Chương trình Sức khỏe học đường 2021-2025 vừa được công bố ngày 10/2 kỳ vọng mang đến những thay đổi tích cực và toàn diện cho gần 23 triệu học sinh cả nước. Tuy nhiên, một trong những trụ cột chính của Chương trình là Dinh dưỡng học đường vẫn còn nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm trong trường học.
Theo các chuyên gia, về lâu dài rất cần phải luật hóa các quy chuẩn về dinh dưỡng học đường, tạo hành lang pháp lý vững chắc và thống nhất trong quản lý lĩnh vực này.
|
Gánh nặng kép về dinh dưỡng và nỗi lo thường trực về an toàn thực phẩm
Tại Lễ công bố Chương trình Sức khỏe học đường 2021-2025, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu lên thực trạng về dinh dưỡng học đường qua những con số biết nói. “Cả nước hiện vẫn còn gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng tin chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Đội ngũ cán bộ cấp dưỡng trong trường học chưa được đào tạo bài bản, thực đơn bữa ăn chưa đảm bảo khoa học. Công tác tổ chức bữa ăn bán trú còn nhiều khó khăn đặc biệt là các trường, điểm trường vùng sâu, vùng xa, miền núi, do điều kiện kinh tế còn hạn chế” – Bộ trưởng cho hay.
Chế độ dinh dưỡng chưa khoa học kết hợp với các hoạt động thể chất chưa đầy đủ và hợp lý dẫn đến tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần (từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020 theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia). Gánh nặng kép về dinh dưỡng ở tuổi học đường và tiền học đường gồm thiếu và thừa dinh dưỡng là cửa ngõ của nhiều bệnh mãn tính không lây nguy hiểm. Bên cạnh đó, tầm vóc thanh niên Việt Nam cũng hạn chế: chiều cao bình quân của thế giới là 177 cm với nam và 164 cm với nữ, trong khi đó ở Việt Nam con số này lần lượt là 168 và 156 cm mặc dù đã nỗ lực cải thiện trong nhiều năm qua.
Là doanh nghiệp, doanh nhân yêu nước với khát vọng nâng cao tầm vóc Việt, bà Thái Hương cùng Tập đoàn TH đã bền bỉ và quyết liệt theo đuổi tiến trình này trong nhiều năm qua, thông qua các hoạt động thiết thực về dinh dưỡng, sức khỏe học đường. Chia sẻ về quan điểm và tư duy dẫn lối mình, bà Thái Hương nói: “Một quốc gia chỉ vững mạnh khi con người được phát triển toàn diện cả thể lực và trí lực, trong đó yếu tố tiên quyết cho sự phát triển này không những là nguồn dinh dưỡng thiết yếu như lúa, gạo, thực phẩm mà cần có một chế độ chăm sóc sức khỏe bền vững…”.
Riêng về tầm vóc và thể lực của nguồn nhân lực trong tương lai, bà Thái Hương nhận định, khoa học đã chỉ ra trẻ em từ 2-12 tuổi là thời kỳ vàng: 86% chiều cao của một người phụ thuộc vào sự phát triển ở độ tuổi này. Do vậy dinh dưỡng, thể lực học đường nói riêng và Sức khỏe học đường nói chung là những việc cần làm bài bản nhất nếu muốn có những thế hệ khỏe mạnh toàn diện cả về thể lực và trí lực.
Đứng trước thực trạng về dinh dưỡng học đường như Bộ trưởng Kim Sơn chỉ ra, bà Thái Hương cho rằng, công tác truyền thông cần đi đầu để định hướng cho mọi tầng lớp trong xã hội phải thấu hiểu, phải xem đây là cuộc cách mạng về nguồn nhân lực, về chiều cao của các thế hệ tương lai của dân tộc.
|
Bà Thái Hương đề xuất xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường. |
Cơ sở khoa học và thực tế cho Luật Dinh dưỡng học đường tại Việt Nam
Thực tế tại nhiều quốc gia từng triển khai thành công chương trình dinh dưỡng và bữa ăn học đường trên thế giới cho thấy, muốn trẻ nâng cao tầm vóc, thể lực thì chất lượng/thực đơn bữa ăn học đường thực sự phải được chuẩn hóa.
Chẳng hạn, tại Nhật Bản, từ năm 1954 đã “luật hóa” - đưa ra tiêu chuẩn dinh dưỡng và tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm cho bữa ăn học đường thông qua Luật Dinh dưỡng học đường. Từ đó đến nay, hầu như mọi trường tiểu học và trung học công lập tại Nhật Bản đều có bữa ăn học đường được quản lý nghiêm ngặt về chất lượng, đáp ứng 100% tiêu chuẩn dinh dưỡng theo các quy định đã được ban hành. Chính phủ Nhật công nhận bữa ăn học đường là một phần chính thống của chương trình giáo dục.
Chứng kiến vấn nạn an toàn thực phẩm cũng như tỷ lệ ngày càng cao trẻ em Việt Nam bị các đại dịch không lây của thế kỷ “tấn công”, Anh hùng Lao động Thái Hương đại diện TH bày tỏ mong muốn các quy chuẩn về dinh dưỡng học đường hiện vẫn chưa rõ ràng và tản mạn sẽ sớm được chuẩn hóa và luật hóa.
|
Hình ảnh giáo dục về dinh dưỡng tại một trường mầm non tại Quảng Nam – 1 trong 10 tỉnh, thành phố thực hiện Mô hình điểm Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực năm học 2020-2021. |
Từ năm 2019, Tập đoàn TH và Bộ GD-ĐT phối hợp thực hiện “Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên”. Mô hình thực hiện trong năm học 2020-2021 tại trường mầm non và tiểu học 10 tỉnh thành với những kết quả tích cực, và hiện đang được nhân rộng triển khai thêm 10 tỉnh thành trong năm học 2021-2022.
Mô hình điểm đưa ra những giải pháp đột phá trong tương quan giữa hai trụ cột quan trọng của Sức khỏe học đường, đó là dinh dưỡng và thể lực, kết hợp dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường vận động tối ưu đồng thời có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của giáo viên, cấp dưỡng viên, phụ huynh.
Điều đáng chú ý là trong Mô hình điểm, bữa ăn học đường được tiếp cận theo hướng sử dụng thực phẩm hoàn toàn từ tự nhiên, dựa trên lợi thế về nông nghiệp của vùng miền, sữa tươi sạch nguyên chất được đưa vào cấu phần bữa ăn một cách khoa học.
|
Một số kết quả của Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực. Trẻ em tại các trường được can thiệp có sự cải thiện rõ rệt về chiều cao và thể lực, đồng thời tỷ lệ béo phì giảm. |
“Mô hình đã có kết quả rõ rệt như trong đề án đã tổng kết, có nhóm đối chứng rõ ràng. Đây là căn cứ khoa học và thực tiễn để có cơ sở xây dựng, chuẩn hóa về dinh dưỡng học đường và chính sách quốc gia, là nền tảng để xây dựng Luật về Dinh dưỡng học đường trong thời gian tới” – bà Thái Hương nhấn mạnh. Theo bà, chỉ khi Luật Dinh dưỡng học đường ra đời mới có thể kiểm soát hiệu quả vấn đề an toàn thực phẩm và đảm bảo dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em, góp phần dự phòng và giảm thiểu các bệnh mãn tính không lây.