Tạo nền tảng xây dựng lực lượng cửa khẩu vững mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 84-NQ/ĐU (Nghị quyết 84) về nâng cao chất lượng công tác cửa khẩu của BĐBP trong tình hình mới.
Quân y Bộ đội Biên phòng đo thân nhiệt của người nhập cảnh.
Quân y Bộ đội Biên phòng đo thân nhiệt của người nhập cảnh.

10 năm qua, Nghị quyết đã tạo nền tảng xây dựng lực lượng cửa khẩu vững mạnh, chính quy, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ biên giới, kiểm soát cửa khẩu của BĐBP, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh

Lực lượng BĐBP quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh (XNC), đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại 154 cửa khẩu, cảng biển. Nhận thức rõ vai trò của công tác cửa khẩu và xu thế hội nhập quốc tế, ngày 7/3/2011, Đảng ủy BĐBP đã ban hành Nghị quyết 84.

Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”; Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 29/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị; Luật Biên phòng Việt Nam...

Theo các đại biểu dự hội nghị, Nghị quyết 84 của Đảng ủy BĐBP được thực hiện trong 10 năm qua là nền tảng để xây dựng lực lượng cửa khẩu vững mạnh, chính quy, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ biên giới. Hiệu lực quản lý nhà nước về chủ quyền, an ninh trật tự tại cửa khẩu được nâng lên; công tác tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đạt được nhiều kết quả quan trọng; đầu tư trang bị phương tiện hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong kiểm tra, kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước.

Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP cho biết, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã kịp thời tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quy hoạch, nâng cấp, mở mới hệ thống cửa khẩu theo hướng đồng bộ, thống nhất, hiện đại.

Đồng thời, đề xuất chủ trương đầu tư công nghệ phục vụ triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng về cải cách hành chính trong lĩnh vực cửa khẩu, kiểm soát XNC; thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển theo cơ chế một cửa quốc gia, tạo thuận lợi, giảm chi phí và thời gian làm thủ tục XNC cho doanh nghiệp, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế; thực hiện thí điểm khai báo thủ tục biên phòng điện tử đối với cửa khẩu biên giới đất liền trên Cổng thông tin thủ tục Biên phòng điện tử kết nối một cửa quốc gia; kiểm soát XNC bằng mã vạch tại các cửa khẩu cảng, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho mỗi hành khách xuống còn từ 8 đến 10 giây...

Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ động phối hợp với Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) và các cơ quan liên quan tham mưu với Chính phủ đàm phán, ký kết Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới quốc gia Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia; tham mưu với Bộ Quốc phòng thành lập Ủy ban Hợp tác cửa khẩu Việt Nam-Trung Quốc nhằm thúc đẩy phát triển, nâng cấp hệ thống cửa khẩu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động XNC ở các cửa khẩu và đàm phán, xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh tại cửa khẩu; phối hợp với phía bạn Lào triển khai mô hình kiểm soát “một cửa, một điểm dừng” theo Hiệp định GMS tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị)-Densavan (Savannakhet, Lào)...

Đảng ủy BĐBP đã tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức thành công các chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới; giao lưu hữu nghị biên giới, các hoạt động đối ngoại quốc phòng, quân sự, biên phòng diễn ra tại các cửa khẩu; thực hiện hiệu quả mô hình “Đồn, trạm biên phòng cửa khẩu tiêu biểu, kiểu mẫu về đối ngoại”...

Ứng dụng công nghệ, thủ tục XNC hiện chỉ còn từ 8-10 giây.

Ứng dụng công nghệ, thủ tục XNC hiện chỉ còn từ 8-10 giây.

Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ “kép”

Tiếp cận với cách mạng công nghiệp 4.0, các đồn biên phòng cửa khẩu đã có những bước tiến vượt bậc khi thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cho khách hàng thông qua cơ chế một cửa quốc gia.

Thượng tá Phạm Văn Thắng, Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng TP Hồ Chí Minh cho biết, địa bàn quản lý của đơn vị có 2 luồng hàng hải với chiều dài hơn 150 km gồm 59 cảng, 103 cầu cảng, 139 bến phao, hàng ngày có từ 70 đến 90 lượt tàu làm thủ tục xuất nhập cảnh, hàng trăm phương tiện lưu thông, ra vào cảng và có hàng ngàn cán bộ, công nhân viên, thuyền viên hoạt động trên địa bàn thì việc quản lý, kiểm soát, đảm bảo an toàn trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19 diễn biến phức tạp là vấn đề hết sức khó khăn.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào tháng 5/2021, tại các khu vực hành lang cửa khẩu cảng đã có 44 tàu nước ngoài và tàu Việt Nam đi nước ngoài về, có 174 thuyền viên dương tính với SARS-CoV-2. Ngoài ra trong 12/38 cụm cảng của TP Hồ Chí Minh có 149 cán bộ, công nhân viên và 110 công nhân xếp dỡ hàng hóa nhiễm COVID-19.

Mặc dù tình hình diễn biến phức tạp, nhưng BPCK cảng vẫn hoàn thành đầy đủ thủ tục xuất nhập cảnh cho 3 tàu quân sự với 436 thuyền viên, 2 tàu chở 6 toa Metro; 12.104 lượt tàu với 213.570 lượt thuyền viên và trên 100 triệu tấn hàng.

“Việc đầu tư trang bị phương tiện hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong kiểm tra, kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh giúp cho hoạt động kiểm soát rất nhiều. Trong điều kiện quân số thiếu, phải quản lý địa bàn rộng nhưng đơn vị đã phân công 32 cán bộ, chiến sĩ tham gia quản lý, bảo vệ biên giới, phòng chống dịch tại Tây Ninh; triển khai độc lập 24 điểm, chốt phòng chống dịch, duy trì quân số trực 24/24; phối hợp với địa phương tổ chức 4 điểm, chốt kiểm soát dọc tuyến hành lang cửa khẩu cảng và tăng cường quân số cho các đơn vị Biên phòng tuyến Cần Giờ bảo đảm thực hiện nhiệm vụ cao nhất.”, Thượng tá Phạm Văn Thắng nói thêm.

Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Áng - Sơn Dương có nhiệm vụ kiểm soát, thực hiện công tác xuất, nhập cảnh, xuất, nhập khẩu tại 4 cảng: Vũng Áng, Sơn Dương, Than và Xuân Hải, đồng thời đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn Khu kinh tế Vũng Áng.

Thượng tá Hồ Sỹ Thắng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy BPCK cảng Vũng Áng - Sơn Dương, BĐBP Hà Tĩnh cho biết: “Cải cách thủ tục hành chính, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã làm thủ tục nhập cảnh cho 220 phương tiện với 4.256 thuyền viên và 7,5 triệu tấn hàng hóa, làm thủ tục xuất cảnh cho 229 phương tiện với 4.229 thuyền viên và 2,3 triệu tấn hàng hóa.

Ban Chỉ huy BPCK cảng Vũng Áng - Sơn Dương cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đưa 107 thuyền viên hết hạn lao động hợp đồng trên các tàu đi cách ly phòng, chống dịch theo đúng quy định; xử phạt 8 vụ với 8 đối tượng không chấp hành các quy định phòng, chống dịch COVID-19”.

10 năm qua, các đơn vị BPCK toàn quốc đã thực hiện thủ tục XNC và đảm bảo an ninh, an toàn cho gần 70 triệu lượt người; hơn 11.280 triệu lượt phương tiện với gần 12 triệu lượt nhân viên qua cửa khẩu đường bộ; làm thủ tục XNC cho gần 19 nghìn lượt tàu với hơn 131 nghìn lượt nhân viên qua cửa khẩu đường sắt; hơn 372 nghìn tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài, với hơn 6 triệu lượt thuyền viên, 4,8 triệu lượt hành khách du lịch và 261 tàu quân sự nước ngoài, gần 62.700 lượt thủy thủ đoàn đến thăm xã giao và thực hiện các hoạt động khác tại các cửa khẩu cảng.

Bên cạnh đó, qua công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát XNC, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý hơn 10.200 đối tượng quản lý nghiệp vụ; 3 vụ/4 đối tượng phản động thuộc các tổ chức phản động; 91 đối tượng tội phạm có lệnh truy nã. Đặc biệt, Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp với Đại sứ quán Australia và Mỹ tổ chức 82 lớp/775 cán bộ tham gia các lớp tập huấn về công tác kiểm soát XNC, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ kiểm soát biên giới và hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ làm công tác cửa khẩu.

Đọc thêm