Tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho DN FDI tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp

(PLO) - Tính đến hết ngày 30/9/2016, Việt Nam có 15.679 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, tăng 776 DN (5,2%) so với năm 2015, chiếm 7,6% tổng số DN tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. 
Ảnh nguồn internet

Tổng số lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khối DN FDI là 3.631.705 người, tăng 153.043 người (4,4%) so với năm 2015. Dự kiến đến 31/12/2016 là 3.732.235 người, tăng 253.273 người (7,3%) so với năm 2015. Tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khối DN FDI là 51.770 tỷ đồng, chiếm 49,4% tổng số thu của khối DN. Dự kiến đến 31/12/2016 tổng số là 69.027 tỷ đồng, tăng 11.713 tỷ đồng (20,4%) so với năm 2015. 

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, sau gần 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư, đến nay cộng đồng DN có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam với những đóng góp to lớn.

Để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của NLĐ cũng như DN, đồng thời thực hiện công cuộc cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho DN, trong những năm qua chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của Việt Nam đã có những bước hoàn thiện căn bản được thể hiện trong những nội dung mới của Luật BHXH sửa đổi năm 2014, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật Vệ sinh an toàn lao động.

Trong đó, công cuộc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Cụ thể, BHXH Việt Nam đã tiến hành tổng rà soát lại tất cả các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ để tạo điều kiện tối đa cho người dân và DN  nói chung, các DN FDI nói riêng. 

Nhìn chung, các DN FDI cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật và của BHXH Việt Nam về lập thủ tục hồ sơ hưởng BHXH. Tuy nhiên, bên cạnh những DN FDI  chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và của BHXH Việt Nam thì vẫn còn một số DN cố tình né tránh, trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo lý giải của BHXH Việt Nam là do hoạt động của DN gặp nhiều khó khăn. Trong đó, một số DN giải thể, ngừng hoạt động, đặc biệt là các DN có chủ đầu tư là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Hoặc còn tình trạng một số DN chiếm dụng vốn từ khoản thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của người lao động để đầu tư vào mục đích khác, không hợp tác với cơ quan BHXH để giải quyết chế độ cho người lao động. Một số DN không kết nối thông tin với cơ quan BHXH.

Do vậy, tính đến ngày 30/9/2016, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của khối DN FDI là 2.098 tỷ đồng, chiếm 3,9% tổng số phải thu.

Nhằm tạo thuận lợi cho các DN FDI trong việc thực hiện chính sách chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các phòng ban nghiệp vụ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; thiết lập hệ thống tư vấn, giải đáp chế độ chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; triển khai hệ thống theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; ban hành quy trình nghiệp vụ về giao dịch điện tử của tất cả các lĩnh vực thu, sổ thẻ, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp…

Đọc thêm