo điểm nhấn cho không gian hai bờ sông.

Đồ án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương thuộc dự án (DA) hỗ trợ kỹ thuật “Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và DA thí điểm” do Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ thực hiện từ năm 2015- 2020. Nội dung đồ án do đơn vị tư vấn Hàn Quốc (Liên danh DOWHA-HANA) chủ trì thực hiện và Ban Quản lý DA Koica hỗ trợ thực hiện.

Quá trình thực hiện đồ án, Liên danh DOWHA-HANA đã nghiên cứu kỹ về hiện trạng; giá trị văn hóa, cảnh quan của hai bờ sông Hương trong tổng thể đô thị Huế và đề xuất phương án quy hoạch theo hướng hình thành trục cảnh quan tự nhiên, đa dạng với nhiều khu di tích lịch sử, văn hóa, khu công viên trung tâm và các vùng cảnh quan đặc trưng ven sông; nghiên cứu tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan theo 3 vùng.

Cụ thể, vùng thượng lưu (từ đồi Vọng Cảnh đến cồn Dã Viên): bảo tồn cảnh quan và quản lý tài nguyên văn hóa lịch sử; vùng trung tâm đô thị (từ cồn Dã Viên đến cồn Hến): xây dựng thành trung tâm du lịch văn hóa và các không gian mở; vùng hạ lưu (từ cồn Hến đến phố cổ Bao Vinh): bảo tồn và khai thác cảnh quan tự nhiên sinh thái.

Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật cho rằng, sau 6 năm nghiên cứu thực hiện, đồ án đã được UBND tỉnh phê duyệt, từ đó một số DA, khu vực được triển khai đầu tư xây dựng như cầu đi bộ kết nối mạng lưới đường đi bộ phía bờ nam sông Hương; khu công viên quảng trường trước UBND tỉnh; tuyến đường đi bộ phía bắc bờ sông Hương từ cầu Trường Tiền đến chùa Thiên Mụ… Trong đó, các DA, khu vực nêu trên sau khi triển khai đầu tư, xây dựng đưa vào khai thác đã được Nhân dân và bạn bè quốc tế đánh giá cao, góp phần tạo hiệu ứng tích cực và làm thay đổi diện mạo đô thị Huế ngày càng khang trang, hiện đại.

Tuyến đường đi bộ dọc bờ Bắc sông Hương.

Tuyến đường đi bộ dọc bờ Bắc sông Hương.

Thành phố đã có những phương án đầu tư hạ tầng phù hợp, trong thời gian tới, bộ mặt đô thị Huế sẽ chỉn chu và trọn vẹn hơn, môi trường xanh – sạch – sáng hơn. Tôi nghĩ rằng, với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Nhân dân, năm 2022, thành phố sẽ tiếp tục phát triển toàn diện, tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có, ông Võ Lê Nhật khẳng định.

Cùng với không gian hai bờ sông Hương, đồi Vọng Cảnh là một trong những thắng cảnh nổi tiếng ở khu vực phía tây nam của Huế, nằm trong quần thể không gian cảnh quan của một số di tích như lăng Tự Đức, Đồng Khánh, điện Hòn Chén... thuộc quần thể di tích Cố đô Huế.

Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 649 định hướng khu vực đồi Vọng Cảnh là xây dựng để ngắm cảnh lịch sử của khu vực lăng tẩm và cảnh quan tự nhiên vùng thượng lưu sông Hương; UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận.

Chủ tịch UBND TP. Huế cho biết, theo quy hoạch hai bờ sông Hương, thành phố cải tạo chỉnh trang đồi Vọng Cảnh thành khu vực cảnh quan tự nhiên để người dân, du khách đến thư giãn, ngắm cảnh khu vực thượng nguồn sông Hương và núi non phía tây nam thành phố; trong đó cải tạo hệ thống đường đi dạo, chỉnh trang một số vườn hoa, hình thành một số chòi nghỉ bằng gỗ, hệ thống điện chiếu sáng…

Dựa trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, thành phố giao Trung tâm Công viên cây xanh Huế thực hiện DA đầu tư chỉnh trang giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 12,7 tỷ đồng với các hạng mục đường dạo, chòi nghỉ nhằm cụ thể hóa định hướng về cảnh quan kiến trúc theo các quy hoạch đã được phê duyệt; góp phần bảo tồn, phát huy giá trị về lịch sử và cảnh quan thiên nhiên của khu vực cũng như tạo điểm vui chơi, giải trí phục vụ người dân và du khách.

Chủ tịch UBND TP Huế Võ Lê Nhật (áo trắng) kiểm tra, đôn đốc các dự án trên địa bàn.

Chủ tịch UBND TP Huế Võ Lê Nhật (áo trắng) kiểm tra, đôn đốc các dự án trên địa bàn.

Để hoàn thiện hạ tầng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, năm 2022, thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đô thị theo hướng văn minh, trong đó quản lý tổ chức giao thông, điểm đỗ xe các tuyến đường nội thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, nâng cao chất lượng chiếu sáng đô thị, cây xanh đảm bảo tiêu chí đô thị loại 1.

Ngoài ra, Huế sẽ tập trung nguồn lực triển khai các DA trọng điểm, gồm nâng cấp mở rộng đường Hà Nội; các DA chỉnh trang 2 bờ sông Hương, tuyến đường dọc sông Hương (phía nam) đoạn từ cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa; các DA chỉnh trang đô thị, đầu tư kết nối hạ tầng với khu vực TP. Huế mở rộng;…

Mặt khác, ưu tiên vốn triển khai các DA đầu tư hệ thống thoát nước, vỉa hè, điện chiếu sáng các tuyến đường trung tâm đô thị; chỉnh trang công viên, điểm xanh, trồng cây xanh đường phố... nâng cao chất lượng chiếu sáng đô thị; tiếp tục triển khai đề án đặt tên đường, gắn biển số nhà, đồng thời thực hiện công tác duy tu hệ thống chiếu sáng và thu gom rác của 13 đơn vị sáp nhập vào thành phố.

TP. Huế đang rất cần nhiều DA xây dựng và chỉnh trang đô thị để phát triển. Vấn đề đặt ra là cần bố trí nguồn lực để triển khai sớm, không chỉ góp phần chỉnh trang đô thị, tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, phục vụ cộng đồng mà còn tạo điểm nhấn và phát huy, khai thác các tiềm năng cảnh quan vốn có, góp phần thu hút khách du lịch; tạo bước phát triển cho TP. Huế nói riêng và phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

Đọc thêm